MỘT PHONG TRÀO HAI MỤC TIÊU

Về xã Thanh Hòa dịp này, chúng tôi chứng kiến các hộ dân thi đua triển khai xây dựng, cải tạo vườn nhà. Vườn của ông Nguyễn Trọng Quang ở xóm Hòa Nam có 10 gốc cam trên 5 năm tuổi, nhưng trước đây do mua giống kém chất lượng nên không đem lại hiệu quả, nay được Hội Nông dân xã vận động và định hướng quy hoạch vườn cây mới. Với gần 500 m2 đất vườn này, theo ông Quang, gia đình chia làm 2 phần, phần trồng cây ăn quả, gồm bưởi, ổi và phần còn lại trồng rau dinh dưỡng phục vụ gia đình. Trong vườn bố trí làm đường đi, lối lại và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới bài bản.

bna_image_3538176_362019.jpgHội Nông dân đảm nhận nhiệm vụ cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. Ảnh: Minh Chi

Theo bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hòa, hiện tại, hội đang tập trung vận động hội viên xây dựng vườn mẫu phù hợp với thực tiễn của địa phương. Vườn nào đã mang lại giá trị kinh tế thì chỉnh trang lại bờ rào, dọn dẹp sạch, đẹp; vườn nào chưa đảm bảo về mặt kinh tế thì tuyên truyền, vận động người dân cải tạo, bổ sung thêm vườn rau dinh dưỡng bên cạnh cây ăn quả đã có. 

"Với sự vào cuộc của hội thông qua huy động các hội viên trong chi hội cùng tham gia, các hộ thực hiện cải tạo vườn và định hướng cây trồng phù hợp, cung cấp địa chỉ mua giống cây đảm bảo, hỗ trợ gạch để làm đường đi, lối lại trong vườn và ống nước tưới, sau 2 tháng triển khai, trên địa bàn xã đã có 6 vườn mẫu được hình thành. Và phong trào này đang tiếp tục được lan tỏa sâu rộng”.

Bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hòa

Phát triển diện tích cam chất lượng cao tại Thanh Chương. Ảnh tư liệu

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hòa, không chỉ vào cuộc chỉ đạo xây dựng vườn mẫu, trước đó Hội Nông dân cũng chủ trì xây dựng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây cam theo đề án phát triển cam V2 của huyện.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo xây dựng thành công 8 mô hình trồng cây ăn quả thông qua việc hỗ trợ lãi suất vốn vay gắn với hỗ trợ tập huấn KHKT, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Mỗi mô hình có từ 0,5 đến 2 ha, như hộ ông Lê Văn Ngọc (xóm Hòa Tiến), hộ ông Nguyễn Ngọc Hiền (xóm Hòa Nam). Từ việc chỉ đạo của Hội Nông dân xã đã chuyển được một số diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả và tăng diện tích giống cam V2 ở Thanh Hòa lên hơn 9 ha. 

“Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương, khóa XXX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Thanh Chương giao trách nhiệm cho Hội Nông dân tham gia chương trình phát triển cây trồng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới (NTM). Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai dựa trên quy hoạch vùng cây trồng chủ lực được huyện xác định".

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương

Mở đường để phát triển cây hàng hóa ở xã Thanh Nho (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Sau gần 3 năm chỉ đạo xây dựng mô hình, gắn với hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, đến thời điểm này, các hội viên của hội đã trồng mới gần 80 ha cam V2 và cam Xã Đoài tại 5 xã Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Thủy; gần 60 ha bưởi Diễn tại các xã Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Ngọc, Thanh Phong.

Riêng đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, Hội Nông dân huyện đã vận động hội viên chuyển đổi ruộng đất gắn với chỉnh trang đồng ruộng; tích cực tập huấn kiến thức sản xuất, dạy nghề cho nông dân.

Và vừa qua, Thường trực Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo giao cho Hội Nông dân xây dựng vườn mẫu hộ nông dân gắn với xây dựng NTM và đến nay đã có 4 xã đã triển khai với hàng chục vườn mẫu được hình thành.

“BIẾN RÁC THẢI THÀNH CON GIỐNG”

Tương tự, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Chương được Ban Thường vụ Huyện ủy giao tham gia chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để hội viên phát triển chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, hội đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng một số mô hình chăn nuôi gà thả vườn từ 1.000 con trở lên tại xã Thanh Xuân; thành lập “Tổ hợp tác chăn nuôi gà” tại xã Hạnh Lâm, Xuân Tường; đồng thời triển khai mô hình phụ nữ khởi nghiệp chăn nuôi bò 5 con trở lên tại các cơ sở hội.

Hiện trên địa bàn huyện có 720 hộ hội viên phụ nữ nuôi 5 con bò thịt trở lên và 450 hộ hội viên nuôi 500 con gà thịt trở lên.

Các phong trào “Biến rác thải thành con giống” và “Làn nhựa đi chợ” của Hội LHPN huyện Thanh Chương. Ảnh: Minh Chi

Ngoài các nội dung trên, theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Chương Đinh Thị Hân cho biết, hội cũng đã sáng tạo tổ chức phong trào “Biến rác thải thành con giống” và “Làn nhựa đi chợ”.

Một mặt hình thành ý thức phân loại rác tại nguồn trong chị em, mặt khác huy động được nguồn lực thông qua thu gom rác thải nhựa và chai lon gây quỹ với hàng trăm triệu đồng mỗi năm để mua gà giống hỗ trợ chị em khó khăn phát triển chăn nuôi và mua làn nhựa tặng chị em đi chợ nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông.

Hội Phụ nữ các cấp cũng tích cực tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong chị em hội viên thông qua tổ chức phong trào “5 không, 3 sạch”; thành lập 422 "Tổ phụ nữ tự quản về môi trường" ở khu dân cư và quản lý gần 2.000 đoạn đường tự quản sạch, đẹp; vận động xây dựng hơn 19.000 lò đốt rác tại gia…

Đoạn đường phụ nữ tự quản ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

GẮN CÁC TỔ CHỨC, ĐOÀN THỂ VỚI PHONG TRÀO PHÙ HỢP

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, chia sẻ: “Xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với MTTQ và các đoàn thể, ngoài việc tuyên truyền, tập hợp khối đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ để xây dựng NTM, đô thị văn minh thì trọng tâm là huy động các nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống và tham gia hòa giải và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Dưới sự chỉ đạo của MTTQ, các đoàn thể được chỉ định thực hiện các chương trình, phần việc cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế. Đơn cử, Hội Cựu chiến binh tham gia chương trình giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tham gia xây dựng NTM bằng việc đảm nhận việc xây dựng khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng xanh, sạch, đẹp.

Đoàn Thanh niên đảm nhận phong trào vệ sinh môi trường, gắn với xây dựng đường hoa NTM và các phong trào tình nguyện vì cộng đồng… Liên đoàn Lao động huyện có trách nhiệm triển khai có hiệu quả quy chế dân chủ trong cơ quan, doanh nghiệp, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học xanh - sạch - đẹp.

Đoàn thanh niên làm công trình thanh niên cấp huyện và đảm nhận xây dựng đường hoa gắn với xây dựng NTM. Ảnh: Minh Chi

“Thông qua giao việc cụ thể, MTTQ và các đoàn thể đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo bài bản, rõ nội dung, rõ công việc, rõ địa chỉ, mô hình cụ thể, xóa dần tư duy hành chính hóa, chung chung trong hoạt động, khắc phục tình trạng một mô hình kinh tế, vừa là của hội viên hội nông dân, vừa là của hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên..., góp phần thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX đề ra”.

Ông Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương