(Baonghean) - Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành khóa XXV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã mở ra thế và lực mới cho Yên Thành bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sản xuất hàng hóa; đây là cơ sở, là điều kiện quan trọng để huyện tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2015 - 2020), đưa Yên Thành trở thành huyện khá của tỉnh và đạt huyện nông thôn mới vào năm 2019.
Giải pháp đầu tiên cần tập trung ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, đó là toàn huyện sẽ mở một đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền về kết quả thực hiện Nghị quyết đảng bộ huyện khóa XXV và mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI để chuyển quyết tâm và sự đồng thuận cao của Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện thành những hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết đại hội đề ra. Đồng thời xây dựng các chương trình hành động bằng các nghị quyết, đề án chuyên đề theo từng lĩnh vực, làm cơ sở cho quá trình chỉ đạo điều hành thông qua các biện pháp cụ thể, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Trên cơ sở các giải pháp mang tính tổng quát thì ở mỗi chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu trong nhiệm kỳ cũng cần có những giải pháp cụ thể. Yên Thành vẫn được xác định là một huyện nông nghiệp, chính vì vậy trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy đà của nhiệm kỳ 2010 – 2015, huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường ứng dụng KHCN, bố trí lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi có hiệu quả theo phương châm “đất nào cây ấy”, để nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích; đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, vừa giảm các công việc nặng nhọc cho người lao động, vừa giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, vừa đảm bảo lịch thời vụ, vừa tăng hiệu quả sản xuất; phát triển nhanh mô hình cánh đồng sản xuất lớn, trang trại, gia trại, tạo ra lượng hàng hóa lớn trong nông nghiệp của một số sản phẩm chủ lực và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm có nhiều lợi thế như lúa giống, lúa chất lượng cao, cam, nấm, mật ong, rau, củ, quả sạch và từng bước hình thành các sản phẩm du lịch... Để đạt được những mục tiêu trên cần kết hợp liên kết liên doanh với các doanh nghiệp với việc tổ chức lại mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại, gia trại. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Yên Thành xác định việc khai thác tiềm năng và lợi thế của rừng, tăng thu nhập để nông dân gắn bó với nghề rừng và đảm bảo độ che phủ, giữ vững vốn rừng phòng hộ đầu nguồn cho 252 hồ, đập lớn nhỏ ổn định nguồn nước tưới trong nông nghiệp cần xây dựng giải pháp trồng và khai thác rừng bền vững. Để đạt được tỷ trọng chăn nuôi chiếm 47% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại, phát triển các con đặc sản, chất lượng, có giá trị hàng hoá cao, từng bước đưa các điểm chăn nuôi lớn ra khỏi khu dân cư để bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Yên Thành đang đặt ra mục tiêu cán đích nông thôn mới vào năm 2019, muốn vậy thì vẫn tiếp tục duy trì các giải pháp để thực hiện 5 khâu đột phá: Tiếp tục vận động nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông nông thôn nhằm đưa hệ thống đường giao thông Yên Thành đạt 4 yêu cầu (nền đường đủ 2 làn xe cơ giới đến tận hộ gia đình, cứng hoá mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông xi măng, kiên cố hoá 2 mương kẹp đường, trồng 2 dải cây xanh ven đường); hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng đồng ruộng đạt yêu cầu đưa cơ giới đến tận thửa và đủ điều kiện áp dụng tưới tiêu khoa học; tổ chức lại sản xuất để không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân; xây dựng giải pháp đạt chuẩn hoá về giáo dục, y tế, thiết chế văn hoá – thông tin – thể thao bền vững; chú trọng đào tạo nghề cho nông dân dưới 50 tuổi.
Đối với công nghiệp – xây dựng, giải pháp được ưu tiên là tăng cường đầu tư xây dựng 5 cụm công nghiệp ơrở thị trấn, Tràng Kè, Công Thành, Mỹ Thành, Sơn Thành tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích con em Yên Thành đầu tư vào các cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản… Góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động. Có chính sách mở rộng và củng cố 12 làng nghề đã được công nhận và phát triển các làng có nghề thành làng nghề; phấn đấu ở mỗi xã xây dựng được 1 làng nghề và làng có nghề để giải quyết nguồn lao động nông thôn. Trong lĩnh vực xây dựng, tập trung thu hút các nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp và khơi thông nội lực của nhân dân để đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương tưới tiêu; đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa – thông tin – thể thao..., đáp ứng chuẩn hóa các tiêu chí của huyện nông thôn mới. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế quản lý cụ thể hoá các chế tài quản lý đưa vào hương ước để quản lý và khai thác tốt các kết quả đầu tư trên địa bàn.
Về thương mại – dịch vụ, trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt triển khai nhanh việc nâng cấp hệ thống chợ theo mô hình phía trước là trung tâm thương mại, phía sau cải tạo chợ truyền thống từng bước đạt yêu cầu văn minh thương mại nhằm nâng cao giá trị từ hoạt động thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan tâm phát triển các điểm bán lẻ hàng hóa để làm chủ thị trường bán lẻ nội huyện, đồng thời hình thành các trung tâm bán buôn tại 12 thị tứ, 2 thị trấn.. Gắn với quy hoạch, nâng cấp 192 di tích trong tổng số 423 di tích đã được kiểm kê trong toàn huyện, phục hồi lại các hoạt động văn hoá phi vật thể (tuồng, chèo, dân ca ví giặm…) phát triển thành các điểm du lịch văn hóa tâm linh, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh đền chùa Gám thành điểm nhấn, từ đó tạo ra sức lan tỏa, sự kết nối giữa các điểm di tích trong huyện.
Song song với đó, Yên Thành cũng tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động, nguồn nhân lực, trong đó chú trọng tạo bước chuyển biến thực sự về chất lượng trong giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao cho các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 2,5 - 3%... Quan tâm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, tạo môi trường để phát triển tốt.
Bằng các giải pháp cụ thể, cộng với sự tập trung cao của ý chí, nguyện vọng, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Yên Thành sẽ từng bước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI đề ra, xây dựng Yên Thành trở thành huyện khá của tỉnh và được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2019.
NGUYỄN TIẾN LỢI
(Chủ tịch UBND huyện Yên Thành)