(Baonghean) - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn yêu cầu các địa phương tự chủ quyết định việc dừng hay tiếp tục mô hình trường học mới (VNEN) khiến nhiều phụ huynh ở Nghệ An, đặc biệt là địa bàn TP. Vinh xôn xao những ngày vừa qua. Nhiều phụ huynh yêu cầu cho con chuyển trường với lý do: Học VNEN khiến các cháu học lực yếu lại càng đuối hẳn.

VNEN là gì? 

Hình mẫu để xây dựng nên VNEN là Escuela Nueva (EN) - một mô hình giáo dục của Colombia được Liên Hiệp quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và đã nhân rộng tại hàng chục quốc gia châu Mỹ. Bà Vicky Colbert - đồng sáng lập tổ chức Fundacion Escuela Nueva - đã được trao giải WISE, một giải thưởng vinh danh những cá nhân và tập thể có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục thế giới. 

Tinh thần chính của VNEN được xác định là sự tự chủ, tự quản của học sinh trong việc học và xây dựng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, xã hội. Những tài liệu về VNEN đều nhấn mạnh một điểm: Học sinh là chủ thể trung tâm của hoạt động dạy và học, giáo viên có vai trò dẫn dắt tổ chức lớp học và đồng hành trong quá trình giải quyết vấn đề, tiếp thu và thực hành kiến thức của học sinh. 

'Giải oan' cho VNEN ảnh 1
 

Để thực hiện mục tiêu nói trên, VNEN đưa ra một số giải pháp như: thay đổi tổ chức lớp học về mặt không gian (trang trí lớp học, xây dựng “Góc học tập”, “Thư viện lớp học”, sắp xếp lại bàn ghế để học sinh ngồi học thành nhóm quay mặt vào nhau,…); thay đổi tổ chức lớp học về mặt quản lý (giáo viên hướng dẫn học sinh bầu Hội đồng tự quản để rèn luyện tính trách nhiệm và kỹ năng lãnh đạo); giáo viên có tài liệu hướng dẫn tổ chức tiết học bằng các hoạt động tổ nhóm, sử dụng các thiết bị trực quan…

Cả VNEN và EN đều dựa trên nền tảng trường phái giáo dục lấy học sinh làm trọng tâm, đề cao trải nghiệm và tính tự chủ của học sinh trong việc dạy và học. Học sinh tiếp nhận kiến thức theo cách thức và mức độ phù hợp với năng lực và mong muốn cá nhân. Không có chuyện nhồi nhét, áp đặt việc học như thế nào và học bao nhiêu là đủ lên học sinh mà hoàn toàn do sự vui thích của các em. Xét về mặt tư tưởng, đây là một mô hình giáo dục nhân văn và mang tính thiết thực cao. 

EN thành công, VNEN thất bại: Tại sao?

Tư tưởng, ý tưởng hồn cốt của VNEN (và EN) rất đúng đắn, nhưng khi triển khai thực hiện lại không thành công, vì không thích nghi với điều kiện và yêu cầu của nền giáo dục Việt Nam. 

Trên thực tế, Colombia chỉ triển khai EN ở các vùng sâu, vùng xa, vùng ngoại ô nơi dân trí kém phát triển. Các lớp học vì quá ít ỏi nên phải ghép học sinh nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong điều kiện như vậy, mô hình tự chủ, tự quản của EN đặc biệt hiệu quả khi các nhóm học sinh chênh lệch về tuổi, trình độ có thể tự tổ chức việc học đáp ứng với nhịp độ và khả năng của mình. Trong khi đó, VNEN áp dụng đại trà ở Việt Nam cho cả những lớp học ở thành thị, đồng bằng, nơi luôn chịu áp lực cực cao về mặt sỹ số.

Có thể thấy, điểm số không phải là mục tiêu được đề cao trong mô hình EN. Trả lời phỏng vấn của UNESCO, nhà đồng sáng lập ra Fundacion Escuela Nueva - bà Vicky Colbert khẳng định: “Tính cộng đồng là tinh thần bao trùm lên mô hình EN. Chương trình hướng tới mục tiêu củng cố mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”. Điều này tương đồng với điều kiện triển khai của EN và giải quyết được vấn đề của đối tượng áp dụng: những vùng sâu, vùng xa, vùng ngoại ô nghèo có sự chênh lệch lớn với mặt bằng phát triển chung của xã hội. 

Lỗi tại ai?

Trong khi nhiều địa phương tuyên bố dừng nhân rộng mô hình VNEN (trong đó có Hà Tĩnh), một số lại bày tỏ mong muốn tiếp tục thực hiện mô hình vì thấy có hiệu quả. Điều này cho thấy: VNEN không sai, sai ở cách thức và người thực hiện. 

>>> Nghệ An triển khai VNEN như thế nào? 

Lớp học theo mô hình VNEN tại trường tiểu học thị trấn Dùng, Thanh Chương. ảnh minh họa: Minh Nguyệt

Người có trách nhiệm gần nhất, không ai khác chính là giáo viên. Phương pháp giáo dục truyền thống đã ăn sâu vào tư tưởng của giáo viên Việt Nam. Chính bản thân họ cũng được đào tạo dựa trên cách thức truyền thống và hệ giá trị truyền thống (đặt nặng điểm số, học vẹt lý thuyết, làm bài như thợ). Đòi hỏi họ truyền thụ kiến thức cho học sinh theo mô hình VNEN chắc chắn là một yêu cầu khó. 

Song cái khó này không nằm ở chuyên môn - bởi VNEN chỉ mới được triển khai ở bậc Tiểu học là bậc học chưa đòi hỏi sâu về kiến thức - mà nằm ở kỹ năng dẫn dắt, sự linh hoạt ứng biến với các tình huống không được báo trước và khả năng lắng nghe, thấu hiểu học sinh. Để làm được điều này, đừng nghĩ rằng một, hai buổi tập huấn hay tài liệu hướng dẫn kiểu “cầm tay chỉ việc” có thể làm nên chuyện. Yếu tố quyết định là sự chủ động, tận tâm và sáng tạo của đội ngũ giáo viên. 

Nhưng lỗi không phải chỉ ở giáo viên, mà các bậc phụ huynh cũng đóng góp một phần rất lớn trong thất bại của mô hình VNEN. Nhiều phụ huynh phàn nàn: “Học VNEN khiến con tôi bị đuối hơn bạn bè đồng trang lứa, phải cho đi học thêm để theo kịp các bạn”. Hình như phụ huynh Việt Nam nào cũng đặt cho con câu hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm, điểm cao nhất lớp là bao nhiêu?”. Tóm lại, việc học của con em đối với phụ huynh như một cuộc chạy đua mà học sinh là những con ngựa, giáo viên là nài ngựa, còn phụ huynh là người đặt cược. 

Dưới áp lực của phụ huynh đòi hỏi kết quả học tập của con em phải được số hóa (theo nghĩa đen), làm gì có thầy cô nào yên tâm tổ chức những tiết học “vừa học vừa chơi” để rèn luyện các kỹ năng sống và hiểu biết thường thức. Các em học sinh thì tất nhiên là vẫn cặm cụi học hành, gạo điểm chứ chắc gì đã “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…

Bàn về VNEN thì người ta còn tranh luận dài dài, nhưng nếu đổ lỗi do mô hình VNEN sai lầm hay do năng lực của học sinh quá yếu thì chắc chắn là không thuyết phục. Ý tưởng của VNEN không sai, có chăng là cách làm chưa đúng (mà điều này thì không thể trách mô hình?). Còn về năng lực học sinh: Xin thưa, còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá. Vì nếu đánh giá như cách mà nền giáo dục Việt Nam vẫn làm thì học sinh các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Singapore… có sang Việt Nam cũng bị liệt vào loại… học dốt hết cho mà xem! 

T.A

TIN LIÊN QUAN