(Baonghean) - Đọc báo là thói quen của nhiều người, thậm chí có người ăn sáng, uống cà phê mà không có tờ báo trên tay là thấy mất cả ngon. Cũng là điều tất yếu, khi mà nhu cầu cập nhật thông tin trong xã hội hiện đại đang ngày càng lớn và phổ cập. Tuy nhiên, một tờ báo không chỉ là những dòng tin tức, những con số hay bức ảnh, đằng sau nó là cả một đội ngũ nhiều con người thường chỉ được biết đến qua cái tên in dưới một bài báo, hoặc đơn giản là PV (phóng viên). Lại cũng có những người chỉ đứng sau cánh gà sân khấu nhưng không có họ, chắc chắn tờ báo chẳng thể thành hình.

Để giải mã những “anh hùng Núp” phía sau tờ báo, tôi cất công đến Toà soạn Báo Nghệ An một buổi chiều. Đã hết giờ hành chính nên nhiều đồng chí đang mải mê đánh cầu lông - môn thể thao quen thuộc của giới công sở. Tôi hỏi liệu giờ này có thể gặp các đồng chí lãnh đạo nữa không, một đồng chí cười tủm tỉm: “Đồng chí gặp may nhé, đây là “lãnh đạo” Nghĩa”. Tôi vội vàng bắt tay vị lãnh đạo cơ quan thì đồng chí Nghĩa vui vẻ nói: “Tôi là Trưởng phòng Thời sự, còn đây là nhiếp ảnh gia Sỹ Minh, phóng viên của tôi”. Quả là một người có tác phong lãnh đạo! Lúc giải trí, chơi thể thao thì vui vẻ xuề xoà thế chứ vừa rồi, đồng chí Nghĩa đã đạt giải B cấp quốc gia về ảnh thời sự, với bức ảnh “Gặp lại ân nhân” chớp được trong dịp kỷ niệm sự kiện Truông Bồn, quả là “sinh nghề tử nghiệp”, còn vinh dự nào hơn cho người làm phóng viên thời sự! Thấy tôi trầm trồ, “lãnh đạo” Nghĩa khoe : “Ăn thua gì, cái loại giải thưởng này, nhiếp ảnh gia Sỹ Minh của tôi có hàng tá!”.

Trực xuất bản tại Tòa soạn Báo Nghệ An

(Ảnh chụp lúc 23h ngày 20/6/2013).

Tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá toà soạn báo với điểm dừng chân tiếp theo là phòng bạn đọc, bộ phận tiếp dân, xử lý đơn thư, ý kiến phản hồi về những nội dung báo đăng. Trưởng phòng là chị Thanh Lương, gì chứ trưởng phòng bạn đọc mà xinh đẹp, duyên dáng thế này thì các “anh hùng” đến kiện cáo có bức xúc mấy lúc ra về cũng vơi bớt dăm, bảy phần ấm ức. Nhưng nghe khẩu khí của người đẹp thì xem ra cũng chẳng phải phận nữ nhi liễu yếu đào tơ, thôi thôi bài chuồn là hơn cả, tôi vội vàng đi lên tầng hai. Vừa đến trước phòng Thư ký, cửa phòng bỗng vụt mở, một đồng chí hớt hải chạy ra, tôi ú ớ gọi theo thì đồng chí ấy chỉ kịp nói: “Sếp đang gọi tôi có việc gấp, đồng chí thông cảm!”. Hỏi ra thì là Trưởng phòng Thư ký Toà soạn Trần Hùng. Bộ phận này cũng vất vả chứ chẳng đùa, các anh em phóng viên gửi bài về nào món luộc, món xào, món rán, phải qua bàn tay “bếp núc” toà soạn mới xào nấu ra một tờ báo đạt chuẩn về hình thức, nội dung. Nghe nói một tuần nay “đầu bếp” Trần Hùng ở lì trên toà soạn, vừa mới tranh thủ về nhà ăn cơm với vợ thì bị sếp gọi thay bài nên phải chạy hộc tốc lên cơ quan.

Đánh liều  vào phòng vi tính, tôi gặp “lính phòng không” Trần Hải đang ngồi dán mắt vào máy vi tính, trên màn hình là trang báo đang mi dở. Đồng chí Trần Hải là kỹ thuật viên thiết kế mi trang kiêm phụ trách phòng chế bản in phim. Bộ phận này làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, thậm chí là 2, 3 giờ sáng. Tôi hỏi nhỏ một đồng chí trong phòng: “Giờ giấc như thế thì lấy đâu ra thời gian mà yêu nhỉ?”, đồng chí này bụm miệng cười thì thầm vào tai tôi: “Yêu cái máy tính chứ yêu gì nữa, chúng tôi ở đây hiểu máy tính còn hơn hiểu phụ nữ!”. Bên cạnh đồng chí Trần Hải là hoạ sĩ mi trang Tôn Đức, người được mệnh danh là có bàn tay phù thuỷ có thể biến những bức ảnh nhiều chi tiết thừa, không phù hợp hay rối mắt thành những bức ảnh rõ ràng để minh hoạ cho bài báo chỉ trong vài nháy... chuột. Tài hoa là thế nhưng hoạ sĩ Đức chỉ là người làm không công, vì thẻ nhận lương đã bị đồng chí vợ (cũng công tác trong cơ quan) giữ...hộ!

Lò dò đi xuống, tôi gặp một nhóm phóng viên vừa sinh hoạt nghiệp vụ từ trung tâm báo chí ra, đang tranh luận về việc sử dụng từ “già làng” lúc nào cho hợp lý. Chỉ đến khi cộng tác viên đặc biệt Vi Chôồng lên tiếng thì cuộc tranh luận mới ngã ngũ. Được biết cộng tác viên Vi Chôồng là người dân tộc Thái, cộng tác với báo hơn một năm nay, là trụ cột của những chuyên mục trên chuyên trang Miền núi. Bỗng một người tách khỏi nhóm phóng viên, chạy vụt đi. Đó chính là phóng viên Nguyên Khoa của phòng Báo Điện tử - “Chắc là lại cháy ở đâu rồi, ở đâu có tin nóng, ở đó có Nguyên Khoa!”. Trưởng phòng Kinh tế Công Sáng nháy mắt với Trưởng phòng Báo Điện tử: “Chân chạy của phòng ông làm sao bằng “Thần Kim Quy” của phòng tôi?”. Mọi người cười rộ lên, còn phóng viên Quỳnh Lan ấp úng thanh minh: “Em biết rồi, em chậm, nhưng có phải ai cũng giỏi việc nước, đảm việc nhà như Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Văn xã đâu?”. Quỳnh Lan vừa dứt lời là mọi người cũng dạt ra để tránh đường cho Thanh Thuỷ về... đón con.

Vừa lúc đó, cặp bài trùng “Sai” Thị Ngọc và “Nhầm” Thị Thuỷ của phòng Kế toán cất tiếng lảnh lót: “Mời các linh hồn” của tờ báo xuống nhận chế độ cho chúng em nhờ!”. Mọi người cười phá lên, nhớ lại lần hai cô nàng bị Tổng Biên tập phê bình vì đã tính nhầm chế độ cho một phóng viên, đại loại “Nếu các đồng chí cứ nhầm với sai chế độ thế này thì làm sao anh em phóng viên – “linh hồn” của tờ báo chuyên tâm sáng tạo được?”. Kể từ đó, “Một nghìn cũng không được thiếu” đã trở thành “phòng ca” của phòng Kế toán. Nghe khẩu lệnh có chế độ, các nàng mo-rát và biên tập viên của phòng Thư ký cũng nhào xuống nhập hội nhưng chưa xuống hết cầu thang đã vội tự giác quay ngược trở lên khi một giọng sang sảng cất lên: “Bao giờ thì mới có trang và bài cho tôi duyệt? Các đồng chí có biết mấy giờ phải đưa bản phim sang nhà in để ra báo kịp sáng mai không?”. Vậy là cuộc giải mã toà soạn đã tìm ra ẩn số cuối cùng, ấy chính là vị Tổng Biên tập!!!

Hải Triều