Stay With Me là bản tình ca tuyệt vời nhất năm 2014, được hát bởi một chàng trai đồng tính mang tên Sam Smith, lấy cảm hứng từ một tình yêu đồng giới không được đền đáp. Ca khúc này vừa được vinh danh với giải Grammy Thu âm của năm.

Nếu cô đơn vào lễ tình yêu Valentine, bạn hãy nghe ca khúc của Sam Smith. Hoặc kể cả nếu không bất hạnh, bạn cũng nên nghe Stay With Me, bởi người ta luôn cần tình yêu, đúng như lời ca khúc: “Tôi cần tình yêu vì tôi là một con người”.

Cần biết rằng Sam Smith đã sáng tác ca khúc này khi anh hoàn toàn cô quạnh. Anh đem lòng yêu một người đàn ông dị tính và không được đáp lại. Giờ thì anh là người hát tình ca được hâm mộ nhất thế giới.

Ca khúc phải hát bằng cả tâm hồn

Smith vừa giành 4 giải Grammy, trong đó có 3 giải quan trọng là Nghệ sĩ mới xuất sắc, Bài hát của năm và Ghi âm của năm, đều dành cho bản tình ca Stay With Me. Anh chính là ngôi sao sáng nhất của Grammy năm nay, không hổ danh “Adele phiên bản nam”. Từ năm 2012, một lần nữa một giọng ca siêu đẳng người Anh lại thống trị giải thưởng âm nhạc Mỹ danh giá.

Vô số người đã hát lại (cover) Stay With Me trên YouTube, từ ca sĩ chuyên nghiệp như Ed Sheeran (cũng được đề cử Grammy) cho đến các ngôi sao YouTube như Boyce Avenue hay Sam Tsui, và cả những người hâm mộ ít được biết đến hơn.

sam-smith.jpgSam Smith tỏa sáng tại Grammy 2015 với bản tình ca cất lên từ nỗi buồn chân thật

Đây là một bài hát không hẳn khó hát, nhưng lại đòi hỏi cảm xúc sâu lắng. Chính giai điệu đơn giản và cách phối giản dị đòi hỏi chất giọng điêu luyện nhất. Vì thế, những bản hát lại trên YouTube kẻ tám lạng người nửa cân, ăn nhau ở cảm xúc, điều mà chỉ Smith, người trực tiếp sáng tác và trải nghiệm cảm giác trong bài hát, là hiểu rõ nhất.

Khi cô ca sĩ 15 tuổi rất xinh xắn Madison Beer hát lại Stay With Me bằng một chất giọng tốt, nhưng biểu cảm nhơn nhơn đắc thắng, hàng loạt người nghe nhận ra ngay đó là một bản cover tồi. Tệ hơn, đó là bản cover vô hồn.

Stay With Me chiếm được trái tim người nghe nhờ tâm hồn của bài hát, vốn thuộc dòng nhạc soul (nghĩa là “tâm hồn”). Bài hát là một nỗi buồn sâu thẳm của tình yêu không được đáp lại, điều mà ít ai chưa từng trải qua trong đời. Khi giai điệu này cất lên, chẳng có niềm vui nào trong đó, chỉ có cảm giác tê tái và cô độc. Và đó là bản thu âm tuyệt vời nhất năm 2014, ít nhất là theo kết quả giải Grammy trong đêm 8/2.

Đau đớn và hạnh phúc, bên nào mạnh hơn?

Người ta nói rằng “truyền cảm” là tiêu chí quan trọng nhất của âm nhạc, và mỗi lần nghe Smith hát Stay With Me, khán giả lại được cảm nhận thấm thía hai chữ đơn giản đó. Màn song ca với nữ ca sĩ Mary J. Blige tại lễ trao giải Grammy vừa qua không phải là ngoại lệ.

Truyền cảm là một thứ khó lý giải, cũng không dễ nói ra thành lời, nhưng cảm nhận lại rất dễ. Nghe Stay With Me và đắm chìm trong một nỗi buồn sâu lắng, nói vậy là đủ, còn lại là im lặng.

Stay With Me là cảm xúc của chàng trai đồng tính sau cuộc tình một đêm. Anh thức dậy đầy ê chề và quạnh quẽ, nhưng vẫn muốn níu chân người kia dù biết người đó không yêu mình. “Đây không phải tình yêu, điều đó thì rõ rồi. Nhưng nếu tôi cần anh, anh sẽ nắm lấy tay tôi chứ?” – Smith hát, mắt xanh buồn thăm thẳm.

Không chỉ Stay With Me, toàn bộ album đầu tay In The Lonely Hour đều hát về mối tình đó, người đàn ông đó, người anh đem lòng yêu hồi năm 2013 nhưng không bao giờ được đáp lại.

“Giờ tôi đã vượt qua chuyện đó, nhưng tôi đã ở trong tâm trạng rất tồi tệ” – nam ca sĩ trả lời phỏng vấn năm 2014 - “Tôi luôn thấy cô đơn vì chưa bao giờ cảm thấy được yêu. Tôi nghĩ đến những điều tiêu cực. Cảm xúc nào mạnh mẽ hơn: đau đớn hay hạnh phúc?”.

Câu trả lời với mọi người là “tùy thời điểm”. Nhưng câu trả lời cho riêng Smith là “đau đớn”. Chính thứ cảm xúc được đẩy đến tột cùng đó đã buộc anh tìm đến âm nhạc, viết ra những giai điệu và lời ca. Nhờ tài năng của anh, chúng biến thành những ca khúc tuyệt vời. Điều này một lần nữa đặt anh cạnh Adele, những người hát tình ca đau buồn nhưng đầy sức mạnh.

Theo TTVH