(Baonghean) Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đòi hỏi ngành Y tế phải đào tạo, thu hút nguồn nhân lực - xây dựng đội ngũ y, bác sỹ đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn và y đức. Trong những năm qua, vấn đề này đã được tỉnh, ngành Y tế chú trọng. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn chưa thật tốt và đặc biệt bất cập “thiếu và thừa” ngày càng trở nên trầm trọng…

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế Nghệ An, trong năm 2011, ngành đã tuyển dụng được 630 cán bộ, trong đó có 115 bác sỹ, 8 dược sỹ đại học, nâng số bác sỹ trong toàn tỉnh lên 1.728 người, đạt tỷ lệ 5,9 bác sỹ/1 vạn dân (trong khi cả nước là 7,2 bác sỹ/vạn dân). Dẫu vậy, theo ước tính, hiện toàn tỉnh vẫn còn thiếu khoảng trên 500 bác sỹ và 100 dược sỹ đại học. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, đạt tỷ lệ 7 bác sỹ/1 vạn dân, ngành Y tế Nghệ An vẫn phải cần thêm 1.000 bác sỹ… Tình trạng thiếu bác sỹ đang diễn ra phổ biến trên khắp địa bàn từ miền xuôi đến miền ngược, từ y tế dự phòng đến các bệnh viện điều trị.

    Bác sỹ trẻ ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường.

Sự thiếu hụt bác sỹ đang xảy ra trầm trọng ở tuyến xã. Đầu năm 2012, tại huyện Tân Kỳ có 22 trạm y tế xã, thị trấn thì có tới 7 trạm chưa có bác sỹ. Đến cuối năm, có thêm 1 bác sỹ “bỏ trạm” chuyển sang công tác tại bệnh viện. Bác sỹ Trương Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, cho hay: “Để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trung tâm Y tế  đã thực hiện việc bố trí đưa bác sỹ trưởng khoa, phòng của trung tâm về kiêm nhiệm phụ trách việc trực khám cho các trạm không có bác sỹ…”.  Và không phải chỉ riêng những địa bàn khó khăn, miền núi cao mới thiếu bác sỹ mà ngay ở những vùng thuận lợi khu vực đồng bằng cũng tương tự. Ở huyện Hưng Nguyên, trước năm 2010, 16/23 trạm có bác sỹ và hiện nay con số này chỉ còn 13/23 trạm có bác sỹ.

Bác sỹ Hồ Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hưng Nguyên, cho biết: Mới đây, một bác sỹ của Trạm Y tế xã Hưng Thông (nguyên là y sỹ vừa được Trung tâm bố trí cho đi học lên bác sỹ) cũng nghỉ việc ra ngoài làm bệnh viện tư… Cả tỉnh hiện có 480 trạm y tế xã, phường, thị trấn thì mới chỉ có 87,7% xã có bác sỹ công tác (bác sỹ thực tế của xã là 287 người (60%)).

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu bác sỹ ở các bệnh viện cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Những năm gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũng luôn thiếu hụt bác sỹ chuyên khoa, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Để khắc phục từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện đã tuyển dụng gần 500 cán bộ, trong đó khoảng 200 bác sỹ (đợt tuyển mới nhất vào tháng 9/2012, bệnh viện mời gọi được 33 bác sỹ vừa tốt nghiệp loại giỏi, loại khá từ các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y Thái Bình về làm việc tại bệnh viện); bên cạnh đó còn cử hơn 200 bác sỹ đi đào tạo chuyên khoa, thạc sỹ và tiến sỹ. 

Tuy vậy, theo ước tính của bệnh viện, đến năm 2013, khi bệnh viện 700 giường đi vào hoạt động, kèm theo đó Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ra đời thì thiếu vẫn hoàn thiếu. Bác sỹ Nguyễn Danh Linh - Giám đốc Bệnh viện khẳng định: Bệnh viện coi nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng và sự phát triển, nhất là khi bệnh viện tiếp nhận cơ sở mới. Vì thế, cứ có bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, khá xin về là tiếp nhận ngay và bố trí công việc theo nguyện vọng và năng lực.

Ở các bệnh viện chuyên khoa như Lao, Tâm Thần càng bi đát hơn. Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thì đã 20 năm nay chưa nhận được một bác sỹ trẻ nào tốt nghiệp ở các trường đại học chính quy về công tác. Và ngay cả ở những bệnh viện tư nhân (bằng cách trả lương cao đã thu hút được một lượng lớn bác sỹ từ các cơ sở công lập về công tác), bác sỹ cũng “khan hiếm”. Bệnh viện Đa khoa 115 có 40 bác sỹ, hiện vẫn cần thêm khoảng 10 bác sỹ nữa…

Nếu như hiện tại ngành Y phải chấp nhận cảnh “ăn đong” với đội ngũ bác sỹ thì tình trạng thừa nhân lực được đào tạo nghề y như dược sỹ, điều dưỡng hệ trung cấp, nữ hộ sinh trung học đang gây bức xúc, thắc mắc lớn trong nhân dân… Tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của 19 bệnh viện trên địa bàn Thành phố Vinh thì những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại các trường lớn như Đại học Y Hà Nội, Y Huế, Y Thái Bình thì luôn được đón chào, còn các hệ cao đẳng, trung cấp thì nhu cầu rất “nhỏ giọt”. Và theo số liệu của Đề án Thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2012 – 2020 do UBND tỉnh ban hành, tuyến xã có 2.679 cán bộ thì số y sỹ sản nhi là 547 người (đủ 100%), nhân viên y tế thôn bản đạt 98%. Và dễ nhận thấy, hệ lụy hiện nay là hàng nghìn sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm.

Theo thống kê của chính Sở Y tế thì hàng năm có khoảng 5.000 sinh viên người Nghệ An học các hệ cao đẳng, trung cấp y dược ra trường. Nhưng số người tìm được việc làm chỉ khoảng 300 người, còn lại trên dưới 4.700 người (dẫu tốt nghiệp loại giỏi) phải chịu cảnh “đợi chờ cơ hội” hoặc làm trái với chuyên ngành được học.

Quay lại vấn đề thiếu bác sỹ và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế đã lựa chọn giải pháp cử các y sỹ, dược sỹ đi học tập để “nâng cấp” bằng và trở thành bác sỹ. Hằng năm, Nghệ An gửi đi đào tạo bác sỹ các hệ khoảng 100 trường hợp. Giải pháp này đã giúp nhiều cơ sở y tế đủ bác sỹ theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng cũng có mặt tiêu cực là khiến nhiều cơ sở mất cán bộ.

Bên cạnh đó, mặt trái của giải pháp này còn là – việc đào tạo kiểu chắp vá đã không cho ra lò những bác sỹ chuyên môn cao mà hình thành nên những bác sỹ chuyên tu, tại chức có tay nghề kém. (Nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra ở các trạm xá, bệnh viện địa phương, thậm chí ở các bệnh viện tuyến trên – xuất phát từ nguyên nhân này). Giải pháp này không những có phần làm mất đi một y sỹ tốt  mà còn gây tốn kém, lãng phí ngân sách cho Nhà nước… Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ như hiện nay thì giải pháp “tỉnh, ngành Y tế nên cử, gửi những sinh viên đã thi vào các trường đại học y đạt 26,27 điểm nhưng vẫn không đậu (do tình trạng đầu vào quá khắt khe và sàng lọc quá mức cần thiết), đi học tại chính các trường đại học y uy tín xem ra là một giải pháp hay. Giải pháp này hoàn toàn phù hợp theo đúng Ðề án "Phát triển nguồn nhân lực bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học, ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020" và Quyết định số 17/2012 “Quy định một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An” mà UBND tỉnh đã ban hành.

Thành Chung