(Baonghean)-Với du lịch Nghệ An, đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế, cần được đánh giá sát và có giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn để khắc phục.

Thiếu cán bộ quản lý du lịch địa phương

Lâu nay, trong các báo cáo tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và công tác du lịch nói riêng thường có một dòng đánh giá: “Đội ngũ cán bộ quản lý du lịch chưa đạt yêu cầu”. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở tỉnh ta, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp huyện vừa thiếu lại vừa yếu trầm trọng”.

Ở cấp tỉnh hiện nay, đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch có tất cả 15 người, trong đó có 1 phó giám đốc sở phụ trách du lịch, 6 cán bộ thuộc phòng Nghiệp vụ du lịch và 8 cán bộ thuộc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch. Hầu hết trong số này đều có trình độ chuyên môn về du lịch hoặc được tham gia các khóa đào tạo về du lịch. Tuy nhiên, ở cấp huyện, chỉ có 10 cán bộ ở 8 địa phương là thành phố Vinh (2 cán bộ), thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nam Đàn (2 cán bộ), Yên Thành, Anh Sơn, Quỳ Châu  là tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch, còn lại chủ yếu là được đào tạo các chuyên ngành văn hóa, kinh tế.

Theo đánh giá, nhìn chung, đội ngũ cán bộ du lịch cấp huyện khi được phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch cũng đã tích cực tìm hiểu, tham khảo các tài liệu về chuyên ngành du lịch để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; thực hiện quản lý các cơ sở kinh doanh du lịch ở địa phương. Tuy nhiên, do có rất ít người học về chuyên ngành du lịch nên việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển còn nhiều lúng túng; trình độ ngoại ngữ yếu,  không có cán bộ có thể giao dịch hay đọc được tài liệu bằng tiếng nước ngoài. Mặt khác, ngoại trừ Phòng Văn hóa thông tin thị xã Cửa Lò có một cán bộ chuyên trách về du lịch, còn lại ở tất cả các phòng văn hóa – thông tin các huyện, thị  cán bộ quản lý du lịch đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. 

Đoàn hướng dẫn viên của CLB du lịch truyền thống chụp ảnh lưu niệm trước đồng hoa hướng dương
Đoàn hướng dẫn viên của CLB du lịch truyền thống chụp ảnh lưu niệm trước đồng hoa hướng dương

Anh Nguyễn Thế Cường (SN 1975), tốt nghiệp Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Huế là cán bộ chuyên trách du lịch duy nhất của TX. Cửa Lò từ trước đến nay. Trao đổi về vấn đề này, anh Cường trăn trở: “Là địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh nhưng đội ngũ cán bộ du lịch của thị xã còn quá mỏng. Trước đây UBND thị xã có phòng Quản lý du lịch với 5 người nhưng từ khi nhập vào phòng Văn hóa – thông tin huyện, hiện chỉ còn 1 phó phòng và một chuyên viên theo dõi về du lịch”.

Diễn Châu cũng là một trong những địa bàn có thế mạnh, tiềm năng du lịch và so với các địa phương khác, cơ sở vật chất cho phát triển du lịch của huyện cũng vào loại khá. Vậy nhưng, huyện không có một cán bộ nào chuyên trách về du lịch.  Lý giải điều này, ông Võ Sỹ Tài - Trưởng phòng VH-TT&DL huyện cho biết: “Do số biên chế UBND huyện giao có chừng đó nên không thể bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi du lịch”. 

Biên chế có hạn cũng là nguyên nhân được  nhiều địa phương đưa ra giải thích cho việc thiếu và yếu nhân lực du lịch. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, nguyên nhân khác là do du lịch ở nhiều địa phương trong tỉnh vừa chưa phát triển, vừa chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm nên vai trò của cán bộ quản lý du lịch còn bị xem nhẹ.

Hướng dẫn viên chưa đáp ứng yêu cầu

Hiện nay, ở Nghệ An vẫn còn nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ sử dụng nhân viên lễ tân, buồng, phòng, đầu bếp… không, hoặc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, không có bằng cấp chuyên ngành du lịch. Dễ dàng nhận thấy vào mùa cao điểm du lịch biển Cửa Lò, một số không ít các nhà nghỉ, nhà hàng đưa người thân trong gia đình như bố, mẹ, ông, bà, con cháu … làm lễ tân tiếp đón khách. Sẽ không có gì đáng bàn, nếu như chất lượng phục vụ khách không nhiều hạn chế đến thế. Thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp; thời gian phục vụ kéo dài… phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng thụ hưởng dịch vụ của khách hàng, ảnh hưởng đến cảm tình ban đầu của khách với du lịch xứ Nghệ.

Đại diện các đơn vị lữ hành tham quan cây thị di sản Nghi Lộc - Phương Chi

Mặt khác, với đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch được xem là “cầu nối”, là “bộ mặt” của du lịch tỉnh nhà cũng tồn tại nhiều bất cập. Tính đến tháng 12/2015, có hơn 100 HDV được cấp thẻ đang làm việc tại các trung tâm lữ hành trên địa bàn tỉnh. Số lượng này được đánh giá là quá ít so với nhu cầu của các đơn vị lữ hành hiện tại. Ông Tạ Khắc Uyên – Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội lữ hành Nghệ An cho biết: “Nhu cầu của các công ty lữ hành phải gấp 3 lần con số 100 HDV du lịch hiện có. Thiếu HDV là vấn đề đau đầu của tất cả các đơn vị lữ hành Nghệ An hiện nay. Vì thiếu, nên vào mùa cao điểm, các đơn vị phải linh động hợp đồng thời vụ với các cộng tác viên, HDV tự do đang là sinh viên ngành du lịch ở các cơ sở đào tạo. Đội ngũ này sẵn có, nhưng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hướng dẫn thì còn hạn chế; và vì hợp đồng thời vụ nên trách nhiệm, sự gắn bó với nghề rất yếu”.

Cũng theo ông Tạ Khắc Uyên, nan giải không kém là các đơn vị lữ hành trong tỉnh rất thiếu các HDV quốc tế. Ông Uyên bày tỏ, ở Nghệ An, HDV tiếng Anh, Pháp, Hàn, Nhật…  hầu như không có. Hiện tại, Công ty du lịch lữ hành Nghệ An đang nhận dẫn tour cho vài đoàn khách Pháp, theo kế hoạch, tour sẽ khởi hành vào dịp nghỉ Tết Bính Thân nhưng cho đến thời điểm này, công ty vẫn chưa tìm được HDV thông thạo tiếng Pháp để dẫn đoàn. Lý giải điều này, ông Uyên cho rằng, số HDV được đào tạo bài bản, ngoại ngữ tốt từ các cơ sở đào tạo ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thì không mấy ai chịu về Nghệ An, còn số HDV được đào tạo ở Nghệ An thì chưa đáp ứng yêu cầu.

Những bất cập này đặt ra yêu cầu bức thiết về nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch cả trong quản lý lẫn lao động trực tiếp. Từ năm 2011 đến nay, Sở VH-TT&DL mỗi năm đều mở các lớp tập huấn về quản lý nhà nước và nghiệp vụ du lịch nhằm cập nhật thông tin về ngành du lịch và các chính sách liên quan, nâng cao chất lượng nhân lực.  Tuy nhiên, việc này không chỉ nằm ở nỗ lực của ngành VH-TT&DL mà quan trọng hơn, cần sự vào cuộc của ba “nhà”: Nhà nước (định hướng phát triển nguồn nhân lực, quản lý nhà nước trước hết cấp tỉnh và ngành Du lịch); nhà trường (cơ sở đào tạo) và nhà doanh nghiệp (hoạt động trong lĩnh vực du lịch). 

Theo thống kê sơ bộ, tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay khoảng hơn 11.300 người, chưa kể lao động có tham gia làm du lịch trong lĩnh vực vận chuyển khách và lao động thời vụ. Trong đó, trình độ thạc sỹ trở lên có 38 người, đại học, cao đẳng khoảng 1.700 người, trung cấp và sơ cấp nghề du lịch khoảng 5.500 người, nghĩa là nhân lực chất lượng cao chỉ chiếm chưa đầy 2/3. Trong khi đó, tổng số cơ sở lưu trú tính đến cuối năm 2015 là 665 cơ sở, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 12 khách sạn 3 sao và trên 60 khách sạn 1- 2 sao; 35 đơn vị lữ hành.  Các trung tâm lữ hành, khách sạn này rất cần một đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp. .

Minh Quân – Phương Chi

TIN LIÊN QUAN