Từ những nốt trầm hiếm gặp


Khi giọng Baritone trầm ấm của Nguyễn Sỹ Nhật (SN 1994) vang lên trên sân khấu Giọng ca xứ Nghệ năm 2017, khán giả và Ban tổ chức vô cùng ngỡ ngàng, “cậu bé mảnh dẻ kia, non nớt kia sao có chất giọng trầm khỏe mà vang đến vậy?”. Rồi khi biết Nhật là con nhà nòi, lại được đào tạo khá bài bản, cộng với âm vực trầm trời ban thì càng nghe càng say, càng bị cuốn hút và càng muốn được khám phá giọng hát này. 
Nguyễn Sỹ Nhật trên sân khấu.
Nhật đến với sân khấu chuyên nghiệp chỉ có lưng vốn là “giọng hát vô cùng hiếm”, tinh thần trong sáng với những ca khúc cách mạng được viết trên nền nhạc thính phòng trầm hùng, bởi thời điểm đó em mới học năm thứ nhất trung cấp thanh nhạc Trường Đại học Quân đội. Thế nhưng khi nghe em hát, chứng kiến sự đĩnh đạc của em khi thể hiện những “Truyền thuyết Hồ Gươm” (sáng tác: Hoàng Phúc Thắng), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao), “Pác Pó hát mãi tên Người” (An Thuyên), trên các sân khấu lớn nhỏ mới thấy được cách truyền đạt tinh thần những ca khúc bác học của chàng ca sỹ 9X rất mới, rất duyên nhưng cũng rất chững chạc. 
Nguyễn Sỹ Nhật thể hiện ca khúc "Pác Pó hát mãi tên Người” (An Thuyên).
Nhật kể, em vốn dĩ không xác định sẽ chọn âm nhạc làm con đường sự nghiệp của mình. “Bởi gia đình Nhật ai cũng theo nghiệp sân khấu, từ ông bà, các chú, các dì đến mẹ nên em không muốn theo nó nữa”, Nhật chia sẻ. Khi tốt nghiệp THPT, Nhật đã đăng ký vào ngành kế toán và kín tiếng với niềm đam mê âm nhạc của mình. Nhưng qua những lần nghe con trai mình ngẫu hứng hát những bài hát cách mạng yêu thích, những bài thuộc quãng trầm, mẹ Nhật đã nhanh chóng nhận ra con trai mình không thể làm được gì khác khi có một “ khu vực âm thanh” trời phú như vậy. Vậy là chị động viên con mình thi vào thanh nhạc và nhen lửa cho con quyết tâm đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường âm nhạc. 
 
Nguyễn Sỹ Nhật trong một lần biểu diễn. Ảnh: Thanh Nga


"Mẹ  em cứ nói mãi rằng giờ còn được mấy người sở hữu giọng baritone nữa, con không theo âm nhạc, mẹ tiếc lắm”

Thế là chàng trai chưa từng đứng lên sân khấu khăn gói ra Thủ đô và hành trang vỏn vẹn chỉ 15 buổi tập thanh nhạc với nghệ sỹ Tiến Lâm (Đoàn nghệ thuật Quân khu 4). Đi thi mà trong lòng không vướng bận chuyện đỗ hay trượt, “em cứ thấy hát là chơi vậy thôi, nếu trượt, thì về học tiếp ngành kế toán, xem như mình không có duyên với nghề này vậy”.
Thế nhưng, chất giọng trầm ấm của Nhật đã chinh phục hoàn toàn ban giám khảo và em là một trong những thí sinh đầu tiên trúng tuyển. Để rồi tới tận sau này khi đã là sinh viên năm thứ 2 khoa Thanh nhạc hệ đại học, Nhật vẫn luôn là thí sinh trội, là “của lạ” mỗi khi em cất giọng bằng những nốt trầm khó ai chạm nổi. Để rồi liên tiếp những giải thưởng danh giá đến với Nhật như giải Nhì dòng nhạc thính phòng Sao mai khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sao Mai toàn quốc sau khi vượt qua hàng trăm thí sinh đến từ Bắc, Trung, Nam. 

Nhật kể rằng, khi đi thi nhiều người cứ nghĩ em sẽ khó đoạt giải cao vì dòng nhạc thính phòng cần độ chín trên sân khấu, cần sự cảm thụ âm nhạc và cuộc sống một cách từng trải, cần cả sự hiểu biết về mỗi tác phẩm âm nhạc mà mình trình bày. Nhưng bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, tiếng hát của Nhật đã mang đến những cảm xúc trọn vẹn cho khán giả.

“Một bài hát, nếu hiểu được hoàn cảnh ra đời của nó, nắm được tính tư tưởng của câu chuyện mà tác giả muốn chuyển tải đến người nghe thì không cần đến kỹ thuật thanh nhạc nữa, lúc đó người hát sẽ hát bằng trái tim, và kỹ thuật tự bật lên trong chính cảm xúc của mình”.

Nguyễn Sỹ Nhật 

                                            Viết tiếp giấc mơ...

Nguyễn Sỹ Nhật luôn xuất hiện trước công chúng một cách tự tin và chững chạc trong những bài hát trầm hùng ngợi ca quê hương đất nước. Ảnh: Thanh Nga
Trong lớp thanh nhạc hệ trung cấp năm đó, có tới 60 sinh viên nhưng chỉ có 5 người có chất giọng như Nhật. Sau này khi em thi lên hệ đại học, lớp của em có tới 40 người nhưng chỉ có một mình em có cung Baritone này. Sự khác biệt và yếu tố lạ cũng chính là điểm mạnh của Nhật nhưng điều đó cũng làm em thấy áp lực rất nhiều. “Áp lực vì nghĩ không hiểu đến thời mình thì còn nhiều đất để “trưng trổ” các kỹ thuật lấy âm trầm nữa không, vì càng ngày những sáng tác ưu tiên cho quãng âm vực này càng hiếm. Không ít ca sỹ phải sử dụng những tác phẩm cũ có tên tuổi thì mới phô hết được cái đẹp của chất giọng Baritone”.
Thế nhưng, những bài hát cũ dù hay, dù đẹp, dù là những giai điệu tự hào đi cùng năm tháng thì cũng chỉ phù hợp ở một không gian hồi tưởng, ngợi ca... Thế nên, cái mà Nhật muốn, chính là em vẫn được “dạo chơi” bằng âm nhạc thính phòng, thậm chí “trưng trổ” cả những vở nhạc kịch nhưng ở một không gian dân dã với những khán giả dân dã. Họ có thể là người nông dân yêu âm nhạc, hoặc là những bạn trẻ đam mê các dòng nhạc mới, nhưng khi nghe thính phòng họ vẫn bị cuốn theo. 
Nguyễn Sỹ Nhật đang là sinh viên hệ đại học khoa Thanh nhạc - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Thanh Nga
Nhật nói rằng em thích nhất bài hát “Ru mẹ” (sáng tác: Đức Dũng). Dù nó không phải là bài hát tiêu biểu dành cho cung trầm, nhưng em đã khéo léo đẩy kỹ thuật để nó dày dặn và trầm hùng, tha thiết. Bài hát cũng chính là những tình cảm của em dành cho người mẹ kính yêu. “Với mẹ, em đạt kết quả thế nào mẹ cũng vui, nhưng vui nhất là khi em được là chính em, và khi em vượt qua bản thân mình”, Nhật nói.
Khi Nhật đã vượt qua bản thân mình, là sự chững chạc, tự tin, là những kinh nghiệm trong xử lý ca khúc, là những độc lập để quyết định lựa chọn một hướng đi, cũng chính là lúc em đã chọn cho mình con đường âm nhạc lan tỏa những cái đẹp về quê hương, con người về những thành quả bằng ý chí và nghị lực. Đó chính là cái đẹp nhất trong những ca khúc thính phòng mà Nhật muốn chuyển tải.