Đêm 15/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.955 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.971 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 15/9 cao hơn khoảng 28,5% (434 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 1,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 15/9.
Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh, tăng vọt rồi giảm nhanh trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi một sự thay đổi chính sách tiền tệ chính thức của Mỹ sau tuyên bố mang tính định hướng gần đây của chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Vàng tăng nhanh đầu phiên (trên thị trường Mỹ) do đồng USD sụt giảm nhanh giữa lúc giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ lặp lại lập trường chính sách tiền tệ ôn hòa, dựa trên mục tiêu lạm phát trung bình vừa đưa ra trong một cuộc họp gần đây.
Hôm 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ông đã được “cái gật đầu” từ tất cả 17 quan chức của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) để gạt bỏ thông lệ được duy trì trong 30 năm qua về chính sách kiềm chế lạm phát.
Tại hội nghị trực tuyến chuyên đề thường niên Jackson Hole, ông Powell cho biết, Fed quyết định thay đổi cách tiếp cận, tìm cách đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian. Điều đó có nghĩa, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ chấp nhận có giai đoạn lạm phát tăng cao hơn mức này, miễn sao bình quân của một giai đoạn vẫn là 2%.
Đồng USD đã giảm khá mạnh vào đầu phiên một phần còn do đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc lên giá theo một định hướng mới của chính quyền Bắc Kinh và nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục nhanh hơn các nền kinh tế lớn khác trên thế giới sau cú sụt giảm vì đại dịch Covid-19. Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 8 của Trung Quốc tăng 5,6% so với cùng kỳ và tăng 1% so với tháng 7.
Cuộc họp chính sách của Fed kéo dài trong 2 ngày 15-16/9. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Jerome Powell công bố sự thay đổi chính sách theo hướng thúc đẩy lạm phát và giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, vàng cũng chịu áp lực giảm do nhiều thị trường chứng khoán tăng trở lại, trong đó có chứng khoán Mỹ và chứng khoán Trung Quốc.
Những bước tiến trong việc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 cũng khiến vàng đi xuống.
Vàng quay đầu giảm vào giữa phiên trên thị trường New York khi mặt hàng có quan hệ mất thiết với vàng là dầu suy yếu sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm sâu hơn trong năm nay so với dự báo trước đó do tác động của đại dịch Covid.
Dự báo giá vàng
Nhiều đánh giá gần đây cho rằng, yếu tố chính ảnh hưởng tới giá vàng trong vài phiên tới là bài phát biểu của ông Jerome Powell về chính sách tiền tệ.
Theo đó, nếu Fed phát tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa thì đồng USD sẽ chịu áp lực giảm đáng kể và qua đó thúc đẩy giá vàng đi lên. Trong trường hợp ngược lại, vàng sẽ thoái lui đi xuống.
Sự không chắc chắn xung quanh thỏa thuận Brexit của nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) là yếu tố hỗ trợ vàng.
Giá vàng được dự báo sẽ tăng giá với những hy vọng mới về các biện pháp kích thích mới của Mỹ, khi Hạ viện đã trở lại sau kỳ nghỉ hè.
Về dài hạn, vàng được dự báo sẽ còn tăng tiếp do lượng tiền khổng lồ mà các ngân hàng bơm vào các thị trường tài chính trong gần một năm qua.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 15/9 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội tăng giá vàng 9999 khoảng 100-150 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 15/9, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàngSJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,72 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra)./.