(Baonghean) - Qua thời gian hoạt động, chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (gọi tắt là điều trị Methadone) tại Nghệ An đã cho nhiều kết quả tốt trong việc giảm số người nghiện ma túy, giảm lây nhiễm HIV, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe... Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại nhiều cơ sở Methadone, tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị có chiều hướng gia tăng.
Không còn được miễn phí
Để góp phần giảm thiểu, ngăn chặn tệ nạn ma túy, tháng 9/2012, Nghệ An bắt đầu đưa vào hoạt động các cơ sở cai nghiện ma túy thay thế bằng Methadone. Sau 5 năm, toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở điều trị Methadone và 16 điểm cấp phát thuốc vệ tinh, với 1.200 bệnh nhân đang điều trị... Hiệu quả của chương trình thấy rõ khi có rất nhiều bệnh nhân dần rời xa được ma túy, hồi phục sức khỏe, có việc làm và hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, gần đây, tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở các huyện miền cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... xuất hiện tình trạng “nguy hiểm” - số bệnh nhân bỏ điều trị bằng Methadone đã lên tới 50% - 75%. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị cao nhất là huyện Tương Dương. Theo hồ sơ quản lý, Tương Dương có 786 người nghiện. Cuối năm 2014, huyện khai trương cơ sở điều trị bằng Methadone, có 267 bệnh nhân đăng ký tham gia. Sau đó hơn 1 năm, chỉ còn 95 người điều trị, tức là có tới 2/3 số bệnh nhân bỏ điều trị... Tỷ lệ bỏ điều trị ở huyện Kỳ Sơn cũng xấp xỉ 2/3, ở huyện Con Cuông là 1/2.
Anh Phạm Đình H. ở làng Nhùng, xã Tam Quang chia sẻ lý do bỏ điều trị: “Cách đây 2 năm, tôi điều trị cai nghiện tại cơ sở Methadone ở Trung tâm Y tế huyện Tương Dương nhưng do đường xá xa xôi, từ nhà đến trung tâm thị trấn Hòa Bình gần 50km, cả đi và về mất gần 1 buổi nên tôi không kiên trì được, cũng không đủ tiền xe cộ đi lại. Chỉ gần đây, Trạm Y tế xã Tam Quang (1 trong 2 cơ sở cấp phát thuốc vệ tinh ở huyện) có điều trị Methadone nên tôi mới quay lại”.
Cơ sở điều trị ít, bệnh nhân muốn đi điều trị bắt buộc phải di chuyển rất xa (có bệnh nhân phải đi tới gần 100km). Thiếu thời gian, phương tiện di chuyển, kinh phí ăn ở là một trong những lý do chính khiến nhiều người bỏ điều trị. Lý do nữa được bác sĩ Trần Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết: “Vì sinh kế, một số bệnh nhân đi làm ăn xa nên không bám điều trị, cũng có một số người điều trị một thời gian thấy không cảm giác thèm thuốc nữa nên bỏ điều trị và khi bị bạn bè rủ rê thì nghiện lại, một số ít khác do đau ốm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tự bỏ”.
Theo các bác sĩ ở các cơ sở điều trị Methadone, một nguyên nhân nữa khiến người bệnh bỏ điều trị là do kinh phí dự án điều trị Methadone đã hết. Người nghiện không còn được sử dụng miễn phí mà sẽ phải thực hiện việc chi trả chi phí điều trị. Số tiền bỏ ra điều trị bằng thuốc Methadone là 10.000 đồng/ người/ngày. Số tiền này đối với người bình thường không lớn song với người nghiện ở vùng khó khăn lại là một thách thức. Bản thân người nghiện không có tiền để mua thuốc uống thường xuyên nên gián đoạn rồi bỏ điều trị hẳn.
Giải pháp là bảo hiểm y tế
Việc bệnh nhân điều trị Methadone vì nhiều lý do mà bỏ điều trị rồi tái nghiện ở một số huyện miền cao tỉnh Nghệ An đã tạo nên một “vòng luẩn quẩn”, để lại nhiều hệ lụy. Để có tiền mua ma túy, người nghiện lại đi vào con đường phạm pháp, rất có thể lại khiến HIV/AIDS lây lan, bùng phát. Việc bỏ điều trị này đồng nghĩa với rất nhiều công sức, tiền bạc của bản thân bệnh nhân, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị - xã hội trở nên vô ích.
Bác sĩ Luyện Văn Trịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Lợi ích đem lại cho người bệnh điều trị bằng thuốc Methadone là rất rõ ràng. Đó là giảm kinh phí rất lớn cho việc mua và sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm và chấm dứt những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình; người bệnh có sự chuyển biến tích cực cả về tinh thần lẫn thể chất. Bên cạnh đó, người bệnh đã suy nghĩ tích cực và tìm lại được các giá trị bản thân, có trách nhiệm, biết yêu thương, biết tôn trọng mọi người, có sự hợp tác đối với gia đình và cơ sở điều trị.
Lúc bắt đầu triển khai chương trình, có trên 80% bệnh nhân điều trị Methadone đã có những chuyển biến tích cực như vậy”. Bác sĩ Luyện Văn Trịnh cũng nhận định, tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị Methadone như hiện nay tác động tiêu cực đến công tác cai nghiện ma túy Trước mắt, để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông đến tận từng hộ gia đình để người dân hiểu lợi ích trong việc điều trị, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành để tuyên truyền, vận động điều trị Methadone có hiệu quả, sớm nhân rộng thêm các cơ sở cấp phát phuốc vệ tinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Về lâu dài, giải pháp để giải quyết tình trạng bỏ điều trị hiện nay là Methadone cần có mặt ở mọi địa phương có người bệnh sinh sống. Ở Việt Nam hiện nay, người nhiễm HIV/AIDS và người cai nghiện ma túy đã được xem là người bệnh, không còn là đối tượng tệ nạn xã hội nữa. Vừa qua, người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta đã được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cũng như đã được bảo hiểm y tế thanh toán thuốc ARV. Hai đối tượng người bệnh này có sự tương liên với nhau.
Anh La Văn S - một bệnh nhân điều trị Methadone bảy tỏ ý nguyện: “Tôi mong muốn thuốc Methadone được bảo hiểm y tế thanh toán và Methadone có mặt ở tất cả các trạm y tế. Được như thế chắc chắn không ai bỏ điều trị”.
Để điều trị cho những bệnh nhân nghiện ma túy, Methadone đã và đang là liệu pháp tối ưu nhất. Từ năm 2011, Bộ Y tế đã có định hướng khi các dự án kết thúc tại Việt Nam sẽ tính tới phương án hỗ trợ, đưa bệnh nhân điều trị Methadone vào diện được BHYT thanh toán như tại các nước phát triển. Năm 2013, Methadone đã được sản xuất thành công ở trong nước với giá thành thấp hơn khoảng 30% so với ngoại nhập (khoảng 700.000 đồng/lít)... Tuy nhiên đến nay, định hướng này chưa chuyển biến thành các bước đi cụ thể.
Thanh Hoa - Thanh Sơn