(Baonghean) - Sau trận thua tan nát một cách kỳ lạ, khó hiểu trên sân Mỹ Đình của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, không ít người nghi ngờ là do các cầu thủ bán độ. Không bán độ thì làm sao mà có những bàn thua ngớ ngẩn, lãng xẹt đến như thế? Kể cũng có lý! Và thế là dư luận ồn ào đòi điều tra, làm rõ liệu đó có phải là nguyên nhân chính tạo nên hàng triệu niềm cay đắng cho cổ động viên.
Rất nhanh chóng, rất khẩn trương, cơ quan chủ quản môn bóng đá đã ngay lập tức đề nghị công an mở cuộc điều tra, làm rõ có chuyện các cầu thủ bán độ lấy tiền hay không. Phải công nhận đó là một phản ứng mạnh mẽ, kịp thời rất đáng được nhiệt liệt  hoan nghênh và biểu dương. Nhưng suy đi rồi ngẫm lại, cũng hơi băn khoăn một chút là tại sao những biểu hiện tiêu cực trong bóng đá lại được nhiều người quan tâm và cơ quan chức năng nhanh chóng nhập cuộc? Phải chăng “nhanh chóng” vì đó là môn thể thao được người cả nước hâm mộ, ưa chuộng nên đã gây áp lực lớn? Hay là vì ai cũng ghét những hành vi tiêu cực trong bóng đá, một môn thể thao có tính sòng phẳng hàng đầu?.
Cũng có thể, đối tượng điều tra là các cầu thủ bóng đá bình thường, không địa vị, chức quyền và không có nhiều người chống lưng nên không phải e dè, kiêng nể gì cả?  Nhưng thôi, dù là với lý do gì thì phản ứng tức thời và kiên quyết trước những biểu hiện tiêu cực như thế rất đáng được khích lệ. 
Và cứ nghĩ, giá mà các biểu hiện tiêu cực trong các lĩnh vực khác cũng được các cơ quan chức năng  vào cuộc một cách quyết liệt và chóng vánh như vậy thì hay biết bao nhiêu. Chẳng hạn như một cán bộ, công chức nhà nước nào đó bỗng dưng giàu lên một cách bất thường với các biểu hiện có nhiều nhà và xây nhà quá to, sắm ô tô đắt tiền… và khi có dư luận phản ánh, đòi hỏi làm rõ cũng được ngành nội chính nhiệt tình vào cuộc làm ngay. Hay trên mảnh đất công bỗng dưng mọc lên dinh thự của một ông nguyên là thế này, nguyên là thế nọ khiến cả xã hội xôn xao thì cũng được các cơ quan có chức năng “đèn trời soi xét” lập tức vào cuộc xử lý rốt ráo mà không chờ báo chí lên tiếng năm lần, bảy lượt mãi rồi mới chịu “động tay, động chân”. 
Nếu được thế, thì trong cuộc sống hôm nay sẽ ít đi những chuyện, những việc được gọi là “bức xúc, nổi cộm”. Và tham nhũng cũng sẽ không lan tràn trong xã hội để rồi trở thành một “quốc nạn” hay là “giặc nội xâm” khiến cả  quốc gia, dân tộc lo lắng và tìm đủ mọi cách để đối phó.
Vì thế, cứ nghĩ, cứ ao ước: giá mà…!
Tri Kỷ