Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng, hướng đến mốc 70 triệu đồng/lượng. Ảnh: Thanh Phúc

Mở màn phiên giao dịch vào sáng 24/3, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, lên 1.994 USD/ounce, cộng gần 20 USD so với hôm qua. Quy đổi, vàng thế giới tương đương 56,9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Theo đó, giá vàng trong nước cũng được điều chỉnh tăng thêm, giá vàng miếng SJC tại ngân hàng Eximbank niêm yết mức giá mua vào 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra 67,2 triệu đồng.

Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng thêm 100.000 đồng, đưa giá mua lên 66,65 triệu đồng/lượng, bán ra 67,35 triệu đồng; vàng nhẫn 4 số 9 cũng cộng 100.000 đồng, đưa giá mua lên 55,05 triệu đồng, bán ra 56,05 triệu đồng.

Các tiệm vàng Nghệ An điều chỉnh giá tăng theo giá vàng trong nước và đà tăng của vàng thế giới. Ảnh: Thanh Phúc

Tại thành phố Vinh, các tiệm vàng cũng đã điều chỉnh giá vàng tăng thêm, cụ thể như sau: Giá vàng 9999 mua vào là 54,2 triệu đồng/lượng, bán ra 57,5 triệu đồng/lượng; giá vàng miếng SJC mua vào là 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra là 68,3 triệu đồng/lượng. Tại tiệm vàng lớn trên đường Cao Thắng, vào sáng 24/3, lượng khách ra vào khá đông nhưng rất ít người mua-bán.

Chị Trần Hồng Minh - nhân viên tiệm vàng cho biết, đa số khách đến xem tình hình, thăm dò giá cả chứ ít mua bán. Chỉ một số người, khi đọc dự báo giá vàng tiếp tục tăng mạnh nên mua tích trữ nhưng không nhiều, còn người có vàng bán thì đang chờ đợi giá vàng sẽ tăng tiếp.

Tại nhiều tiệm vàng, lượng khách đến đông nhưng chủ yếu là thăm dò giá cả. Ảnh: Thanh Phúc

Theo ghi nhận của các cửa hàng vàng tại thành phố Vinh, xu hướng mua vàng của một số người dân trong những ngày gần đây chủ yếu là mua để trả nợ, thanh khoản các khoản vay vì lo sợ giá vàng tăng cao hơn nữa. Hiện tại, thị trường bất động sản đang chững lại, lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm nên nhiều người dân có tiền nhàn rỗi đang nhắm đến đầu tư vàng kiếm lời. Song do giá vàng đang trên đà tăng mạnh khiến người dân lo ngại rủi ro vào kim loại quý này.

Bà Bạch Kim Cúc - một người dân đến giao dịch vàng cho biết: “Nếu bán trong thời điểm này thì cũng có lãi 5-6 triệu đồng/lượng song tình hình giá vàng thế giới đang đẩy lên cao nên tôi chưa vội bán. Số tiền dư cũng đang gửi tiết kiệm chứ không dám mạo hiểm để đầu tư vàng trong giai đoạn này”.

Lượng khách giao dịch khá ít. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù lượng mua bán không đáng kể, nhưng do giá thay đổi quá nhanh khiến việc niêm yết giá vàng ở Nghệ An mỗi nơi một khác. Theo khảo sát sơ bộ, sáng 24/3, tại tiệm vàng Kim Thành Huy, giá vàng 9999 mua vào là 54,2 triệu đồng/lượng, bán ra 57,5 triệu đồng/lượng; giá vàng miếng SJC mua vào là 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra là 68,3 triệu đồng/lượng; còn tại tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI giá vàng được niêm yết lần lượt như sau: 9999 là 54,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,55 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng miếng SJC là 66,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,35 triệu đồng/lượng (bán ra); ở một số tiệm vàng khác, mức giá cũng chênh lệch nhau khá nhiều (từ 100.000-700.000 đồng/lượng).

Chủ yếu người dân đến mua vàng trang sức, quà cưới. Ảnh: CSCC

Theo giải thích của các chủ hiệu vàng, do giá biến động nhanh nên niêm yết là một chuyện, còn khi khách giao dịch thì sẽ công bố giá tại thời điểm diễn ra mua bán chứ không áp dụng giá trên bảng.

Theo dự báo, nếu kim loại quý lên trên 2.000 USD/ounce, quy đổi tương đương sẽ lên trên 57,1 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Khi đó, vàng miếng SJC nếu vẫn duy trì khoảng cách cao hơn thế giới như từ trước đến nay thì giá vàng trong nước sẽ chạm đến 70 triệu đồng mỗi lượng. Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng thị trường hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, người dân và nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng để tránh bị kéo sâu vòng xoáy của giá vàng.