(Baonghean) - Thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và phong trào "Già làng làm nhiều việc tốt", huyện Quỳ Châu đã xuất hiện nhiều gương già làng tiêu biểu, trong số đó có già làng Vi Văn Chuyên ở bản Ban, xã Châu Tiến.

Già làng Vi Văn Chuyên.
Già làng Vi Văn Chuyên.

Trong cái nắng hè của một ngày trung tuần tháng 6, cùng với cán bộ mặt trận xã Châu Tiến, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vi Văn Chuyên ở bản Ban, xã Châu Tiến. Vừa rót nước mời khách, ông chia sẻ: Ông sinh năm 1943, đã từng công tác trong ngành thương mại. Năm 1993, ông được về nghỉ hưu tại bản Hạnh Tiến (nay là bản Ban, xã Châu Tiến). Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ còn khó khăn, ông Chuyên cùng vợ con tập trung làm kinh tế để xoá đói giảm nghèo. Trước mắt để đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình, ông khai hoang phục hoá thêm 20ha ruộng, nâng tổng số ruộng nước của gia đình lên đến 40ha. Năng suất lúa bình quân hàng năm của gia đình ông đạt từ 50 đến 55 tạ/ha. Khi lương thực tạm ổn, ông tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình vườn đồi, như: trồng keo lai, dứa, nhãn, quế và các loại cây ăn quả khác. Ngoài ra, ông còn đào gần 1000m2 để thả cá và nuôi cá lồng trên sông Hiếu. Mỗi năm thu hoạch 500kg cá, thu về hơn 15 triệu đồng. Để tăng thu nhập cho gia đình, ông còn chăn nuôi 10 con trâu, 2 con bò và mua máy tuốt làm dịch vụ tuốt lúa cho nhân dân trong xã và các vùng phụ cận, trung bình mỗi ha lúa ông thu về 50kg thóc công. Tổng thu nhập bình quân hàng năm của gia đình gần 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông còn vận động bà con cùng tham gia phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo và tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình khó khăn như: tổ chức góp tiền, góp gạo, thực phẩm cho những hộ đặc biệt khó khăn làm nhà ở. Đối với những hộ cần mua sắm vật dụng trong nhà, mua con giống để nuôi thì ông cho vay tiền không trả lãi hoặc cho nuôi rẽ. Gia đình anh Lô Văn Hương ở bản Hạnh Tiến, xã Châu Tiến là 1 trong 4 hộ được xoá nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của ông và anh em nội tộc. Năm 2001, thấy gia cảnh của anh Hương quá khó khăn, không có điều kiện làm nhà, ông đã vận động anh em trong dòng họ mỗi người đóng góp 200.000 đồng, 20kg gạo và 1 kg thực phẩm thịt hoặc cá. Đối với bà con lối xóm, ông vận động mọi người đóng góp ngày công lao động và tranh, nứa. Sau gần 1 tháng thi công, ngôi nhà của anh Hương được hoàn thành với tổng kinh phí gần 15 triệu đồng. Để tạo điều kiện cho gia đình anh Hương thoát nghèo, ông đã hỗ trợ cho anh Hương một đôi dê sinh sản, đến nay dê đã đến kỳ sinh sản.

Sau hơn 10 năm nghỉ hưu và cũng chừng ấy thời gian, ông chung tay phát triển kinh tế gia đình cùng vợ con. Đến nay, ông đã có một cơ ngơi khang trang, và mua sắm các tiện nghi đắt tiền như xe máy, ti vi và có điều kiện đầu tư cho con, cháu theo học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, ông còn tham gia công tác xã hội, ở cương vị nào ông cũng làm tròn trách nhiệm và nhận được nhiều phần thưởng cao quý do tỉnh, huyện và xã trao tặng. Đặc biệt năm 2009, ông được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng - an ninh. Ông là 1 trong những già làng tiêu biểu của huyện Quỳ Châu được bầu đi dự đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh năm 2014.

Ở tuổi 70, ông vẫn luôn mẫu mực cả trong nếp nghĩ và cách làm. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều là chỗ dựa vững chắc cho con cháu. Chính vì thế, trong gia đình ông, mọi người đều hoà thuận, các cháu học hành chăm ngoan. Với xóm làng, ông luôn được mọi người tin yêu và kính trọng,  xứng đáng là một già làng tiêu biểu cho con cháu và mọi người noi theo.

Lê Hoàn

(Đài Quỳ Châu)