Giá đường tăng kỷ lục, doanh nghiệp Nghệ An đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, cải tiến công nghệ sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Theo đà tăng của giá đường thế giới, thị trường đường trong nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Lợi nhuận tăng, thị trường tiêu thụ khả quan, các doanh nghiệp mía đường tập trung đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với cây mía…

Các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

bna_giá đường tăng.jpg
Hiện giá đường kính đang ở mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Ảnh: CSCC

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đến nửa tháng 9/2023, mặt hàng đường là điểm sáng khi tiếp tục đón nhận lực mua tích cực. Giá đường thế giới ghi nhận mức tăng lần lượt 1,63% với đường 11 và 1,81% với đường trắng trong phiên hôm qua. Với mức tăng trên, giá đường đang duy trì ở vùng giá cao trong vòng 12 năm.

Tại thị trường trong nước, khi niên vụ mía 2022-2023 kết thúc, giá đường bán ra ở các nhà máy dao động trong khoảng 20 - 22 nghìn đồng/kg, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã tăng lên 26 - 27 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, tại các đại lý bán lẻ, giá đường dao động từ 26 - 30 nghìn đồng/kg.

Sở dĩ giá đường trong nước tăng mạnh thời gian gần đây là do sản lượng đường ở các quốc gia sản xuất lớn như: Ấn Độ, Thái Lan… có khả năng sụt giảm khiến cán cân cung-cầu đường niên vụ 2023-2024 thâm hụt. Bên cạnh đó, giá đường tăng cũng do lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường vào tháng 10 tới.

bna_Các nhà máy đường mở rộng diện tích trồng mía..jpg
Các công ty mía đường mở rộng vùng nguyên liệu. Ảnh: T.P

Giá đường tăng đã giúp các nhà máy có lãi và tự tin đầu tư vùng nguyên liệu, tăng giá thu mua mía nguyên liệu và có nhiều chính sách khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mía, từ đó giúp nhà máy có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất.

Đối với Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), giá đường tăng, ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 3 quý đầu năm tài chính 2023. Ông Ngô Vân Tú - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An cho biết: “Giá đường tăng là tín hiệu đáng mừng, giúp các nhà máy có lãi và mạnh dạn đầu tư trở lại. Công ty chúng tôi có công suất 800.000 tấn/năm nhưng đến nay cũng chỉ sản xuất chưa tới 700.000 tấn/năm. Do đó, công ty đang phục hồi lại vùng trồng mía nguyên liệu bằng cách hợp tác với nông dân để đạt sản lượng 800.000 tấn.

bna_bón phân mía bằng máy.jpg
Các công ty mía đường đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu. Ảnh: T.P

Niên vụ 2023-2024, công ty đầu tư cho nông dân hơn 5 tỷ đồng để cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào cánh đồng mía giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất sản xuất lên gấp nhiều lần. Đặc biệt, giá đường tăng cao nên giá thu mua mía nguyên liệu cho người dân cũng được nhà máy tăng lên 1,160 triệu đồng/tấn, cao nhất từ trước tới nay”.

Công ty cổ phần Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) cũng có nhiều chính sách nhằm mở rộng vùng nguyên liệu. Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: “Giá đường cao, công ty thu mua mía của người trồng mía với mức giá cao nên đã tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển vùng nguyên liệu trong thời gian qua. Về chính sách nguyên liệu: Công ty cho vay đầu tư tất cả các khâu sản xuất mía từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch bằng cơ giới và chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại mía; hỗ trợ bùn mía qua xử lý để trồng và chăm sóc mía tối đa 20 tấn/ha; Hỗ trợ bốc mía bằng máy; Hỗ trợ phun chế phẩm tăng chữ đường; Hỗ trợ đối với khách hàng lớn có diện tích từ 20ha trở lên.

bna_thu hoạch  máy ở Công ty NASU.jpg
Đồng thời, đưa máy móc cơ giới hoá vào các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch mía nhằm giảm nhân công, tăng năng suất, sản lượng mía. Ảnh: T.P

Ngoài ra, tùy theo tình hình cụ thể của từng vùng, đơn vị công ty sẽ có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển nguyên liệu phù hợp. Vụ ép vừa rồi, công ty cũng đã đầu tư 5 tỷ đồng để đưa công nghệ mới vào chế biến đường tinh luyện”. Nhờ đó, đến nay, diện tích mía nguyên liệu của công ty đạt trên 6.500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn. Tăng so với niên vụ 2021 - 2022 là 25%; Sản lượng đường của Công ty niên vụ 2022 - 2023 là 32.000 tấn. Dự kiến niên vụ 2023-2024 là 42.000 tấn.

Nông dân phấn khởi “bám” cây mía

Theo khảo sát từ các doanh nghiệp mía đường, giá mía nguyên liệu ở Nghệ An được các nhà máy thu mua với mức tăng dần. Cách nay 3 năm, giá mía nguyên liệu từ 900.000 - 950.000 đồng/tấn, sau đó tăng lên 1 triệu đồng và mùa vụ năm nay tăng lên 1,1 - 1,160 triệu đồng/tấn. Theo dự báo, giá mía vào vụ ép 2023-2024 sẽ tăng thêm. Với mức giá này, người trồng mía có lãi 30-40 triệu đồng/ha, giúp nông dân yên tâm bám cây mía, mở rộng diện tích trồng mía.

bna_mía đẹp.jpg
Mía hiện là cây trồng chủ lực ở xã Bình Sơn (Anh Sơn). Ảnh: T.P

Anh Nguyễn Nam Anh - Trưởng bản Long Tiến, xã Bình Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Diện tích mía của cả bản là 47ha với 100 hộ trồng mía. Đất trồng mía trước đây là đất bãi, đất lúa, đất đồi vệ, cao cưỡng kém hiệu quả, được người dân chuyển đổi sang trồng mía nguyên liệu cho công ty đường. Với mức giá thu mua từ 1 triệu đồng/tấn đã giúp người dân có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha, cao hơn các loại cây trồng khác. Niên vụ tới, được công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, vay phân bón, người dân trong bản dự định sẽ mở rộng diện tích lên 50ha. Cây mía trở thành cây trồng chủ lực của bà con dân bản”.

Là người gắn bó lâu năm với cây mía, ông Trần Doãn Lê (xóm 9, xã Thanh Tiên, Thanh Chương), ngoài diện tích đất sẵn có của gia đình, 3 năm nay, thuê mượn đất của nhiều gia đình khác trong vùng, thuê đất 5% ở địa phương để trồng trên 50ha mía nguyên liệu. Nhờ đầu tư chăm sóc hợp lý nên năng suất mía hàng năm đạt trên 70 tấn/ha, có thời điểm đạt trên 80 tấn/ha. Với giá mía của nhà máy thu mua tại ruộng trên 1,1 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình ông có lãi khoảng 30-40 triệu đồng/ha.

bna_ khuyến nông mía.jpg
Cán bộ nông vụ của NASU hướng dẫn kỹ thuật trồng mía chất lượng cao. Ảnh: T.P

“Vụ ép vừa rồi, giá mía cao, nay, giá đường đang tăng nên niên vụ 2023-2024, gia đình đã thuê thêm đất để trồng mía. Đồng thời, tôi cũng liên hệ ở các địa phương khác trong tỉnh để mở rộng diện tích”, ông Lê cho biết.

Giá đường tăng, kéo theo đó giá mía nguyên liệu cũng tăng và cùng với nhiều chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía, nhiều cơ chế đồng hành, hỗ trợ người trồng mía, do đó, nông dân các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… đang tích cực bám đồng chăm sóc mía, chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả để triển khai trồng mới. Do đó, diện tích mía trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh. Năm 2021, toàn tỉnh có gần 18.500 ha, năm 2022 tăng lên gần 20.200 ha, dự kiến năm 2023 diện tích mía trên 23.000ha.

Theo phê duyệt “Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, theo đó đến năm 2025 diện tích mía toàn tỉnh là 26.700 ha (trong đó 5.000 ha mía công nghệ cao), sản lượng 2.000.000 tấn; đến năm 2030 diện tích là 25.700ha (trong đó 10.000 ha mía công nghệ cao), sản lượng 2.200.000 tấn.

bna_tưới mía.jpg
Người dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới hiện đại chăm sóc mía. Ảnh: T.P

Với giá đường hiện nay, với thị trường đường có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp mía đường đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu, ổn định công suất chế biến, từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền chế biến tạo thêm các sản phẩm khác ngoài đường và sau đường hy vọng, các mục tiêu của đề án sẽ sớm cán đích, nông dân vùng nguyên liệu mía tăng thu nhập, phát triển sản xuất. Cây mía không chỉ là cây “xoá nghèo” mà còn là cây “làm giàu” đối với nông dân các vùng nguyên liệu mía.

Tin mới