Gia đình Việt Nam truyền thống được các nhà nghiên cứu cho là loại hình gia đình chứa nhiều yếu tố dường như bất biến, ít đổi thay, ra đời từ nôi văn hoá bản địa, được bảo lưu và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Gia đình truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống, có thể cùng chung sống từ 3 thế hệ trở lên: ông ba- cha mẹ- con cái mà người ta quen gọi là "tam, tứ, ngũ đại đồng đường". Đây là kiểu gia đình khá phổ biến và tập trung nhiều nhất ở nông thôn, cơ sở phát sinh và tồn tại của nó xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông.

 Gia đình Việt Nam: Truyền thống và hiện đại ảnh 1

Gia đình hạt nhân (gồm bố, mẹ và con) là loại hình khá phổ biếnở nước ta hiện nay. Ảnh: Internet -T.B

Về ưu điểm của gia đình truyền thống: có sự gắn bó cao về tình cảm theo huyết thống, bảo tồn, lưu giữ được các truyền thống văn hoá, tập tục, nghi lễ, phát huy tốt các gia phong, gia lễ, gia đạo. Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ. Đó là những giá trị rất căn bản của văn hoá gia đình mà chúng ta cần kế thừa và phát huy. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình gia đình này là trong khi giữ gìn các truyền thống tốt đẹp cũng tồn tại những tập tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời. Ngoài ra, sự khác biệt về tâm lý, tuổi tác, lối sống, thói quen cũng đưa đến một hệ quả khó tránh khỏi là mâu thuẫn giữa các thế hệ: giữa ông bà- các cháu; giữa mẹ chồng- nàng dâu... Bên cạnh việc duy trì được tinh thần cộng đồng, gia đình truyền thống phần nào cũng hạn chế sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.

Gia đình đơn hay còn gọi là gia đình hạt nhân đang trở nên phổ biến ở các độ thị và cả ở nông thôn, thay cho kiểu gia đình truyền thống từng giữ vai trò chủ đạo. Gia đình Việt Nam ngày nay phần lớn là gia đình hạt nhân trong đó chỉ có một cặp vợ chồng (bố mẹ) và con cái mà họ sinh ra. Xu hướng hạt nhân hoá gia đình ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng vì nhiều ưu điểm và lợi thế của nó.

Trước hết, gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân có sự độc lập về quan hệ kinh tế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân. Vai trò cá nhân được đề cao. Tuy nhiên, gia đình hạt nhân cũng có những điểm yếu nhất định. Chẳng hạn, do mức độ liên kết giảm sút và sự ngăn cách không gian giữa các gia đình nên khả năng hỗ trợ lẫn nhau về vật chất và tinh thần bị hạn chế. Ảnh hưởng của các thế hệ tới nhau ít đi cũng làm giảm khả năng kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong gia đình. Ngoài ra, do gia đình hạt nhân ít con, cháu nên điều kiện, thời gian chăm sóc, gần gũi thể hiện tình cảm của con cháu đối với cha mẹ, ông bà ít hơn. Điều này càng thể hiện rõ khi xã hội phát triển thì các điều kiện bảo trợ, chăm sóc cho người già, người cao tuổi nhiều hơn thì khoảng cách gắn kết tình cảm gia đình càng lớn. Dù vậy, gia đình hạt nhân vẫn là loại hình khá phổ biến ở nước ta hiện nay và đó cũng là loại gia đình thịnh hành trong các xã hội công nghiệp, đô thị phát triển.

Quan điểm, mục tiêu về Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-5, xác định rõ: Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia đình Việt Nam ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ việc tăng cường giáo dục bảo tồn, phát huy những giá trị của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá gia đình văn minh tiến bộ trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Nguyễn Ngân Hà