(Baonghean) - Cát Văn (Thanh Chương) là một trong những nôi cách mạng với nhiều dòng họ, gia đình giàu truyền thống yêu nước, trong đó có gia đình ông Trần Hữu Hoằng (thường gọi cố Mân) với 4 người con đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay những năm đầu thành lập.
Chúng tôi tìm về xóm 12, bà con nhân dân, con cháu dòng họ Trần Hữu và bạn bè gần xa đang vui vầy dưới mái nhà xưa của ông Trần Hữu Hoằng (người dân trong vùng còn gọi là cố Mân) kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Trần Hữu Doánh (con trai cố Mân) - nguyên Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, một chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Vợ chồng ông Trần Hữu Hoằng và bà Giản Thị Chuẩn sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái), theo thứ tự: Trần Thị Đích, Trần Hữu Oánh, Trần Thị Tuyết, Trần Hữu Doánh và Trần Hữu Quán. Dưới chế độ thực dân - phong kiến, bị áp bức nặng nề, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng vợ chồng cố Mân vẫn quyết tâm nuôi dạy các con nên người, trở thành người có ích, mong sau này góp phần giúp nước, cứu đời.
Trong số các con, Trần Hữu Doánh tỏ ra là người tư chất thông minh, học giỏi, có nhiều khí chất, sớm tốt nghiệp Trường Pháp - Việt ở Thanh Chương và thi đậu vào Trường Quốc học Vinh, được thụ giáo những người thầy nổi tiếng như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch và học cùng những người bạn sau này trở thành những nhà cách mạng: Nguyễn Tiềm, Hoàng Trần Thâm, Chu Văn Biên... Tại đây, Trần Hữu Doánh cùng các bạn đồng môn sớm được giác ngộ cách mạng và tham gia đấu tranh dưới nhiều hình thức, tiêu biểu là phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền giảm án cho chí sỹ Phan Bội Châu.
Tiếp đến, tham gia cuộc vận động học sinh các trường tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đấu tranh phản đối việc thực dân Pháp sa thải thầy Hà Huy Tập và được kết nạp vào Hội Hưng Nam. Ông cùng với những người bạn là Nguyễn Tiềm (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên), Hoàng Trần Thâm thành lập ra tổ chức Sinh Đoàn Nghệ An để lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh trong các trường học. Được thầy giáo Hà Huy Tập hướng dẫn và giúp đỡ, Trần Hữu Doánh đã thành lập được tổ đọc sách báo và tiểu tổ Hưng Nam tại chợ Cồn và tổng Cát Ngạn, tổ chức thành công cuộc đấu tranh, giúp người dân tổng Cát Ngạn giành lại bãi bồi Thổ Sơn bị bọn hào lý địa phương chiếm đoạt.
Năm 1927, được Nguyễn Thị Minh Khai giới thiệu, Trần Hữu Doánh đã tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng lý luận và phương pháp vận động cách mạng vô sản do Hội Thanh niên tổ chức. Năm 1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, tổ chức Sinh Đoàn Nghệ An được thành lập và hoạt động mạnh. Được đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn dắt, Trần Hữu Doánh cùng các đồng chí của mình sáng lập tờ báo Xích Sinh để tuyên truyền, cổ vũ phong trào đấu tranh của học sinh các trường ở thành phố Vinh và các huyện trong tỉnh.
Khi thực dân Pháp phát hiện, chúng đã đuổi những người tham gia hoạt động cách mạng khỏi trường học. Bị đuổi, Trần Hữu Doánh về quê tập hợp được 30 thanh niên của tổng Cát Ngạn có tinh thần hăng hái, thành lập Trại Cày ở Khe Trường. Đây vừa là địa điểm sản xuất, vừa là nơi luyện tập võ nghệ và đọc sách báo, học tập chính trị. Trại cày của Trần Hữu Doánh không chỉ thu hút lực lượng thanh niên của huyện Thanh Chương mà còn thu hút thanh niên, học sinh ở Vinh, Nam Đàn, Nghi Lộc. Tháng 11/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Cát Ngạn được thành lập, Trần Hữu Doánh được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, gia đình cố Mân trở thành cơ sở hoạt động của cách mạng, là nơi ăn, nghỉ và hoạt động của nhiều cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy lâm thời: Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào, Nguyễn Liễn, Nguyễn Bình… Và điều đáng nói hơn, cả 5 người con trong gia đình đều hăng hái vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống Pháp, 4 người trở thành đảng viên trong những năm 1930 - 1931. Trần Hữu Doánh là một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Thanh Chương, làm Bí thư Chi bộ Tổng Cát Ngạn.
Trần Hữu Oánh và Trần Hữu Quán phụ trách Đội Tự vệ Đỏ, được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ sở và trấn áp bọn tay sai. Trần Thị Tuyết là một trong những người phụ nữ đầu tiên của huyện Thanh Chương đứng vào hàng ngũ của Đảng, tích cực tham gia các cuộc biểu tình trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, vận động quần chúng đấu tranh quyết liệt khiến 30 tên lính ở đồn Đạo Ngạn phải rút lui đến nơi khác. Trần Thị Tuyết là người phụ nữ đã cầm cờ búa liềm dẫn đầu đoàn biểu tình của tổng Cát Ngạn trong cuộc biểu tình ngày 1/9/1930.
Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, gia đình cố Mân bị thực dân Pháp liệt vào đối tượng nguy hiểm vì có 4 người con là cộng sản. Trong 2 năm 1930 -1931, chúng đã 3 lần cho lính đến lùng sục, đốt phá nhà cửa, tài sản, nhưng vợ chồng ông Trần Hữu Hoằng vẫn một mực không khai báo bất cứ điều gì. Kẻ thù hèn hạ đã bắt vợ và đứa con gái 4 tuổi của Trần Hữu Doánh, nhưng không hề làm lung lay, suy chuyển ý chí của gia đình cố Mân.
Trước cơn bão táp cách mạng, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, dìm phong trào trong máu lửa, nhiều đồng chí trong Ban lãnh đạo Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy lần lượt bị địch bắt. Tháng 1/1931, ông Trần Hữu Doánh được Tỉnh ủy Nghệ An chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân chống lại chính sách khủng bố trắng của kẻ thù; đến tháng 4/1931, được điều động lên Tỉnh ủy.
Tháng 2/1932, ông về Lưu Sơn thành lập Chi bộ Anh Thanh, một trong những chi bộ cuối cùng của hai Đảng bộ Thanh Chương và Anh Sơn trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các đồng chí Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào và Siêu Hải lần lượt bị bắt, Trần Hữu Doánh vẫn kiên cường động viên các đồng chí còn lại rút lui vào rừng hoạt động bí mật và chờ thời cơ.
Tháng 6/1932, Trần Hữu Doánh bị địch phục kích bắt giữ và tra tấn, giam cầm từ nhà lao Thanh Chương đến nhà lao Vinh nhưng đều bất lực trước khí phách của người chiến sỹ kiên trung, cuối cùng Tòa tuyên mức án tù khổ sai chung thân và đày đi nhà tù Lao Bảo. Cùng với Trần Hữu Doánh, 2 người con trai khác của cố Mân là Trần Hữu Oánh và Trần Hữu Quán đều bị kết án tù khổ sai chung thân và bị đày đi cùng một lần đến nhà tù Buôn Ma Thuột. Và chị gái của Trần Hữu Doánh là Trần Thị Tuyết cũng bị bắt tại Đô Lương, năm 1931 và bị kết án 15 năm tù giam.
Trong những năm tháng ấy, bà Giản Thị Chuẩn (vợ cố Mân) trong vai người đi buôn đã vượt qua ngàn trùng cách trở đến nhà lao thăm các con, tiếp thêm nghị lực và sức mạnh chiến đấu cho những chiến sỹ cách mạng đang bị giam cầm. Trần Hữu Doánh và các anh em, đồng chí luôn nêu cao khí tiết, kiên định lập trường và nêu cao khẩu hiệu “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Trong chốn tù ngục, ông tranh thủ truyền đạt kiến thức văn hóa, chính trị và phương pháp đấu tranh cho anh em, động viên mọi người chống lại thủ đoạn của bọn cai ngục và tổ chức các cuộc đấu tranh tuyệt thực, buộc chúng phải nhượng bộ.
Tháng 3/1941, Trần Hữu Doánh cùng 119 phạm nhân bị đưa từ nhà tù Buôn Mê Thuột lên ngục Đak Min. Mục đích của thực dân Pháp là lấy cảnh đói rét, bệnh tật và cực hình để thủ tiêu những người cộng sản kiên trung. Không cam chịu cảnh tù đày, những người con ưu tú ấy luôn nghĩ đến cách vượt ngục để ra ngoài tiếp tục hoạt động.
Đêm 5/12/1942, Trần Hữu Doánh cùng các đồng chính Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Tạo và Chu Huệ đã khôn khéo đánh lừa được bọn lính gác, vượt ngục Đak Min. Bị kẻ thù phát hiện nhưng với sự khôn ngoan và ý chí vượt lên trong đấu tranh, 4 chiến sỹ cộng sản đã băng rừng, lội suối mấy tháng trời để tìm đường về quê hương. Về Cát Văn, ông cải trang làm người đi buôn hàng lâm - thổ sản để che mắt địch và xây dựng lại cơ sở cách mạng ở tổng Cát Ngạn và các tổng khác ở huyện Thanh Chương và phủ Anh Sơn.
Vào 5/4/1945, Trần Hữu Doánh đang trên đường từ cơ sở ở Vĩnh Giang đến Giang Sơn đụng độ một toán lính Pháp, đồng chí đã bị trúng đạn và hy sinh khi nước nhà sắp giành được độc lập, để lại người vợ hiền và con trai thơ dại chưa biết mặt cha. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các đồng chí Trần Hữu Oánh và Trần Hữu Quán thoát khỏi tù ngục và tiếp tục hoạt động, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, là những cán bộ lão thành cách mạng được đồng chí, đồng bào kính trọng.
Thế hệ con cháu của gia đình cố Mân hôm luôn tự hào và quyết tâm noi gương các bậc tiền nhân, trở thành những người có ích cho xã hội và quê hương. Ông Trần Minh Chánh (con trai độc nhất của đồng chí Trần Hữu Doánh) là tiến sỹ, Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (đã mất). Con dâu là bà Phạm Thị Đào, từng làm Phó Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam; các anh, chị Trần Hữu Phượng, Trần Hữu Phùng, Trần Thị Như Tường, Trần Hữu Thuật, Trần Quyết Thắng... là những sỹ quan công an, công chức, doanh nghiệp, luôn có ý thức giữ gìn gia phong và hướng về quê hương với tấm lòng biết ơn, đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng cầu, đường, để lại những dấu ấn tốt đẹp, xứng đáng là con cháu của một gia đình cách mạng.
Công Kiên - Đào Tuấn