Tại cuộc họp về chi phí sản xuất điện của EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đang xây dựng phương án cung cấp điện năm 2019, trong đó đưa ra 4 kịch bản vận hành tương ứng với 2 tốc độ tăng trưởng phụ tải và lượng nước về. Trong các kịch bản, tổng nhiệt điện than đều tăng 116 triệu kWh, gây áp lực cho tăng giá điện.
Ông Tuấn nói thêm, với phương án tối ưu là tăng trưởng phụ tải ở mức 9,94% thì vẫn phải huy động chạy dầu 3 tỷ kWh; còn phụ tải tăng trưởng cao hơn nhưng nước về ít thì phải huy động chạy dầu nhiều hơn.
"Năm 2019 vẫn có thể đảm bảo điện, song tại một số thời điểm căng thẳng nguồn, phải huy động các nhà máy dầu. Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch, nhưng cũng đề nghị cần sử dụng điện tiết kiệm", ông Tuấn nói.
Ông Đinh Quang Tri - Quyền tổng giám đốc EVN cho biết, về tổng thể công suất điện hai năm tới "đảm bảo đủ, vấn đề là chạy với giá nào". Theo lãnh đạo EVN, dự báo sản lượng phát thủy điện sẽ giảm gần 4 tỷ kWh, vì thế buộc ngành điện phải tăng huy động nguồn từ nhiệt điện than, chạy dầu DO, FO.
Nhưng khó khăn là chi phí mỗi kWh điện chạy dầu gần 5.000 đồng, cao hơn nhiều so với các nguồn điện huy động khác như than, khí... Và so với giá bán điện tới các hộ 1.720 đồng một kWh, phần lỗ tương đối lớn.
"Chạy dầu giá cao, giá thành điện tăng lên và là thách thức với giá điện bán ra năm 2019", ông Tri nói, đồng thời cho biết, hiện có 4 - 5 phương án giá điện đang được EVN tính toán và sẽ báo cáo Bộ Công Thương.
Ngoài ra, giá than bán cho điện sản xuất sẽ tăng 5% từ đầu tháng 12. Ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, việc này sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2019. "Than chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá thành sản xuất điện, vì thế, đây là áp lực lớn với ngành điện. Khi xây dựng kịch bản giá điện chúng tôi sẽ ước lượng mọi chi phí này", ông Tuấn nói.
Thách thức nữa với giá điện năm 2019 là tăng trưởng nhu cầu điện vẫn trên 10% và tăng vọt tại một số khu vực. Giải pháp được ông Tri đề cập là điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình.
Ông tính toán, mỗi hộ gia đình lắp 3 - 5 MW sẽ đủ phục vụ cho sinh hoạt. Với 30 triệu hộ gia đình, nếu chỉ 1 triệu hộ lắp đặt thì con số này tương đương 3.000 MW. "Đẩy mạnh điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình sẽ giải quyết được phần nào thiếu điện ở miền Nam", ông Tri nói, và bày tỏ hy vọng Chính phủ sớm ban hành các quy định liên quan để EVN lên phương án triển khai, công bố giá, tiêu chuẩn kỹ thuật để người dân lắp đặt.
Theo công bố, năm 2017, EVN lãi hơn 2.730 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện. Lượng điện thương phẩm ghi nhận gần 175 tỷ kWh. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng một kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Ngoài ra, vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện năm 2017.