Có những vườn hồng mất mùa nặng, chỉ lác đác vài quả trên cây. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình bà Hồ Thị Thanh ở xóm 8, xã Nam Anh (Nam Đàn) sở hữu 50 gốc hồng có tuổi đời 10-15 năm. Năm nay, do mất mùa nên cây hồng nào sai quả nếu thu hoạch hết cũng chỉ được 30 – 40kg quả. Bà Thanh cho biết: “Năm được mùa, mỗi gốc hồng cho sản lượng 70-80kg quả, giá bán dao động từ 15-20.000 đồng/kg, gia đình thu về cả trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của chúng tôi”.

Có nhiều hộ dân, hồng mất mùa nặng, sản lượng chỉ đạt 20-30% so với năm được mùa. Gia đình ông Trần Hoài Nam ở xóm 4, xã Nam Anh có trên 100 gốc hồng đã cho quả, trong số đó, có khoảng 60% số gốc đang thời kỳ sung sức, nhưng năm nay, do nhiều yếu tố nên sản lượng hồng vẫn giảm sút mạnh. Có những gốc giảm đến 70% lượng quả.

Sản lượng hồng giảm mạnh, chỉ bằng một phần ba so với các năm trước đó. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nam cho biết: “Các năm trước, thời điểm tháng 10, 11 là rộ vụ thu hoạch, ước tính vườn hồng cho sản lượng 6-7 tấn hồng. Năm nay, mất mùa nặng, có những gốc quả lác đác, nhỏ, xấu, coi như không có thu hoạch, cây nào sai nhất cũng chỉ được 20-30kg quả”.

Nếu như ở Nam Anh - thủ phủ hồng ngâm Nam Đàn, nơi có nhiều gốc hồng cổ có tuổi đời lên tới cả thế kỷ thì ở Nam Xuân, với trên 50ha hồng đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển mạnh nhất, hiện tượng mất mùa cũng diễn ra phổ biến.

“Năm được mùa, thời điểm này, vào vườn chỉ thấy một màu vàng óng ả, cây hồng toàn quả là quả, treo lúc lỉu. Năm nay thì lác đác quả, mất mùa nặng”, bà Nguyễn Thị Tâm, chủ hộ trồng hồng ở xóm Xuân Sơn (Nam Xuân) cho biết.

Nhiều vườn hồng đang thời kỳ thu hoạch thì bị côn trùng chích, thối, rụng đầy vườn. Ảnh: Thanh Phúc

Mất mùa là tình trạng chung của cả nghìn hộ trồng hồng ở Nam Đàn. Theo số liệu thống kê sơ bộ, số hộ trồng hồng ở các xã Nam Anh, Nam Xuân là khoảng 1.500 hộ, diện tích khoảng 300ha, trong đó, nhiều nhất là xã Nam Anh. Giống hồng ở Nam Đàn chủ yếu là hồng cậy và hồng trứng.

Nguyên nhân mất mùa hồng năm nay được người dân lý giải là do yếu tố thời tiết bất lợi, đầu năm, khi cây hồng ra hoa thì mưa kéo dài khiến hoa rụng; đến giai đoạn dưỡng quả lại gặp nắng hạn kéo dài khiến quả hồng nhỏ. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nạn ruồi vàng tấn công hồng khi quả chuẩn bị chín khiến hồng thối rữa, rụng nhiều. Ngoài ra, nhiều cây hồng lâu năm, giống bị thoái hoá nên năng suất cũng giảm mạnh.

Hồng mất mùa do nhiều nguyên nhân: thời tiết, cây thoái hoá và để quả "treo cây" quá dài... nên cây cạn kiệt, năng suất kém. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều vườn hồng phục vụ du lịch, cũng không thu hái, để “quả treo cây” làm dịch vụ đón khách tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Có những vườn, để quả chín đỏ ở trên cây đến tận ra Giêng, cây hồng không có thời gian “ngủ đông” nên vào vụ sau, cây sẽ ít quả.

Mất mùa, sản lượng sụt giảm mạnh nhưng bù lại, năm nay, giá hồng khá cao. Hiện, giá hồng thương lái thu mua tại vườn dao động từ 18.000-20.000 đồng/kg đối với hồng cậy, 30.000-35.000 đồng/kg đối với hồng trứng, cao hơn năm ngoái 5.000-7.000 đồng/kg.

Anh Trần Văn Hoà, một thương lái chuyên thu mua hồng để phân phối ra thị trường cho biết: “Hồng năm nay mất mùa nên việc thu mua cũng gặp khó khăn. Giá hồng cao nhưng người dân không đủ sản lượng để cung ứng, đặc biệt, cũng không có nhiều vườn hồng đạt mẫu mã đẹp để lựa chọn.

Hiện, giá hồng trứng Nam Đàn đang ở mức cao, 35.000-40.000 đồng/kg, thậm chí loại đẹp, ngon có giá lên đến 50.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Thanh Phúc

Dù mới rộ mùa được nửa tháng nay nhưng nguồn hồng trong dân cũng đã cạn, nhiều đại lý đã đặt hàng từ trước nay chúng tôi cũng phải trả cọc vì không đủ hàng. Nếu như mọi năm, riêng sản lượng hồng của xã Nam Anh lên đến 300-400 tấn thì năm nay, hết vụ cũng chỉ đạt 100 tấn”.