Ngày 5/8, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Dũng (SN 1989, trú tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) 13 năm tù về tội giết người (Điều 123 BLHS năm 2015). Bị hại là anh Hoàng Quang Mạnh (SN 1973, trú tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Theo bản án sơ thẩm, Dũng và anh Mạnh đều là công nhân Công ty TNHH Dây cáp điện Minh Hiền, địa chỉ ở Khu công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín). Ngày 4/10/2019, khi đang làm việc tại công ty, Dũng được một nam đồng nghiệp cho biết, anh Mạnh nói mẹ Dũng đi ngoại tình. Nghe vậy, Dũng rất bức xúc nên nảy sinh ý định đi tìm anh Mạnh đánh để trả thù.
Đầu giờ chiều cùng ngày, khi ở trong xưởng sản xuất, Dũng thấy anh Mạnh đi bộ từ phía ngoài vào và cười chào Dũng. Đang bức xúc vì nghe kể anh Mạnh nói xấu mẹ mình nên lúc đó, Dũng cúi xuống nền nhặt thanh sắt dài vụt vào đầu anh Mạnh. Bị tấn công bất ngờ, anh Mạnh bị choáng rồi ngã ngồi xuống nền xưởng. Biết rõ anh Mạnh mất khả năng chống cự nhưng Dũng tiếp tục dùng thanh sắt dài vụt liên tiếp vào vùng đầu của anh Mạnh.
Hành vi đặc biệt nguy hiểm của Dũng chỉ dừng lại khi một số đồng nghiệp khác trong công ty can ngăn và đẩy Dũng ra ngoài xưởng. Anh Mạnh bị chấn thương nặng nhưng do được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Kết quả giám định xác định, anh Mạnh bị tổn hại 47% sức khỏe.
Tại phiên xử, bị cáo Dũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định. Lý giải cho hành vi đặc biệt nguy hiểm của mình đối với anh Mạnh, bị cáo khai, do bức xúc vì anh Mạnh nói xấu mẹ mình nên lúc đó bị cáo không kìm chế được bản thân nên hành động như vậy.
Cũng theo lời khai của bị cáo, đây không phải lần đầu tiên Dũng được người khác cho biết, anh Mạnh nói xấu gia đình mình nên bị cáo đã để bụng việc này và gây án khi rất bức xúc. Ở chiều ngược lại, anh Mạnh khẳng định trước tòa, mình không nói xấu gì bị cáo và gia đình bị cáo.
Quá trình điều tra, anh Mạnh có đơn gửi cơ quan điều tra đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Dũng. Tại phiên tòa, anh Mạnh tiếp tục đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, hành động nguy hiểm gây ra cho mình cũng là bột phát.
Nói lời sau cùng, bị cáo gửi lời xin lỗi bị hại và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được về gia đình chăm sóc các con và người thân. Sau khi nghị án, HĐXX đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phạm tội do ức chế tâm lý, bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo mức án trên.