Gần 11ha đất nông nghiệp bỏ hoang
Mở chiếc tủ sắt ôm chồng hồ sơ dày gần một gang tay, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP Vinh) lắc đầu nói: Báo chí về đây tìm hiểu, viết bài nhiều rồi nhưng đến nay cũng chưa thấy thay đổi gì cả. Bây giờ thì người dân không gửi đơn, cũng không tập trung đông người lên UBND xã nữa nhưng cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng có ý kiến. Xã giờ cũng không biết trả lời với người dân thế nào, bởi sau nhiều cuộc làm việc, đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng đến nay, phía Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam vẫn không chịu đền bù cho người dân.
Sự việc ông Quang nhắc đến bắt đầu từ cuối năm 2009. Thời điểm đó, người dân có ruộng tại khu vực Bàu Đông ra sản xuất thì bị ngứa, lúa bị chết và kém năng suất. Một thời gian sau, nhiều diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác do bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nguồn nước thải của Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam gây ra.
Sau khi người dân có đơn phản ánh, UBND xã Hưng Đông ra kiểm tra thì phát hiện nhà máy đang cho thải nguồn nước màu trắng đục lẫn màu nâu có mùi hắc vào mương nước của HTX và ra đồng lúa hiện nhân dân đang cấy lúa vụ Đông Xuân.
Đến tháng 6/2010, trong đợt thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Đoàn thanh tra của Bộ Tài Nguyên và Môi trường lấy mẫu nước thải của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam. Kết quả phân tích chất lượng nước thải cho thấy, công ty đã xả nước thải có 16/30 thông số vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là đối với mương tiêu của HXT Đông Vinh.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam hơn 47 triệu đồng và buộc công ty đình chỉ ngay hành vi xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Ông Trần Anh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông khẳng định, việc ô nhiễm môi trường ở cánh đồng Bàu Đông diễn ra từ năm 2009, khi Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam đi vào hoạt động, thời điểm đó KCN Bắc Vinh chưa có hệ thống xử lý nước thải, nhà máy xả thẳng ra cánh đồng có diện tích gần 11 ha của Hợp tác xã nông nghiệp 1 Hưng Đông. Từ đó đến nay, người dân có ruộng ở đó phải bỏ hoang, không sản xuất được. Sự việc không được giải quyết dứt điểm khiến người dân xã Hưng Đông bức xúc và đã tự ý ra đắp chặn mương, không cho công ty xả thải ra Bàu Đông.
Trước những kiến nghị của người dân, UBND tỉnh, UBND TP Vinh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, làm việc và kết luận, việc Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam xả thải ra Bàu Đông gây ô nhiễm gần 11h đất sản xuất nông nghiệp của người dân là có thật. UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Vinh chỉ đạo xã Hưng Đông rà soát, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại và phối hợp với công ty thống nhất số liệu để công ty bồi thường theo đúng quy định tại Nghị định số 113/2010/NĐ-CP.
Chính quyền đã quyết liệt ?
Mặc dù UBND tỉnh, UBND TP Vinh và các cơ quan chức năng sau đó vẫn kết luận, Công ty Sabeco đã có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường 11ha đất nông nghiệp và yêu cầu bồi thường cho người dân nhưng phía công ty vẫn không thực hiện. Ngày 16/10/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đã chủ trì buổi làm việc với Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam để giải quyết vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại nhà máy ở KCN Bắc Vinh.
Theo kết luận, ông Huỳnh Thanh Điền yêu cầu công ty phối hợp với UBND TP Vinh, các sở, ban ngành thống nhất phương án xử lý vấn đề bồi thường gây ô nhiễm môi trường tại khu vực Bàu Đông trước đây hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Tỉnh cũng giao cho UBND TP Vinh chủ trì thành lập tổ công tác để xử lý vấn đề trên.
Ngày 29/12/2015, Tổ công tác đã có báo cáo kết quả giải quyết vấn đề ô nhiễm và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại khu vực Bàu Đông. Tổ công tác kết luận, việc ô nhiễm môi trường tại khu vực Bàu Đông dẫn tới 107.456m2 đất sản xuất nông nghiệp không thể sản xuất là có thật. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động xả thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của nhà máy sản xuất bao bì và lon nhôm 2 mảnh của Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam tại KCN Bắc Vinh. Trước thực tế đó, Tổ công tác kiến nghị Công ty Sabeco phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục ô nhiễm môi trường theo đề nghị của UBND xã Hưng Đông với tổng giá trị là hơn 4,066 tỷ đồng.
Để đưa ra được kết luận này, ngoài những bằng chứng cụ thể là các hình ảnh, hồ sơ pháp lý liên quan, Tổ công tác còn dẫn ra được nhiều văn bản của nhiều cơ quan chức năng kết luận về việc Công ty Sabeco xả thải gây ô nhiễm môi trường. Kể ra như: Kết luận số 374/KL.UBND.ĐC ngày 2/10/2009 của UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam không có hệ thống xử lý nước thải cho dây chuyền sản xuất bao bì carton; Công văn số 1386/STNMT-TTr ngày 3/6/2010 của Sở TN&MT nêu rõ: Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam xả nước thải sản xuất ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân là có thực.
Báo cáo số 65/BC-KTT ngày 16/9/2010 của Ban quản lý KKT Đông Nam cũng khẳng định: Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân xã Hưng Đông là có cơ sở; Thông báo số 158/TB-UBND ngày 9/5/2011 và Thông báo số 493/TB-UBND ngày 21/12/2011 của UBND TP Vinh nêu rõ: Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam xả nước thải ra Bàu Đông gây ô nhiễm môi trường là rõ ràng và đã được khẳng định…
Trước những kết luận rõ ràng như vậy, nhưng cho đến nay, phía Công ty Sabeco vẫn nhất quyết không đền bù cho người dân. Ngày 24/10/2017, UBND xã Hưng Đông có Công văn 681/UBND-NN cho biết việc thỏa thuận đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường của Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam gây ra là không khả thi vì công ty không hợp tác.
Theo một cán bộ UBND TP Vinh nhiều lần tham gia giải quyết vấn đề này cho biết, phía Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam từng đưa ra đề nghị sẽ hỗ trợ cho người dân xã Hưng Đông 1,5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản cụ thể của công ty.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình – Chủ nhiệm HTX Hưng Đông 1 cho rằng, việc công ty xả thải ra mương tiêu, khiến người dân không canh tác sản xuất được là phải đền bù, chứ không phải là hỗ trợ. Việc tính toán để đưa ra con số kinh phí đền bù phải thỏa đáng cho người dân và hợp lý với công ty. Đồng quan điểm, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2015 về vấn đề gây ô nhiễm và đền bù do việc ô nhiễm môi trường gây ra.
Vì sao Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam không chịu đền bù cho người dân? Vì công ty này hàng năm đóng góp ngân sách cho tỉnh lớn hay sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ?. Quyền lợi chính đáng của người dân đến khi nào được giải quyết dứt điểm?.