Họa sỹ Trần Từ Thành sinh năm 1944, tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh và lớn lên tại thành phố Vinh, Nghệ An. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa tiềm ẩn và nung nấu ước mơ trở thành họa sỹ thực thụ. Năm 1958 khi mới 15 tuổi, ông lặn lội từ quê hương ra Hà Nội dự thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Hơn 60 năm trôi qua, họa sỹ Từ Thành vẫn không giấu nổi niềm tự hào khi là 1 trong 64 thí sinh thi đỗ năm ấy. Tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở về quê hương và tham gia chiến tranh cách mạng. Anh trai ruột của ông tham gia chiến trường miền Bắc và hy sinh tại trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử. Vì vậy, cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật, đề tài chủ yếu trong tranh của họa sỹ Từ Thành là Bác Hồ kính yêu và chiến tranh cách mạng.
“Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”
Năm 1975, trong không khí cả nước háo hức đợi chờ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, suốt 1 năm trời trong tâm tưởng của người nghệ sỹ này chỉ luôn ấp ủ một bức tranh cổ động mừng ngày dân tộc bước sang trang. Bằng tất cả tấm lòng, sau 2 tuần miệt mài với những nét vẽ chăm chút, ông hoàn thiện bức tranh Bác Hồ vĩ đại bế trên tay em bé.
“Bức tranh là biểu tượng thế hệ mầm non tương lai làm chủ đất nước trên nền chim hòa bình và đường cong dải đất nước thống nhất hình chữ S. Ý nghĩa của bức tranh cũng là để tưởng nhớ công lao trời biển của các chiến sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Ngôi sao bộ đội đặt lên mắt chim bồ câu tượng trưng cho ngôi sao sáng dẫn đường cho cách mạng”, họa sỹ Từ Thanh chia sẻ.
Năm 1978, bức tranh để đời ấy của ông được treo tại đoạn phố giao nhau giữa Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng, ngay giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trải qua bao nhiêu năm, đất nước thay da đổi thịt, bức tranh đã đi vào tiềm thức của người dân cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Có thể nói, bức tranh “1976” đã trở thành trái tim giữa lòng Thủ đô và phác họa chân thực niềm tự hào, cuộc đời vì nghệ thuật và tình yêu đất nước của họa sỹ Trần Từ Thành.
Bức tranh hiện đang được lưu tại bảo tàng Lê Nin – Nga, bảo tàng Hồ Chí Minh và sắp tới, họa sỹ sẽ trao tặng bản gốc cho bảo tàng Hồ Chí Minh. Họa sỹ tâm sự, nhiều quốc gia đặt mua tranh của ông, nhưng ông không bán vì đó là những tác phẩm ruột gan của ông, chỉ để lại cho các viện bảo tàng.
Họa sỹ Trần Từ Thành còn vinh dự là người đã thiết kế tấm Thẻ Đảng. Ông tâm sự: “Tôi tự hào là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng tự hào gấp bội khi tôi là người vẽ nên tấm Thẻ Đảng”.
Được giới hội họa biết đến là một họa sỹ trọn đời vì nghệ thuật và cách mạng. Nhưng ông cũng là một tín đồ của bóng đá quê hương.
Năm 2000, CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An trong thời kỳ "Hoàng Kim", làm khuynh đảo bóng đá Việt Nam và bắt đầu bước lên chuyên nghiệp. Lãnh đạo đội bóng SLNA là ông Nguyễn Hồng Thanh phát động một cuộc thi thiết kế biểu tượng Logo CLB bóng đá SLNA. Cuộc thi nhận được hơn 100 tác phẩm của hơn 50 họa sỹ, nhà thiết kế mỹ thuật tham gia.
Nặng lòng với mảnh đất quê hương Nghệ Tĩnh và tình yêu bất diệt với SLNA, họa sỹ Trần Từ thành dành hết tâm huyết, nhiều đêm trăn trở để sáng tác nên những Logo đẹp nhất cho đội bóng quê nhà. Không những vậy, họa sỹ còn viết một bài luận về quá trình sáng tác và ý nghĩa của tác phẩm mà ông dày công thiết kế.
Ngày 21/01/2003, Lãnh đạo tỉnh nhà và Hội đồng nghiệm thu đã công bố chọn tác phẩm của tác giả Trần Từ Thành làm Logo chính thức của CLB bóng đá SLNA, đăng ký bản quyền quốc gia. Họa sỹ Trần Từ Thành lúc đó đang là Phó hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội mỹ thuật Việt Nam.
Thời điểm đó, đa số các đội bóng nước ngoài và Việt Nam đều dùng biểu tượng lá chắn hoặc hình tròn làm phối cảnh cho Logo câu lạc bộ. Tuy nhiên, họa sỹ Trần Từ Thành không đi theo lối mòn đó, ông muốn SLNA có một sự khác biệt, phản ánh được đặc trưng riêng của đội bóng quê hương. Mặc dù đã vẽ đến hàng chục Logo cho SLNA, nhưng ông vẫn tâm đắc nhất bức vẽ cuối cùng.
Logo CLB SLNA có hình chữ nhật đơn giản nhưng hiện đại, có điểm nhấn và tạo được ấn tượng mạnh. Hình chữ nhật màu xanh lá cây thể hiện sân cỏ. Màu xanh chiếm vị trí chủ đạo của nền Logo gợi lên màu sắc của sự sống, của quê hương, của dòng nước Sông Lam hiền hòa vốn là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Hình khối cầu vàng ở giữa tượng trưng cho quả bóng màu vàng, màu áo truyền thống và bản sắc của Sông Lam Nghệ An đã đi sâu vào tâm khảm của người hâm mộ. Quả bóng tròn còn thể hiện đây là cái nôi đào tạo nhân tài bóng đá.
Hai mảng trắng vừa đối xứng vừa ngược nhau ở phía trên và phía dưới tượng trưng cho hai cánh buồm vút căng, đón lộng gió Lào bỏng rát giữa dòng Lam. Hai mảnh trắng ôm chặt theo hình cầu (quả bóng) tạo nên một cảm giác (động) như quả bóng đang xoáy bứt phá mãnh liệt. Hai mảnh buồm trắng cũng thể hiện khát khao chiến thắng.
Chữ "Sông Lam" và "Nghệ An" màu trắng với vị trí đặc biệt thể hiện bản chất một đội bóng với bất kỳ tình huống nào cũng chơi sòng phẳng, trung thực vì màu cờ sắc áo quê hương. Có thể nói, biểu tượng CLB bóng đá SLNA đã mang đầy đủ ý nghĩa bản chất anh dũng ngoan cường của con người xứ Nghệ và truyền thống của Sông Lam Nghệ An.
Họa sỹ Từ Thành chia sẻ về ý nghĩa của Logo biểu tượng SLNA. Video: Sỹ Hiếu - Trung Kiên |
“Nước sông Lam biết khi mô cho cạn
Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta
Dù cho bão tố mưa sa
Nghệ An Xô Viết xứng là Nghệ An...”
Mỗi lần SLNA thi đấu tại Hàng Đẫy, người họa sỹ năm nay đã 75 tuổi chưa bỏ lỡ một trận cầu nào. Khi có thời gian, ông cũng lặn lội về Vinh để thưởng thức món "đặc sản quê hương". Những năm 1980, ông có người cháu ruột là cựu cầu thủ thủ Trần Ngọc Tuấn thi đấu cho đội bóng. Những năm ấy, cứ mỗi lần SLNA đá tại Hà Nội, cả đội lại về nhà riêng của ông làm “đại bản doanh”. Vì thế nên ông xem các cầu thủ SLNA như con cháu của mình.
“Các đội bóng khác đều có nhiều cầu thủ tứ xứ, riêng chỉ có SLNA là đội bóng 100% cầu thủ Nghệ An. Thậm chí, nhiều cầu thủ xứ Nghệ thi đấu cho các đội bóng khác. Đó thực sự là một niềm tự hào, chứng tỏ Nghệ An là một mảnh đất giàu có về tài năng bóng đá. Bóng đá có lúc thắng, lúc thua, nhưng truyền thống của SLNA là thi đấu hết mình. SLNA liên tục có những lớp cầu thủ kế cận, xứng đáng là môi trường đào tạo bóng đá tốt nhất Việt Nam”.
Điều mà họa sỹ Trần Từ Thành xúc động nhất đó là biểu tượng của SLNA suốt bao nhiêu năm qua vẫn không thay đổi, tên gọi vẫn được giữ nguyên, bản sắc được giữ gìn.
Và quan trọng hơn cả, họa sỹ Trần Từ Thành tâm sự với chúng tôi rằng: Dù thế nào, truyền thống cốt lõi và tinh thần chiến đấu của SLNA phải luôn được thừa hưởng và phát huy.
Một hay nhiều trận thua sẽ không làm đánh mất đi truyền thống và linh hồn của SLNA được đúc kết qua bao nhiêu thế hệ. Năm nay, họa sỹ Từ Thành kỳ vọng đội bóng quê hương sẽ duy trì được sự hưng phấn và giành được một vị trí trong top 3 V.League 2019. Cùng với đó là một lối chơi làm vui lòng người hâm mộ quê nhà.
Thật may mắn cho chúng tôi khi được trò chuyện cùng họa sỹ Trần Từ Thành. Một người con xứ Nghệ, một người nghệ sỹ cách mạng trải qua thời kỳ bom đạn với một tình cảm vô bờ bến dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, tình yêu son sắt với quê hương, đất nước....
Hình ảnh cuồng nhiệt của CĐV xứ Nghệ trận Hà Nội - Sông Lam Nghệ An
(Baonghean.vn) - Dưới sân, Sông Lam Nghệ An để thua đậm trước đương kim vô địch Hà Nội, nhưng trên khán đài, các CĐV xứ Nghệ vẫn thể hiện được tình yêu mãnh liệt của mình với đội bóng quê hương.