(Baonghean) - Mới năm học trước đây thôi, học sinh tiểu học ở ta mỗi ngày đến trường, ngoài ba lô nặng trĩu vì sách vở do chương trình học quá nhiều, còn phải chịu gánh thêm một “gánh nặng nề” vô hình nữa - Ấy là gánh nặng điểm số, gánh nặng danh hiệu. Cứ phải là điểm 9, điểm 10, phải là học sinh giỏi hay mèng ra thì cũng phải là tiên tiến thì thầy cô, cha mẹ mới hài lòng; các em mới được coi là con ngoan, trò giỏi. Còn nếu không thì…

Bao năm, tiêu chí điểm số, danh hiệu cứ như một cái gông vô hình giữ rịt các em bên bàn học với những bài văn, phép tính, không để cho các em có thời gian vui chơi, bay nhảy. Lắm ông bố, bà mẹ cũng thấy xót xa cho con cái mình. Nhưng nhìn ra chung quanh, cả thiên hạ đều thế thì mình cũng đành phải thế thôi. Mà không thế thì lôi thôi lắm lắm. Thế nên, rất nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm khi ngành Giáo dục - Đào tạo tuyên bố, bắt đầu từ ngày 15/10 này, sẽ đánh giá học sinh tiểu học bằng lời nói thay cho điểm số, với nguyên tắc vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của các em; giúp các em phát huy tất cả khả năng; vừa đảm bảo tính kịp thời, công bằng, khách quan. Việc đánh giá sẽ chỉ là “hoàn thành” hoặc “chưa hoàn thành” hay “đạt” hoặc “chưa đạt” tùy theo từng môn học. Đặc biệt là đến cuối năm học sẽ không có các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nữa. 

Nói về cách làm mới trên, ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ có lợi cho học trò, phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Mặt khác, nhận xét thay vì cho điểm thường xuyên cũng yêu cầu người thầy phải đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, cũng có người lo lắng là việc phải nhận xét cho nhiều học sinh, ghi nhiều loại sổ sách khiến giáo viên không còn thời gian lo cho chuyên môn, gia đình. Thế nhưng, trên thực tế thì giáo viên chỉ cần ghi chép đánh giá học sinh theo tháng, không bắt buộc phải đánh giá theo bài, theo ngày, hay theo tuần. Mỗi tháng một lần, các giáo viên dành thời gian ghi chép những đánh giá của mình cho từng em học sinh vào một cuốn sổ mà Vụ Giáo dục tiểu học đã thiết kế và phát đến tận tay giáo viên. Như vậy, công việc của giáo viên thật sự không quá nhiều. Điều quan trọng hơn cả là phải có biện pháp phù hợp để bảo đảm việc đánh giá này vừa sát với chất lượng thật của học sinh, vừa giúp đỡ các em nhiều nhất trong quá trình học tập. 

Tóm lại, với cách làm mới này, thầy, cô giáo sẽ đỡ tốn công, tốn sức hơn và sẽ không còn những “bông hoa điểm chín, điểm mười” đỏ chói, không còn những giấy khen cùng những tràng vỗ tay, lời khen ngợi, biểu dương những em đạt danh hiệu cao nhất trong các kỳ tổng kết. Kể cũng mất vui(!); nhưng rất nên làm thế để bớt đi áp lực, “gánh nặng” về điểm số, danh hiệu cho các em. Vì đó thật sự là “gánh nặng” phù phiếm!

Duy Hương