(Baonghean) - Một con số gây sốc vừa được tạp chí Đức Der Spiegel công bố, hé lộ gánh nặng của dòng người nhập cư lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong vòng 4 năm tới. Con số khổng lồ 93,6 tỷ euro (tương đương 105,8 tỷ USD) có thể khiến người ta nghi ngờ rằng sự kiên nhẫn và từ bi của người Đức là không có giới hạn.
Khoản chi khổng lồ
Theo dự thảo của một văn bản đang được thương thảo giữa Bộ Tài chính Liên bang Đức với 16 bang của nước này mà tạp chí Der Spiegel có được, con số dự kiến chi này bao gồm chi phí cho việc cung cấp nơi ở, giúp hòa nhập những người tị nạn và giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng di cư từ nay tới hết năm 2020.
Con số ước lượng này dựa trên 600.000 người di cư tới Đức trong năm 2016, khoảng 400.000 người vào năm 2017 và 300.000 người mỗi năm sau đó, đồng thời người ta cũng giả định rằng khoảng 55% trong số những người tị nạn hợp pháp sẽ có việc làm sau 5 năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Đức, chi phí để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư sẽ tăng dần từ nay cho đến năm 2020. Cụ thể, mức chi dành cho các hạng mục này trong năm nay vào khoảng 16,1 tỷ euro, và gia tăng lên tới 20,4 tỷ euro vào năm 2020.
Những thông tin trong dự thảo này còn cho biết, trong giai đoạn 4 năm tới, nước này sẽ bỏ ra khoảng 25,7 triệu euro để hỗ trợ thuê nhà, thất nghiệp và một số công tác xã hội khác đối với người tị nạn hợp pháp. Ngoài ra, một số hoạt động như học ngoại ngữ và tìm việc làm cho người tị nạn cũng sẽ khiến Chính phủ Đức phải móc hầu bao thêm khoảng 10 tỷ euro nữa.
Mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn thảo luận giữa chính phủ liên bang với chính quyền các bang nhưng những con số ước tính này đang làm dấy lên những quan ngại về việc phân chia chi phí giải quyết vấn đề tị nạn.
Vấn đề này càng trở nên nhạy cảm hơn trong bối cảnh ngày càng gia tăng làn sóng phản đối người di cư tại nước này. Hiện tại chính phủ Berlin của Thủ tướng Angela Merkel và chính quyền các bang vẫn chưa thể nhất trí về các khoản chi phí để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư do hạn chế về ngân sách tại các bang. Theo báo cáo của "Der Spiegel", các bang của Đức sẽ phải tốn 21 tỷ euro trong năm 2016, và từ nay cho đến năm 2020, con số này sẽ tăng gấp rưỡi mỗi năm.
Người Đức có đủ kiên nhẫn?
Dĩ nhiên không hoàn toàn chính xác nếu nói rằng dòng người di cư đang đều đặn đổ vào nước Đức sẽ chỉ tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các số liệu trên không phản ánh đúng những đóng góp của họ vào nền kinh tế Đức khi người di cư bắt đầu tìm được việc làm và đóng thuế tại Đức. Ngoài ra, sự có mặt của họ được cho là sẽ mang lại những lợi ích lâu dài đối với lực lượng lao động vốn đang bị già hóa nhanh tại nước Đức. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.
Thế nhưng những người chỉ trích chính sách chào đón người nhập cư cũng có lý do để công kích nữ Thủ tướng Angela Merkel về những gánh nặng mà nước Đức sẽ phải giải quyết với các số liệu dự tính vừa được hé lộ. Loạt vụ tấn công tình dục ở thành phố Cologne trong đêm đón mừng năm mới đã thử thách lòng kiên nhẫn của nước Đức. Vừa mới trở thành biểu tượng cho lương tri của cả châu Âu, bà Merkel đã nhanh chóng trở thành "tội đồ" trong suy nghĩ của không ít người dân.
Sự bất mãn này không cần nhiều thời gian để thể hiện trong kết quả bầu cử địa phương ở Đức hôm 13/3. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đã thất bại trước đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và các đảng còn lại ở 3/5 bang. Điều này cho thấy chính sách tị nạn nhân hậu của “bà đầm thép Berlin” đang gặp phải sự phản đối quyết liệt từ cử tri Đức.
Kết quả thất bại của đảng CDU không chỉ là thách thức lớn đối với Thủ tướng Merkel mà nó còn khiến các thành viên EU khác nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược giải quyết dòng người di cư của châu Âu, cụ thể là thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu niềm tin bị phai nhạt, bà Merkel sẽ không thành công trong kêu gọi phân bổ người tị nạn tới toàn bộ 28 nước thành viên của khối.
Nhìn rộng hơn một chút, có thể thấy rằng một nước Đức kém đoàn kết, phải chịu nhiều gánh nặng sẽ là điềm xấu với châu Âu. Nhiều năm đã trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp bắt đầu bùng phát, nguy cơ châu Âu tan rã lại đang hiện hữu ở thời điểm hiện tại. Chỉ còn ít ngày nữa người dân Anh sẽ bước vào cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu.
Dù không sử dụng đồng tiền chung euro, sự ra đi của Anh vẫn sẽ có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế chính trị của châu lục này, đặc biệt là có thể tạo ra tiền lệ xấu chia rẽ một châu Âu thống nhất. Bên cạnh những mối nguy Brexit là một khối các nền kinh tế chưa thể thoát khỏi bóng ma khủng hoảng để tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP ở mức quá thấp dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn miệt mài bơm tiền và đã sử dụng đến cả lãi suất âm. Tương lai u ám không phải là yếu tố để thuyết phục người dân châu Âu ủng hộ một cái nhìn lạc quan và những chính sách hào phóng.
Ngược lại, những khoản chi tiêu khổng lồ mà nước Đức có thể sẽ phải trang trải trong 4 năm tới là điều mà tất cả họ đang lo lắng vào lúc này.
Thanh Sơn