(Baonghean.vn) - Những năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT của Nghệ An so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vẫn còn khá thấp. Thậm chí, có những trường chỉ 10 học sinh tham gia.
Sáng 18/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác Bảo hiểm Y tế học sinh sinh viên năm học 2017 - 2018. Các đồng chí: Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH; Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An đồng chủ trì hội nghị. |
Vẫn còn tâm lý ỷ lại vào Nhà nước
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 511.243/544.095 học sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,96%, với tổng số tiền hơn 205 tỷ đồng.
Trong số này, học sinh, sinh viên đóng góp hơn 132 tỷ đồng và ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 72 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này so với mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT mà Chính phủ đưa ra vẫn còn khá thấp. Trong đó, tập trung vào các huyện như Quỳnh Lưu (83,10%), Nghi Lộc (88,23%), Yên Thành (88,63%), Diễn Châu (89,14%)...
Cụ thể, tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có nhiều trường tỷ lệ học sinh tham gia BHYT học sinh, sinh viên (HS, SV) rất thấp và thường tập trung vào một số xã đặc thù. Ví dụ Trường Tiểu học Quỳnh Lâm B, tỷ lệ học sinh tham gia là 23,73%, Trường Tiểu học Tân Thắng (49,92%)...
Đề cập thực trạng triển khai BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn, tại cuộc họp, ông Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nêu: Hiện, trên địa bàn huyện có những trường như Trường Tiểu học Quỳnh Thanh chỉ có 10 học sinh tham gia BHYT bắt buộc và chủ yếu là con em cán bộ, giáo viên. Số còn lại, chủ yếu là con em thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách. Nguyên nhân chính do phụ huynh chưa nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia BHYT và đang có tâm lý ỷ lại vào nhà nước!
Tại huyện Diễn Châu, thấp nhất là Trường THCS Diễn Đoài khi tỷ lệ tham gia BHYT chỉ mới đạt 47,89%. Trong nhiều nguyên nhân thì có một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều phụ huynh chưa mặn mà với BHYT là bởi hệ thống y tế trường học còn yếu, chưa đủ cơ sở vật chất để hoạt động, hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học chưa cao; đội ngũ cán bộ y tế các trường tiểu học, THCS đa số là kiêm nhiệm. Ví dụ ở bậc Tiểu học, hiện chỉ có 8/41 trường có nhân viên y tế, THCS chỉ có 1/3 trường và đa phần vẫn đang kiêm nhiệm.
Đánh giá của ngành BHXH cũng cho biết: Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT HSSV tăng theo lộ trình quy định của Luật BHYT nên nhiều nơi phụ huynh và học sinh gặp khó khăn khi tham gia BHYT.
Ngoài ra, một số trường học tổ chức thu đồng thời BHYT và Bảo hiểm thân thể nhưng không tuyên truyền, giải thích rõ gây nên sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa BHYT HSSV là hình thức bắt buộc do nhà nước thực hiện với bảo hiểm thân thể là hình thức bảo hiểm thương mại.
Trách nhiệm phải được gắn với quyền lợi
Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Giáo dục trong triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên.
Trên thực tế, những năm qua, từ nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu trích lại từ thu BHYT, mạng lưới y tế trường học trên địa bàn tỉnh được củng cố và phát triển, tạo điều kiện giáo dục chăm sóc sức khỏe phòng chống các bệnh học đường.
Riêng trong năm 2016 - 2017, BHXH đã trích 45 tỷ nguồn khám chữa bệnh ban đầu cho các trường học trên địa bàn. Rất nhiều học sinh bị bệnh hiểm nghèo được bảo hiểm hỗ trợ, trong đó có học sinh Phan Văn Khánh (Hưng Nguyên) được bảo hiểm chi trả gần 350.000.000 đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại khi so với cả nước, tỷ lệ tham gia BHYT của Nghệ An còn thấp. Nguyên nhân chính do một số địa phương chưa có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; một số nơi nhận thức về tầm quan trọng của nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa đúng; công tác y tế học đường chưa được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế...
Trước những khó khăn này, đồng chí yêu cầu: "Các ngành cần tiếp tục làm rõ những tồn tại, hạn chế để trong năm học 2017 - 2018, có những giải pháp thiết thực để khắc phục".
Để tiến tới 100% HSSV có thẻ bảo hiểm y tế trong năm học 2017 - 2018, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi, ý nghĩa của BHYT; chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học, chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế trường học cả về số lượng và chất lượng; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tăng tỷ lệ hỗ trợ mức đóng BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương (ngoài mức hỗ trợ tối thiểu 30% theo quy định của Luật BHYT)...
Về phía ngành Y tế, tiếp tục nâng cao chất lượng KCB ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ trong hoạt động khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, trong đó có HSSV khi đi khám chữa bệnh.
Dịp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khen thưởng cho 5 tập thể và 4 cá nhân nhờ có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT học sinh, sinh viên.
Mỹ Hà