Bệnh nhân phát hiện bị sỏi túi mật từ năm 2014. Không đau nên bà chỉ điều trị bằng thuốc uống tại bệnh viện ở Thái Nguyên.
Gần đây bệnh nhân ngày càng bị đau tức vùng hạ sườn, bác sĩ chẩn đoán viêm túi mật mạn tính có sỏi. Tại Bệnh viện E, bác sĩ phát hiện túi mật của bệnh nhân có nhiều sỏi lấp đầy, thành mật dày do viêm mạn tính, không có dịch mật. Chỉ định dành cho bệnh nhân là phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật.
Phó giáo sư Đỗ Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết túi mật của bệnh nhân chứa khoảng 400 viên sỏi. Trong đó, viên to có đường kính lớn nhất là một cm, như viên bi.
Sau khi cắt túi mật, sức khỏe của bà đã ổn định, ăn uống được, không đau, có thể được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ, số lượng sỏi mật nhiều đến thế một phần vì bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, phần khác do rối loạn chuyển hóa của tuổi tác ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol của dịch mật trong túi mật.
Sỏi mật được hình thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật như cholesterol, billirubin, muối canxi... Khi lượng cholesterol trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hay lượng muối mật giảm, dẫn tới hình thành sỏi. Ngoài ra, sỏi mật còn hình thành do sự kết tụ của bilirubin do bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan...
Phụ nữ có nguy cơ cao bị sỏi mật hơn nam giới. Người ít vận động, ngồi nhiều, thừa cân béo phì, đái tháo đường và trên 60 tuổi; người có chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol hoặc quá kiêng khem... cũng dễ bị sỏi mật.
Để phòng tránh sỏi mật, bác sĩ Sơn khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu không chữa trị, túi mật của bệnh nhân có thể bị viêm, tắc mật, vàng da. Bệnh nhân có nguy cơ biến chứng hoại tử túi mật, dịch tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết.