(Baonghean) - Chủ nhật, ngày 9/11, ít nhất 2 triệu cử tri xứ Catalan đã tham gia một cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng về sự độc lập của Catalan. Theo kết quả sơ bộ được công bố từ tối Chủ nhật cho đến rạng sáng ngày thứ Hai, có đến hơn 80% cử tri bỏ phiếu “đồng ý” cho nền độc lập của Catalan. 

Ông Joana Ortega - Phó Thị trưởng Catalan thông báo, có đến 88.4% cử tri tương đương với 1.649.239 người dân đã lựa chọn “đồng ý” với 2 câu hỏi “Bạn có muốn Catalan là một quốc gia? Và nếu bạn đồng ý thì bạn có muốn Catalan giành độc lập?”. Tuy nhiên, những người phản đối việc Catalan giành độc lập thông báo sẽ tẩy chay cuộc bầu cử. 

Gần 2 triệu cử tri đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật ngày 9/11 tại Catalan. Ảnh: Emilio Morenatti
TIN LIÊN QUAN
Có khoảng 5,4 triệu cử tri có thể tham gia vào cuộc bỏ phiếu lần này (nếu tính cả những thanh niên 16 tuổi và cả những người nước ngoài sinh sống tại Catalan). Những người Catalan ở nước ngoài như New York, Paris, Sydney… cũng có thể đi bỏ phiếu. Từ lâu, Catalan vẫn được biết đến như là một vùng đất giàu có nằm ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân.

Thị trưởng Catalan – ông Artur Mas vẫn tổ chức cuộc bầu cử bất chấp 2 quyết định yêu cầu đình chỉ cuộc bầu cử từ Tòa án Hiến pháp theo như yêu cầu của chính quyền Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng, mọi người dân Tây Ban Nha đều có quyền quyết định về tương lai của xứ Catalan. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Tây Ban Nha – ông Rafael Catala tuyên bố, cuộc bầu cử hôm Chủ nhật do lực lượng ủng hộ việc độc lập chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý và không có bất kỳ giá trị nào. Chính quyền Tây Ban Nha nói rằng, “trong vài ngày tới” các công tố viên sẽ quyết định xem liệu những hành động của người đứng đầu Catalan có thể bị “khởi kiện” theo “trách nhiệm hình sự” hay không.

Sau cuộc bầu cử, Thị trưởng Mas yêu cầu tất cả mọi người công nhận trường hợp của xứ Catalan đồng thời thuyết phục chính quyền Madrid chấp nhận cho Catalan tổ chức một cuộc trưng cầu thực sự để quyết định tương lai cho khu vực này. Hôm Chủ nhật, song song với việc bầu cử, các cử tri trước khi rời khỏi địa điểm bỏ phiếu đã ký tên kiến nghị với Liên Hợp quốc và Ủy ban châu Âu tố cáo về việc các quyền công dân của mình bị vi phạm. Mà cụ thể là họ đã bị vi phạm quyền tự quyết về tương lai chính trị của mình.

Chu Thanh 

(Theo LeMonde 10/11)