Sau thời kỳ bùng nổ (khoảng 5 năm, từ 2012-2016), truyền hình thực tế (THTT), game show ca nhạc trên sóng giờ vàng cuối tuần VTV đã thực sự bước vào thời kỳ bão hòa, thậm chí bị cho là đang chết dần.
Nhiều chương trình như Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, Nhân tố bí ẩn,... đã không còn được tổ chức. Trong khi những chương trình lên sóng trong năm nay như Giọng hát Việt, Sing My Song, Gương mặt thân quen... đều giảm về rating và giá quảng cáo.
Ngoài ra, hiệu ứng truyền thông của các chương trình cũng giảm mạnh. Các quán quân đã không còn nổi lên như "hiện tượng". Thay vào đó, họ gần như đều mờ nhạt và gây tranh cãi về trình độ như trường hợp Ngọc Ánh (Giọng hát Việt 2018) và Tùng Dương (The Debut 2018).
Truyền hình thực tế, game show ca nhạc từng "làm mưa làm gió" trên sóng truyền hình, là bệ phóng của nhiều ca sĩ nổi tiếng, nhưng đến năm 2018, đã thực sự rơi vào bi kịch. Nguyên nhân đến từ đâu?
Bi kịch thí sinh: "Một muỗng bột làm 10 cái bánh"
Theo ca sĩ Thu Phương, một trong những bi kịch của THTT về âm nhạc hiện nay là khan hiếm thí sinh. Thí sinh đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn của các chương trình. Đó là lý do những game show ca nhạc gần đây không có quán quân xuất chúng.
Là huấn luyện viên của Giọng hát Việt 2018, nữ ca sĩ lấy dẫn chứng ngay ở cuộc thi mà mình làm giám khảo. Theo Thu Phương, Giọng hát Việt năm nay không ai có khả năng thực sự nổi bật, có tố chất ngôi sao, bao gồm cả người chiến thắng của đội Noo Phước Thịnh đến các thí sinh đội khác.
"Một muỗng bột chỉ để làm một chiếc bánh nhưng bây giờ làm 10 cái bánh thì không thể đủ được", Thu Phương so sánh.
Không khó để nhận ra khoảng 2 năm nay, các quán quân của game show âm nhạc mờ nhạt, thậm chí khán giả không thể nhớ nổi. Thực trạng này khác hẳn với 4-5 năm về trước, khi ngay từ những vòng đầu tiên, nhiều gương mặt thí sinh đã gây bão như hiện tượng.
Giọng hát Việt 2018 đã không thể có được những thí sinh chất lượng như Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đức Phúc, Hoàng Tôn, Vũ Cát Tường... của những mùa trước. Sing My Song năm nay cũng không xuất hiện những hiện tượng lạ như Lê Thiện Hiếu, Cao Bá Hưng... Trong khi đó, Gương mặt thân quen kết thúc một mùa nhạt nhòa, không thể có Hoài Lâm hay Khởi My thứ hai.
"Có bột mới gột nên hồ", những chương trình với dàn thí sinh sàn sàn nhau, kém chất lượng, không có người nổi bật, bị cho là nguyên nhân đầu tiên khiến các cuộc thi trên sóng truyền hình kém sức hút.
Bi kịch giám khảo: Hết nạc vạc đến xương
Sóng giờ vàng cuối tuần trên truyền hình là một "cuộc chiến" về rating. Để có được ưu thế trong "cuộc chiến" và giúp chương trình của mình gây được chú ý, các đơn vị tổ chức sẵn sàng chi tiền "khủng" để mời những gương mặt giải trí, ngôi sao ăn khách với đủ vai trò, từ giám khảo, huấn luyện viên đến MC và thí sinh.
Những nghệ sĩ từng rất được săn đón trên ghế giám khảo có thể kể đến Siu Black (Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo), Đàm Vĩnh Hưng (Giọng hát Việt, Nhân tố Bí ẩn), Mỹ Tâm (Vietnam Idol, Giọng hát Việt), Mỹ Linh (Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen, Ban nhạc Việt), Thu Minh (Giọng hát Việt, Vietnam Idol), Hồ Ngọc Hà (Giọng hát Việt, Nhân tố Bí ẩn),...
Thời gian đầu, những giám khảo kể trên có sức hấp dẫn lớn trên ghế nóng vì sự mới mẻ và duyên dáng. Với lượng fan hùng hậu, họ cũng giúp chương trình được quan tâm hơn.
Nhưng khi một nghệ sĩ liên tiếp xuất hiện với vai trò giám khảo, lại ở những cuộc thi khác nhau, sự duyên dáng bắt đầu giảm đi. Để tránh nhàm chán, các đơn vị sản xuất bắt đầu mới cả những ca sĩ trẻ cho vai trò giám khảo. Và đây cũng là một trong những bi kịch của game show truyền hình.
Thực tế, các giám khảo trẻ, nhiều fan như Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên cũng đã không kéo lại được sức nóng của Giọng hát Việt. Tương tự, Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc, Hương Tràm cũng đã không thể làm The Debut gây bão được như kỳ vọng của nhà tổ chức.
Ca sĩ Thu Phương đồng tình với nhận định không chỉ thí sinh mà cả giám khảo, cố vấn cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu quá lớn của truyền hình thực tế.
Nữ ca sĩ cũng dẫn chứng về việc bản thân có xem một chương trình mà các huấn luyện viên còn rất trẻ, và thiếu rất nhiều kinh nghiệm. Và chương trình sau đó cũng không đạt được như kỳ vọng của người xem.
"Tôi không biết là các huấn luyện viên, cố vấn như vậy có rút được kinh nghiệm gì sau mỗi chương trình hay không. Tôi nghĩ mọi người phải kiên nhẫn để chờ đợi những tài năng thực sự, và chương trình hay thực sự trong bối cảnh bão hòa như hiện nay", nữ huấn luyện viên Giọng hát Việt 2018 nhấn mạnh.
Ngoài việc mời giám khảo trẻ, một vài chương trình lại đổi mới bằng cách thay toàn bộ dàn giám khảo, Gương mặt thân quen 2018 là một ví dụ. Nhưng đáng tiếc, 3 giám khảo mới chẳng những không hấp dẫn hơn mà còn nhận phản ứng trái chiều từ khán giả.
Kim Oanh trên ghế nóng Gương mặt thân quen đã bị người xem phản ứng gay gắt vì nhận xét vừa thiếu chuyên môn, vừa dùng những từ ngữ "đao to búa lớn". Bộ ba giám khảo cũng tỏ ra thiếu đoàn kết khi thường xuyên bất đồng, mâu thuẫn với nhau.
Bi kịch nhà sản xuất: Không cứu được sự bão hòa
Không khó để nhận ra nỗ lực của các nhà sản xuất trong mục đích tạo nên một chương trình hấp dẫn, có rating cao, được săn đón quảng cáo. Nhưng không phải hướng đi nào của họ cũng đúng.
Theo ông bầu Dũng Taylor, ở bên Mỹ, game show ca nhạc không rơi vào bi kịch bão hòa, thậm chí "chết dần" trên sóng truyền hình như ở Việt Nam. Bằng chứng là nhiều chương trình có thể tồn tại tới hơn 10 mùa, như The Voice US là mùa thứ 14 vào năm 2018.
Là người quan sát ở cả hai thị trường, ông bầu Dũng Taylor cho rằng ở Việt Nam, các đơn vị sản xuất đang lấy yếu tố giám khảo để thu hút người xem nên thường xuyên đổi giám khảo, mời người trẻ ngồi ghế nóng. Nhưng ở Mỹ, các chương trình luôn hấp dẫn bằng format kiên định, và rất ít khi thay giám khảo.
"Như ở The Voice, luôn có Adam Levine và Blake Shelton. Các ghế còn lại thường là vị trí khách mời để đổi màu sắc, giúp thí sinh tăng sự lựa chọn. Nhưng khi nhắc đến The Voice là nhắc đến Adam Levine và Blake Shelton như những biểu tượng", ông bầu cho hay.
Trong quan điểm của ông bầu Dũng Taylor, các nhà sản xuất cần phải có lập trường rõ ràng, thay vì "nay làm rượu vang, nhưng ngày mai thấy mọi người có vẻ thích bia lại chuyển sang bia".
"Điều ấy không ổn. Làm game show cần phải có lập trường. Tôi từng nói chuyện với người bạn Hà Lan, người đã bán bản quyền The Voice cho Việt Nam, anh ấy bảo cũng không hiểu format The Voice ở Việt Nam là như thế nào. Vì không có lập trường nên sức hút của truyền hình thực tế ở Việt Nam mới càng ngày càng giảm", ông bầu Dũng Taylor nhấn mạnh.
Trong khi ông bầu Dũng Taylor nhấn vào yếu tố "lập trường" của nhà sản xuất, nhạc sĩ Huy Tuấn lại cho rằng thực trạng bão hòa xuất phát từ "sự nhàng nhàng", giống nhau của các cuộc thi. Việc sản xuất quá nhiều, không kỹ lưỡng, không chỉn chu, không có người làm nhạc tốt cũng khiến các chương trình kém sức hút.
Rõ ràng, không chỉ thí sinh hay giám khảo, hiện nay bài hát để thí sinh thể hiện cũng khan hiếm, cách phối khí trong những phần thi cũng lặp lại, không có nhiều mới mẻ. Những màn biểu diễn ấn tượng, hoành tráng, được đầu tư công phu cũng xuất hiện ngày một ít.
Với những bi kịch đó, việc THTT, game show ca nhạc bão hòa trên sóng VTV bị cho là tất yếu.