Cách đây 5 năm, chị Đồng Thị Diễn ở thôn A Lễ, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là một cô công nhân cần mẫn của khu công nghiệp. Ngày ngày đi làm, cuối tháng lĩnh lương ba cọc, ba đồng, không đủ tiền mua sữa cho con. Suốt mấy năm miệt mài đi làm thuê như thế khiến Diễn mệt mỏi và có suy nghĩ khác, mình không thể đi làm thuê thế này đến già được.
Đàn lợn rừng của cô chủ trẻ Đồng Thị Diễn.
Khi đó, Diễn đã lập gia đình. Diễn đã bàn với chồng là về nhà khởi nghiệp bằng cách chăn nuôi. Nghe vợ nói vậy, chồng Diễn mắt tròn, mắt dẹt, không tin vợ mình có thể làm được công việc đó. Và tất nhiên khi đó, ông xã sợ vợ vất vả nên không ủng hộ vợ cho lắm. "Em thì lại nghĩ khác, em đã lên mạng tìm hiểu thông tin. Và cuối cùng em quyết định chọn lĩnh vực chăn nuôi con đặc sản, cụ thể là con lợn rừng", Diễn chia sẻ.
Diễn đã tận dụng mảnh vườn sau nhà để nuôi lợn rừng. Có những lúc đàn lợn lên đến 300 con.
Năm 2014, cô công nhân xinh xắn của thôn A Lễ đã bỏ việc về nhà nuôi lợn. Chưa có vốn, Diễn chọn nuôi 3 con vật: Gà thả vườn, lợn rừng và đàn bò 3 con. Suốt năm đầu, Diễn theo dõi và tính toán, con lợn rừng mang lại lợi nhuận cao hơn cả. Hơn nữa, nuôi lợn rừng lại tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương. Giá lợn lại cao, trên 100.000 đồng/kg. Theo tính toán của Diễn, 1 con lợn rừng ăn hết 3.000 đồng thức ăn/1 ngày. Nuôi cả năm, khi bán lợn rừng, trừ chi phí đi vẫn lãi tiền triệu ngon ơ.
Một năm, hai năm trôi qua, Diễn đã chuyển hẳn sang nuôi lợn rừng. Các kỹ thuật nuôi lợn rừng, làm chuồng trại, Diễn đều tự học trên mạng Internet, mạng xã hội. Lợn rừng đến kỳ xuất bán, Diễn cũng tung lên mạng xã hội để bán. Không ngờ cách làm này đã giúp Diễn thành công ngoài mong đợi. Khách hàng ở khắp mọi nơi đặt hàng tơi tới. Từ vài con lợn ban đầu, có lúc đàn lợn rừng lên đến 300 con. Không dừng lại ở quy mô của gia đình Diễn còn liên kết với các hộ xung quanh, Diễn cung cấp giống và lo đầu ra.
Chị Diễn đã mạnh dạn bỏ làm công nhân về nhà nuôi lợn. Giờ mỗi năm cơ sở chăn nuôi của chị Diễn cho thu lãi cả trăm triệu đồng.
Phương thức liên kết này đã giúp Diễn có đủ nguồn hàng để cung cấp cho khách. "Đến giờ, chẳng lúc nào em có đủ lợn để bán. Em vẫn mong muốn tiếp tục mở rộng liên kết để chăn nuôi. So với các con vật khác, nuôi lợn rừng nhàn nhất, nó hầu như không có bệnh, đầu ra lại rộng mở", chị Diễn chia sẻ.