Khi Ấn Độ và Trung Quốc kỷ niệm 70 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào tháng này, những nghi thức chính trị thông thường đã được đôi bên trao đổi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind vì “sự phát triển phi thường” mà 2 quốc gia đã đạt được kể từ thời điểm Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên không nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa công nhận Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông năm 1950.
Cơn giận dữ ở phương Tây
Sự nồng ấm và thân mật này xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm Ấn Độ hết sức thành công của mình - có thể khác thường trong mắt một số người. Nhưng nếu nhìn kỹ phía sau những lời lẽ ngoại giao dễ chịu ấy, có thể thấy việc ông Tập đề cập đến “một điểm khởi đầu mới” có khả năng ngụ ý một kế hoạch hậu dịch Covid-19 đối với chính quyền được tiếng “nhìn xa trông rộng” tại Bắc Kinh.
Virus Corona đến nay đã lây nhiễm cho hơn 1,4 triệu người trên khắp thế giới và khiến hơn 82.000 người tử vong. Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích là có lỗi, cho rằng ban đầu Bắc Kinh đã xem nhẹ mối đe dọa này, cũng như cáo buộc họ không tuân thủ Các quy định y tế quốc tế 2005 và thông báo cho thế giới khi dịch bùng phát. Đến nay, các luật sư và nhà hoạt động đã kiện Trung Quốc lên các tòa án tại Mỹ, và một luật sư có quan điểm bảo thủ tại Texas đã yêu cầu nước này phải bồi thường 20 nghìn tỷ USD.
Dù vụ kiện tại Texas có lẽ cũng chỉ thành công tới mức chiếm trọn các tít báo, thì trật tự thế giới hậu Covid-19 lại có khả năng chứng kiến Trung Quốc bị phương Tây cô lập. Lấy ví dụ, những đồn đãi xuất phát từ bên trong Phố Downing tại London cho thấy, có thể chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson sẽ đối xử với Trung Quốc như thể một “quốc gia bị ruồng bỏ” khi đại dịch lắng xuống.
Hơn hết, các tuyên bố công khai của Tổng thống Trump gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc” đã chọc giận Bắc Kinh. Giới ngoại giao Trung Quốc kể từ đó đã dẫn dắt một chiến dịch trên toàn thế giới nhằm thuyết phục nhiều chính phủ không sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc”.
New Delhi đã áp dụng một đường hướng cân bằng hơn trước thách thức từ đại dịch và đã tìm cách cộng tác với Trung Quốc. Trong một cuộc điện đàm hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói với New Delhi rằng “Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp sự hỗ trợ trong khả năng và mở kênh mua bán với Ấn Độ”. Thực tế, Ấn Độ nằm trong số những quốc gia đầu tiên nhận được nguồn cung cấp y tế thiết yếu từ Trung Quốc, bao gồm các thiết bị bảo hộ, khẩu trang và máy trợ thở.
Quan hệ trúc trắc
Những diễn biến nói trên tương phản mạnh với lịch sử bất đồng giữa 2 nước. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ có diện tích tương đương với Thụy Sỹ nằm trong Kashmir, nơi mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Một trnah chấp biên giới tại dãy Himalaya đã bùng phát thành chiến tranh năm 1962, và kể từ đó những cuộc giao tranh dọc biên giới đã diễn ra trong nhiều thập niên.
Mới đây hơn, năm 2017, các lực lượng vũ trang của Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu 75 ngày trong cuộc khủng hoảng Doklam.
Tuy nhiên, các quan hệ song phương kể từ đó dần ổn định, với 2 hội nghị thượng đỉnh phi chính thức thành công được tổ chức giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vũ Hán và Mamallapuram vào năm 2018 và 2019, khi 2 bên chọn bỏ qua các vấn đề gây tranh cãi, thay vào đó tập trung tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Song, sự đối đầu của Trung Quốc với Ấn Độ trên trường quốc tế vẫn tiếp diễn. Chẳng hạn, những nỗ lực của New Delhi nhằm có được sự ủng hộ của Trung Quốc để tham gia Nhóm Các nhà cung cấp Hạt nhân (NSG), và bắt phần tử thánh chiến Pakistan Masood Azhar bị Liên hợp quốc xác định là phần tử khủng bố đã không nhận được sự quan tâm của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng gọi việc New Delhi quyết định rút quyền tự trị của Kashmir hồi năm ngoái là “không thể chấp nhận được”, và công khai ủng hộ Pakistan trong tranh chấp này.
Trật tự thế giới hậu Covid-19
Dù vậy thì hiện nay, tình hình có thể thay đổi. Chỉ mới tuần trước thôi, trong một động thái khác hẳn với lập trường trước đó, Trung Quốc - trên vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - đã phớt lờ đề nghị từ Pakistan “khẩn cấp xem xét” điều mà nước này gọi là “những diễn biến nghiêm trọng tại Jammu và Kashmir” do Chính phủ Ấn Độ gây ra. Với những nhà quan sát sát sắc sảo, việc Trung Quốc không có động thái gì nói lên nhiều điều, và phát tín hiệu rằng những bất đồng trước đây sẽ không cản đường khôi phục các quan hệ song phương.
Dĩ nhiên, Bắc Kinh đang nhìn về tương lai từ góc độ có lợi cho họ. Sản lượng công nghiệp tại quốc gia này đã giảm 21% và các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong quý này sẽ giảm một nửa. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đã chững lại hơn 1 năm, nhưng cú sốc do Covid-19 có thể khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm đồng minh để tiến bước.
Đại dịch đang diễn ra dự kiến sẽ có tác động lớn, và thế giới hậu Covid-19 sẽ thức tỉnh trước viễn cảnh các đồng minh chia rẽ còn EU và Mỹ bị suy yếu về kinh tế. Thực tế, tất cả các nền kinh tế lớn ngoại trừ Ấn Độ và Trung Quốc đều dự báo sẽ bước vào suy thoái sâu.
Đối với Trung Quốc, hiện đang đối mặt với thái độ thù địch từ phương Tây, việc cài đặt lại các quan hệ với Ấn Độ có thể là phương án có lợi nhất trong trật tự thế giới hậu Covid-19.