(Baonghean.vn) - Mấy ngày nghỉ lễ, anh bạn công tác ở Hà Nội về quê mời mấy anh em thân thiết gặp nhau chuyện trò, “chén tạc chén thù” tý chút. Không hiểu sao, chuyện xa chuyện gần cuối cùng cũng nhóm về chuyện con cái tốt nghiệp về đâu là tốt nhất, hay nhất trong thời buổi khó khăn này?Ông A, con du học về, đang ở Hà Nội làm ăn đợt này cũng “quyết” về Vinh đấy. Ông B cũng thế, đưa con về gần nhà tiện nơi ăn, chốn ở, khỏi phải thuê mượn tiền triệu, chục triệu hàng tháng. Bố mẹ lại tiện việc chăm lo, chấm dứt luôn cảnh… gửi tiền, gửi cá thu qua xe khách Văn Minh mỗi tháng mấy bận.Ấy là chưa kể lúc cha già mẹ yếu, con cái ở ngoài đó, bất tiện đủ đường. Tóm lại, giờ “hội nhập”, đâu chả giống đâu, điện thoại, tivi , mạng… có cả, việc gì lại chen lấn, bụi bặm, ồn ã, tắc đường hàng tiếng đồng hồ giờ đi làm cũng như giờ tan tầm người xe như nêm như chêm ấy? Phố quê ta rộng thênh thang mười mấy thước, ô tô xịch mô cũng được, ăn uống, cà phê muốn nơi nào thì có nơi đó, cớ sao không chọn mà lại cứ “rúc” vào nơi đông đúc, ló ra khỏi ngõ là lúc nào cũng có nguy cơ bị “toét” rồi khúm múm “em ở quê ra, cho em xin?”Ông bạn từ Hà Nội về im lặng, thỉnh thoảng lại gật gật “đúng, đúng” rồi cuối buổi cũng lên tiếng. Rằng, không ở đâu tốt bằng quê hương mình cả. Không bao giờ có chuyện cục bộ địa phương, không bao giờ có chuyện bạn bè hẹn nhau mà đến chậm cả giờ đồng hồ vì kẹt xe hay đủ thứ lý do muôn thuở của cái bệnh “giờ cao su” biết nhưng chữa mãi không lành… Nhiều nhiều thứ ưu trội lắm, có thể kể cả ngày, đánh máy hàng mấy trang A4 …Kể chuyện này là đủ biết, đến vị giáo sư nổi tiếng thế giới nọ, đi đây đi đó, cả nhà sống nước ngoài, vậy mà cuối đời con cái cũng đưa hài cốt vị ấy về quê. Xóm tôi cũng vừa có mấy bác về mua đất làm nhà sau mấy chục năm đằng đẵng đi xa . Ông cụ nhà kia, năm trước con trai về sửa nhà, lắp cửa, bỗng khỏe hẳn ra đi đâu cũng khoe “Anh Cả nhà tôi về hưu là dọn về quê hết. Nước chát, đánh cờ, đọc báo… quên ăn, quên ngủ chứ à…”Nhưng thú thật, thời buổi này thì ta cứ phải là “đất lành, chim đậu”, ở đâu phù hợp thì cống hiến, phát triển. Như tôi đây, quê và phố đều đã từng sống và làm việc, thành công cũng có mà thất bại cũng từng, nên vô cùng thấm thía. Sẽ có người đi ra và có người trở về, như dòng chảy tự nhiên, như lựa chọn tự nhiên. Nếu được đặt đúng chỗ và tạo cơ hội thì ở đâu cũng có thể thành công và ngược lại…“Gà cỏ trở mỏ về rừng”, các cụ nói cấm có sai bao giờ - bỗng bà chủ nhà quệt mồ hôi trán hồ hởi nói cắt ngang câu chuyện -  Các ông có vào mâm nhanh kẻo nguội hết cơm canh không nào. Đi đâu về đâu thì cũng cứ phải lo nồi cơm này cho thật đầy, cuối cùng rồi cũng chống gậy về quê cả…

Phú Châu