Đó chính là một sự tưởng thưởng xứng đáng, một kết thúc có hậu cho Ricardinho và đồng đội tại ĐT Bồ Đào Nha, khi người đội trưởng tài năng và mẫu mực này đã cống hiến không mệt mỏi cho đội tuyển áo màu bã trầu trong nhiều năm qua và thực sự là người truyền cảm hứng cho đồng đội, cho futsal, bất chấp thời gian và tuổi tác bào mòn…
Nhiều người nói ĐT Bồ Đào Nha tại giải này vừa hay lại vừa may nên hoàn toàn xứng đáng với chức vô địch. Trong khi đó, người có trách nhiệm cao nhất của futsal Việt là ông Trần Anh Tú lại xác định “mô hình” mà chúng ta cần học hỏi nhất là Argentina. Đó là học cách dũng cảm trao trọng trách cho HLV nội, kể cả khi họ còn rất trẻ; là tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh tập thể và kỷ luật chiến thuật khi đội tuyển không có ngôi sao nổi trội…
Thử nói rộng ra, ở nhiều góc độ khác nhau, việc ĐT Việt Nam lần thứ 2 tham dự World Cup rõ ràng đã “tự học” được nhiều kinh nghiệm quý báu không dễ gì có được, từ thất bại và thành công, dù nhỏ. Nhưng tất nhiên, như thế là không đủ, nếu chúng ta hy vọng về một bước phát triển mới của futsal Việt.
Thực tiễn cho thấy, futsal vẫn là sân chơi phù hợp và tỏa sáng của nhiều tuyển thủ lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm như Falcao (Brazil) trước đây, hay Ricardinho (Bồ Đào Nha) hiện nay. ĐT Việt Nam kỳ trước có sự tham dự của Bảo Quân, người anh cả, nhưng rồi anh sớm nhường bước cho đàn em. Điều này mở ra một khả năng là ĐT Việt Nam bên cạnh trẻ hóa lực lượng vẫn nên duy trì những cầu thủ từng chơi ở những giải đấu lớn, liên tục giữ vững phong độ và khát khao cống hiến, bất chấp thời gian, năm tháng.
Thành công của ĐT Nga, ĐT Kazakhstan hay ĐT Nhật Bản... có dấu ấn quan trọng của dàn ngoại binh nhập tịch người Brazil. ĐT Việt Nam hẳn không quên bàn thắng phá vỡ thế bế tắc của ĐT Nga ở vòng 1/8 do công của Robinho-tuyển thủ gốc Brazil, để biết năng lực vượt trội của họ là như thế nào dù ĐT Việt Nam thời điểm đó tổ chức phòng ngự không chê vào đâu được.
Nhưng cũng đừng bao giờ quên một chân lý trong bóng đá: cầu thủ ngôi sao khi đứng trước chấm phạt 11m hay 5m xử lý hỏng ăn là chuyện không mới và với các ngôi sao Brazil cũng không là chuyện lạ. Ở Futsal World Cup lần này, ngôi sao ĐT Nga gốc Brazil là Romulo sút hỏng quả đá luân lưu 5m khiến đội này bị loại từ tứ kết trước đối thủ Argentina. Hay một ngôi sao Brazil chơi rất hay, rất cống hiến trong ĐT Kazakhstan là Douglas cũng sút hỏng phạt đền trong trận bán kết gặp ĐT Bồ Đào Nha...là những minh chứng cụ thể về tính “2 mặt” thống nhất trong mỗi tuyển thủ ngôi sao nhập tịch.
ĐT Việt Nam lâu nay có thể tính đến chuyện chỉ gọi những cầu thủ gốc Việt sinh ra, lớn lên và thi đấu ở nước ngoài lên tuyển như Văn Lâm, cho phép nhiều CLB chiêu mộ và nhập tịch, nhưng việc gọi lên tuyển các ngôi sao nhập tịch hầu như không được đặt ra? Đây là câu chuyện không mới trong làng bóng đá thế giới, kể cả futsal nhưng đối với Việt Nam vẫn cứ phải nhìn trước, ngó sau theo phương châm tự lực, tự cường là chính. Đến như Italia lừng danh cũng nhập tịch “nguyên bộ” Brazil với 6 cầu thủ; Nga từ việc nhập tịch mà đưa futsal vô địch Châu Âu, á quân thế giới; Nhật Bản nhập tịch cầu thủ Brazil cả bóng đá 11 người lẫn hơn nửa đội hình futsal để trở thành “ông kẹ” châu lục và làm tiền đề cho futsal Nhật phát triển như hiện nay...
Sở dĩ phải nhắc đến chuyện cầu thủ nhập tịch là bởi kỹ năng tuyệt hảo của futsal chỉ người Brazil mới có, là món hàng “xuất khẩu” giá trị cao từ quê hương của vũ điệu Samba mê đắm. Dù rất tiến bộ, rất đáng khen thì vẫn không thể nói các tuyển thủ futsal Việt đã học được những gì sau khi đối đầu với người Brazil mới đây với thất bại áp đảo (1-9). Chỉ nói riêng “bài khó” là kỹ năng chơi quay lưng về khung thành đối phương, dùng thể lực để tỳ đè, dùng kỹ thuật để giữ bóng, vê bóng gầm dày, kéo bóng tự tạo ra cơ hội dứt điểm hay chuyền bóng để đồng đội băng lên kết thúc đã là điều ai ai cũng phải...học tập suốt đời từ người Brazil.
Hãy nghe một HLV futsal người Brazil nổi tiếng, ông M. Sorato bộc bạch “Một cầu thủ futsal muốn thành công phải xử lý bóng tốt trong phạm vi hẹp. Anh ấy phải suy nghĩ trong trận đấu và hoàn thiện kỹ năng phòng ngự lẫn tấn công”. Hãy nhớ lại các bàn thắng của futsal Việt tại VCK World Cup lần này (Đình Hùng, Văn Hiếu, Đức Hòa, Đắc Huy, Đoàn Phát...), hãy xem cung cách tổ chức phòng ngự và phản công của đội tuyển...để biết chúng ta đã tiến bộ và đang ở đâu, cần phải làm những gì để tiếp tục đi ra chinh phục những cột mốc mới ở phía trước?
Vậy nên, futsal Việt học “bài khó” từ Argentina hay Brazil là câu hỏi không dễ trả lời, nếu không muốn nói rằng, mọi tinh túy của thế giới đều phải học, học được ai nhiều, ai ít mà thôi!