Đã trở thành điểm hẹn giao lưu văn hóa quen thuộc, Festival Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ tư sẽ tiếp tục được tổ chức tại Việt Nam sau ba năm thành công liên tiếp (2009, 2010, 2011).
 
Sau mỗi năm tổ chức, quy mô của Festival lại tăng thêm nhờ số lượng các nước thành viên tham gia ngày càng đông.
 
Vì thế, Trưởng đại diện Wallonie- Bruxelles tại Việt Nam ông Franck Pezza hóm hỉnh đánh giá: “Tôi nghĩ rằng Liên hoan phim Tài liệu của chúng tôi đã không còn là một ‘đứa trẻ’ nữa mà đã lớn lên thành một ‘người đàn ông’ trưởng thành. Qua bốn lần tổ chức, từ bốn quốc gia nay festival đã quy tụ 10 quốc gia.”
 
Theo đó, năm nay, chín quốc gia châu Âu (so với bảy nước năm 2011) là Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Wallonie-Bruxelles (Bỉ) cùng chung tay với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam tổ chức festival lần này.

                       Cảnh phim "Tiếng gọi từ bầy linh trưởng" 
 
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 8-17/6 tại Hà Nội và lần đầu tiên được mang đến Đà Nẵng từ ngày 15-24/6.
 
Điểm mới của Festival năm nay so với những lần trước là sẽ có “Một ngày dành cho nhà làm phim trẻ Việt Nam.”
 
Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương bà Phạm Thị Tuyết cho biết, chín phim châu Âu và 14 phim Việt Nam đã qua kiểm duyệt sẽ được trình chiếu trong khuôn khổ Festival.
 
Mỗi tối, một bộ phim tài liệu châu Âu và một bộ phim tài liệu Việt Nam cùng đề tài sẽ được giới thiệu tới khán giả.
 
Bà Tuyết cho hay, các phim có độ dài từ chưa đầy 3 phút đến 35 phút xoay quanh các đề tài các vấn đề xã hội, môi trường, khám phá, chân dung, kiến trúc, ký ức chiến tranh...
 
Hai bộ phim nói về âm nhạc của Áo và Việt Nam sẽ khai mạc Festival vào tối ngày 8/6 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam.
 
“Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ tư không chỉ là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các nghệ sỹ làm phim tài liệu trong nước và quốc tế mà còn là cơ hội cho công chúng yêu điện ảnh được thưởng thức những tác phẩm phim tài liệu đặc sắc,” bà Tuyết nói.
 
Giám đốc Viện Goethe, bà Almuth Meyer-Zollitsc, cũng khẳng định thêm: “Bằng việc chọn lựa rất đa dạng về đề tài phim, trên nguyên tắc như cuộc đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam, ban tổ chức mong muốn giới thiệu tới công chúng yêu điện ảnh tài liệu Việt Nam và quốc tế sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu đang phát triển rực rỡ từ nhiều năm nay.”
 
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của Hội các Tổ chức Văn hóa châu Âu (EUNIC) tại Hà Nội, mở cửa tự do với công chúng.

Theo (Vietnamplus.vn)-L.T