Có vẻ như từ khi đại dịch Covid – 19 hoành hành thì dư địa của tin đồn càng được mở rộng. Trong vòng vài năm lại nay chỉ riêng tiền phạt cho loại hình fake news có lẽ đã lên đến hàng chục tỷ, một con số kỷ lục buồn. Điều đáng tiếc là việc phạt, việc công khai “bêu tên” người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng cũng chưa thể “hạ nốc ao” vấn nạn này. Bằng chứng là mỗi ngày mới mở mắt lên mạng lại có thể vấp ngay tin đồn.
Câu chuyện "Thành phố Vinh áp dụng chỉ thị 16+" hôm qua là một ví dụ về cái độ thính của “khứu giác”, ai đó còn “ngửi” được cả mùi phong tỏa. Một bộ phận nhân dân mình cũng lạ, có vẻ càng sợ lại càng liều lĩnh. Nhìn chị em “bỉm sữa” chạy nháo nhào mua đồ tích trữ cảm giác như ngày tận thế đã được thượng đế đưa vào lịch cứng rồi không bằng. Chả vòng vo, lời đồn “16+” đã thúc chính diện vào “dây thần kinh mua sắm” của một bộ phận khá đồ sộ.
Chợ nhộn nhịp người. Ai đó mỉa mai ca thán “Công nhận, khi cần chen lấn thì người Việt "không ai bị bỏ lại phía sau". Như cơn háu đói của tò mò, như cuộc ra mặt của nhu cầu chứng minh độ thức thời. Tin nhắn "nội bộ" mà len lỏi mọi ngóc mạng. Điện thoại dồn dập, tới tấp, nóng ran, đại loại như: "Mua được chi chưa? Ha? Không biết mai áp dụng 16 pờ lớt thật a? Ngất". "Mự Y ơi, có vịt để em 5 con, cả ngan với lươn nữa, mai 16 + rồi". "H à, tớ thiếu rau, mới được 5 bó muống". "Dì mua xuyên tâm liên với hạ sốt chưa? Mua đi, mua đi, mua đi". Điện thoại vẫn “nhao nhác chim muông”.
Mở mạng thì thấy vẫn nguyên cái "16+" cop đi cop lại ấy. Chỗ nào cũng thậm thụt như thể đây là thông tin quý giá rò rỉ từ 1 chiếc ngăn kéo quyền lực nào đó. Lố thế, lấy đâu ra! Khổ, thông tin đôi khi chỉ hấp dẫn dưới dạng “lấp ló”, chứ mỗi khi công khai đến tận nhà thì sự quan tâm không được đưa vào danh mục ưu tiên nữa. Nhìn ra đường dòng người vẫn hớt hải chạy đua với “16 pờ lớt”. Bên ngoài điện thoại vẫn chí chóe "Gà trống 300 ngàn 1 con à, ha lên 3 trăm rưởi rồi a?". Bệnh hóng hớt lời đồn đã thành mãn tính. Ai cũng cố chia thông tin thật nhanh để chứng tỏ mình thuộc bậc anh chị trước những kênh quan hệ cũng anh chị.
Những năm gần đây thiên hạ buộc phải quen với vấn nạn tin đồn. Thôi thì hãy cố gắng đừng để bị nó lộng hành và làm điên đảo. Fake news chưa hết đất sống, và rất có thể nó vĩnh viễn tồn tại như một thể “cúm mùa” nếu khi chúng ta còn dễ bị “lừa”. Xã hội cần hình thành kháng thể và ở một mức độ nào đó thì phải “miễn dịch cộng đồng” với vấn nạn này. Tin giả lấy mạng xã hội làm đất sống, thì chính tin giả cũng có thể bị mạng xã hội tẩy chay và triệt tiêu.
Người dân TP. Vinh nháo nhào mua hàng do tin đồn thất thiệt
Còn nhớ cách đây vài tháng, khi thành phố Vinh phát hiện ca Covid-19 đầu tiên thì chưa đầy 12 tiếng sau đã xuất hiện thông tin “20 ca rồi”. Để thêm phần hấp dẫn còn có cả đoạn mồi “Đây là thông tin mật từ người nhà bên (...) mới báo về. Chắc chắn nhé, chuẩn bị công bố. Mọi người cẩn thận”. Tuy nhiên, nó chỉ loang trên mạng được vài tiếng đồng hồ thì chết yểu. Người ta lại chuyển qua xì xầm về nghề “tay trái” của nạn nhân, thậm chí còn xuất hiện cả một list “khách hàng thân thiết” nữa. Nó được chia sẻ chóng mặt và rồi nó lại bị chính những người chia sẻ “an táng” ngay sau đó. Cách đây vài năm lại có cả câu chuyện về ngày tận thế nữa. Bao nhiêu người sống trong sợ hãi cho đến khi cái gọi là ngày tận thế qua đi không một lời gia hạn, họ mới mếu máo nhận ra mình bị lừa!
Cuộc cách mạng 4.0 đã ghé về tận ngõ. Đã qua rồi cái thời “cấm nghe đài địch”. Giờ thì mở mắt ra là có thể gặp tin đồn. Thuốc bổ ngấm rất lâu còn thuốc độc tác dụng nhanh lắm. Lường trước hiểm nguy cũng là cách cứu chính mình.
Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này thì không ai có thể hóa giải lời đồn nhanh bằng chính chúng ta. Không tạo ra tin đồn cũng không chạy theo nó là bổn phận công dân tại thời điểm này. Mạng xã hội càng ban phát tin đồn thì chúng ta càng phải có bản lĩnh, thế thôi.