Tình huống đặc biệt này xảy ra khi luồng phụt từ động cơ của một chiếc tiêm kích hạm F-14 chuẩn bị cất cánh đã bất ngờ thổi một chiếc F-14 khác suýt rơi xuống biển khi chiếc tiêm kích này đang đậu phía sau chờ xuất phát (ngày 4/8/1995).
Tình huống bất ngờ khiến 2 phi công điều khiển chiếc F-14 phía sau phải bật ghế phóng và nhảy dù khỏi máy bay. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của phi công nhưng tình huống oái oăm này khiến người ta nhớ lại một tai nạn khác cũng do F-14 trên tàu sân bay Mỹ vào ngày 14/9/1976.
Tại thời điểm đó, chiếc F-14 mang số hiệu 159588 đã bất ngờ mất kiểm soát khi đang di chuyển thì bất ngờ lao ra khỏi boong hàng không mẫu hạm USS John F. Kennedy và rơi xuống biển. Rất may mắn trong tình huống này viên phi công đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn.
Theo những thông tin được giới thiệu, F-14 cũng là một trong những dòng chiến đấu cơ sở hữu thiết kế cánh cụp cánh xèo của Quân đội Mỹ được vào trang bị từ năm 1972 để thay thế cho những chiếc F-4 Phantom II đã lỗi thời. Từ đó cho đến khi được nghỉ hưu F-14 là dòng tiêm kích trên hạm chủ lực của Hải quân Mỹ.
Giống như nhiều mẫu tiêm kích trên hạm khác của Mỹ vào thời điểm đó, F-14 có thiết kế hai chỗ ngồi và nó cũng được trang bị hai động cơ phản lực General Electric F110-GE-400 có thể giúp máy bay đạt tốc độ cực đại Mach 2,34 tương đương 2.485km/h.
Với các động cơ General Electric F110-GE-400, F-14 có bán kính chiến đấu hiệu quả 926km với trần bay tối đa 15.200m. Hệ thống động cơ của F-14 từng bị đánh giá là hoạt động không hiệu quả trong giai đoạn đầu nó được đưa vào trang bị với mẫu động cơ Pratt & Whitney TF-30.
Về hệ thống vũ khí, F-14 có thể mang theo tối đa trên 6 tấn vũ khí các loại với 10 giá treo vũ khí ở dưới thân và cánh. Ngoài bom thông dụng và tên lửa không đối không, F-14 cũng là một những chiến đấu cơ đầu tiên của Mỹ được trang bị vũ khí dẫn đường chính xác như Joint Direct Attack Munition (JDAM) hay Paveway.
Có khoảng 700 chiếc F-14 được chế tạo trong giai đoạn từ năm 1969-1991, trong đó biến thể hiện đại nhất là F-14D được Hải quân Mỹ đưa vào trang bị từ năm 1991 với một loạt cải tiến quan trọng giúp nó hoạt động thêm được 15 năm nữa.
Đáng chú ý, đầu năm 1975, tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65) mang theo liên đội hàng không với hai phi đội tiêm kích F-14A (VF-1 và VF-2) hành quân tới vùng biển Việt Nam tham gia "chiến dịch Gió lốc" di tản toàn bộ công dân Mỹ khỏi Sài Gòn vào tháng 4/1975. Đây chính là sứ mệnh đầu tiên của F-14 và cũng là cuối cùng của mẫu máy bay chiến đấu tối tân này ở Việt Nam.
Clip chiếc F-14 thổi bay tiêm kích khác khi chuẩn bị cất cánh. |