Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) được kỳ vọng không chỉ nâng tầm quan hệ kinh tế, chính trị giữa Việt Nam và EU mà còn cho thấy vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Sự thành công trong đàm phán các hiệp định này còn cho thấy hợp tác “cùng thắng” là xu hướng tất yếu và quan trọng nhằm duy trì các mối quan hệ kinh tế, thương mại.

 

image_805253_172019.jpgTừ trái sang, bà Cecilia Malstrom, ông Stefan Radu Oprea và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký hiệp định EVFTA. Ảnh: VGP.
 EVFTA VIỆT NAM - EU: VÌ MỤC TIÊU ĐÔI BÊN CÙNG THẮNG

Sau nhiều năm tiến hành đàm phán và rà soát pháp lý, ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đây là hiệp định tự do “thế hệ mới” với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa; cơ chế thực thi chặt chẽ và  có cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Đây là hiệp định tự do “thế hệ mới” với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa; cơ chế thực thi chặt chẽ và  có cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” .

Việc hai nước ký kết EVFTA là dấu mốc mới nâng tầm quan hệ song phương Việt Nam – EU sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990. Cũng như các hiệp định FTA khác, EVFTA sẽ mang lại lợi thế cho cả Việt Nam và EU trên nhiều khía cạnh. Mặc dù những giá trị thực sự của EVFTA sẽ chỉ nhìn thấy khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực, nghĩa là đã được Quốc hội Việt Nam, quốc hội các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, nhưng kỳ vọng về lợi ích cho cả hai phía đã được tính đến một cách cụ thể. Về kinh tế, theo nhiều nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035. Như vậy, EVFTA và EVIPA mang lại những lợi ích kinh tế rất cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên. 
EU "ĐẶT GẠCH" CHO SỰ HIỆN DIỆN Ở ASEAN
Việc ký kết EVFTA với Việt Nam được phía châu Âu gọi là thông điệp gửi đến thế giới trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang dâng cao. Nói như Thủ tướng Pháp Édouard Philippe trong chuyến thăm đến Hà Nội cuối năm 2018 thì, “bây giờ là thời đại mà các đối tác đáng tin cậy không còn nhiều. Một vài đối tác thậm chí còn hủy hoại các nền tảng đã tạo nên môi trường chính trị và kinh tế, vì thế Việt Nam và Pháp cùng Liên minh châu Âu có lợi ích chung trong việc nuôi dưỡng sự tin cậy của mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời thúc đẩy sự ổn định của môi trường kinh tế”. 
EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành da giày, dệt may Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Sau những hệ lụy của cuộc khủng hoảng nợ công ở “Lục địa già” cách đây 10 năm cùng sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới, các nước EU đứng trước những thách thức khó khăn trong việc kết nối các nền kinh tế, các đối tác truyền thống. Xu hướng tìm kiếm các thị trường mới nổi, các đối tác mới nằm trong ưu tiên của khối này. Ngoài xúc tiến các hoạt động mở rộng thị trường ở châu Phi, Trung Đông, địa chỉ lý tưởng để EU tiến tới là châu Á, cụ thể hơn là Đông Nam Á  - khu vực kinh tế năng động và giàu tiềm năng bậc nhất thế giới. Việc đàm phán EVFTA giữa EU với Việt Nam chính thức cách đây 7 năm được cho là nỗ lực “hành trình về phương Đông” của các doanh nghiệp EU. Và nay, nỗ lực này bước đầu thành công được ví như việc “đặt từng viên gạch một” trong nỗ lực đưa EU hiện diện nhiều hơn trong khu vực ASEAN.
Việt Nam hiện là quốc gia thứ 2 trong ASEAN ký Hiệp định tự do thương mại với EU, sau Singapore, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa EU với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn đang tiếp tục. Phía EU đánh giá cao hai hiệp định ký với Việt Nam lần này và coi đây là bước quan trọng để họ có thể tiến tới một hiệp định chung với toàn khối ASEAN.

 

GIA TĂNG VỊ THẾ VIỆT NAM 

Với Việt Nam, “cái được” sau 7 năm đàm phán EVFTA cho đến nay được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gọi cách Việt Nam vượt thử thách trong đàm phán với EU giống như “vượt vũ môn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani trong chuyến thăm EU vào tháng 10/2018. Ảnh VGP
Bởi Việt Nam từ chỗ chỉ là nước nhận hỗ trợ của EU để phát triển, xóa đói, giảm nghèo và chuyển đổi nền kinh tế thì nay đã đứng ở vị thế “quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi” với EU trong một hiệp định FTA “thế hệ mới”. Điều đó không chỉ cho thấy sự trưởng thành của một nền kinh tế hội nhập của Việt Nam mà chúng ta đã tiến tới những tiêu chuẩn cao của thế giới trong hoạt động thương mại, đầu tư phát triển bền vững.

 Về kinh tế, tất nhiên, khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, các biểu thuế thương mại sẽ nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, từ 0 - 2% tùy nhóm hàng, trong đó có những nhóm hàng giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU, vốn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2018 (sau Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như hàng điện tử, máy tính, giày dép, cà phê, hạt điều, thủy hải sản sẽ có điều kiện mở rộng thị trường.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh
Việc dỡ bỏ thuế quan cũng giúp cho hàng hóa của EU vào Việt Nam dễ dàng hơn. Người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn các sản phẩm chất lượng, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Xét trên phương diện vĩ mô, các hiệp định này giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tận dụng được công nghệ và sự sáng tạo của EU để đa dạng hóa nền kinh tế đồng thời nâng cao hiệu quả cạnh tranh của mình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: EVFTA và EVIPA sẽ thực sự trở thành 2 “tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn nữa EU và VN”.

 

Nếu nhìn rộng hơn, việc Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký FTA với EU cũng khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ là một nền kinh tế năng động, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế với chủ trương ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, theo hướng tự do, có lợi cho thương mại. Sự tham gia của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hiệp định thương mại song phương, đa phương và nay là việc ký kết EVFTA là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế đa phương, mở, dựa trên luật lệ. Cũng từ đây, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ ngày một tăng lên, mở ra cơ hội tiến tới các hiệp định thương mại tự do khác.  

Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm với những thách thức. Các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các sản phẩm nhập khẩu từ EU. Việt Nam sẽ phải có những thay đổi pháp lý để thực hiện những cam kết trong lĩnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, quyền của người lao động, và bảo vệ môi trường. Sẽ là một bất lợi lớn nếu Việt Nam không thực hiện được các cam kết này. Vì thế EVFTA và EVIPA nên được xem như một sự khởi đầu mới đòi hỏi những nỗ lực không ngừng của hai bên để đạt mục tiêu  đôi bên “cùng thắng”