(Baonghean.vn)Thị phần khí đốt của Nga trên thị trường châu Âu đang từng bước gia tăng và chiếm gần 1/3 lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu.

Con số tăng kỷ lục bất chấp những căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU) cũng như mong muốn của khối là muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

BIểu đồ thị phần nhập khẩu khí đốt từ Nga của các nước châu Âu (%). (Nguồn: Gazprom)

Thực tế trên cho thấy đang có sự mâu thuẫn không nhỏ giữa chính sách năng lượng với những tuyên bố về chính trị của giới lãnh đạo châu Âu. EU đã không ít lần tuyên bố muốn giảm thiểu lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga nhưng trên thực tế, lượng nhập khẩu này luôn gia tăng.

Nga đã thỏa mãn được 3 điều kiện không thể thiếu trong ngành năng lượng, đó là: kiểm soát toàn bộ nguồn dự trữ, việc sản xuất dầu mỏ trên toàn quốc; kiểm soát tất cả hệ thống đường ống dẫn dầu trên toàn quốc và tới các nước láng giềng; thiết lập những hợp đồng dài hạn và chắc chắn về cung cấp dầu mỏ cho các nước EU.

Với một hệ thống đường ống dài khoảng 150.000 km, Nga được coi là nước có hệ thống đường ống dài nhất thế giới hiện nay. Có thể nói Nga chi phối hầu như toàn bộ các hệ thống ống dẫn dầu khí của thế giới và phân bố rộng khắp, xuyên suốt lãnh thổ châu Âu. 

Quan trọng nhất phải nói đến hai hệ thống Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2. Chúng quan trọng đến mức ông Putin ví rằng “lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này tương đương với năng lượng của 11 nhà máy điện hạt nhân”.

Hướng đi Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Internet.

Hai dòng chảy này sẽ tạo cho nước Nga lợi thế vô cùng lớn trong cuộc chiến năng lượng. Đó cũng sẽ là biểu tượng cho sự trở lại của Nga trên bàn cờ chính trị châu Âu, làm thay đổi vị thế của nước Nga trong quan hệ với châu Âu.

Cơ quan năng lượng quốc tế IEA đã nhận định: “Năm 2035, Nga sẽ là quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất và là nguồn chính cho sự gia tăng cung cấp khí đốt của thế giới”, và gọi Nga là “nền tảng của hệ thống năng lượng thế giới trong những thập kỷ tới”.

Hiện tập đoàn Gazprom của Nga đã chiếm hơn 3/5 thị trường năng lượng của EU. Xét về mặt địa lý thì Nga cũng gần EU nhất trong tất cả các nguồn cung năng lượng. Việc EU phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp là Nga là điều khó có thể tránh khỏi trong tương lai gần.

Mỹ Nga - Tiến Viễn

(Theo Gazprom)

TIN LIÊN QUAN