"The Theory of Everything," bộ phim về nhà vật lý học Stephen Hawking đã nhận được hàng loạt đề cử tại các giải thưởng danh giá từ Quả Cầu Vàng đến Oscar. 
 
Thành công của bộ phim chính là nhờ một phần rất lớn trong diễn xuất của Eddie Redmayne, người đã hóa thân thành Stephen Hawking trong phim.
 
Với "The Theory of Everything," Eddie Redmayne đã trải qua một quá trình cống hiến, hy sinh hết mình để khắc họa nhà vật lý lý thuyết lừng danh Stephen Hawking cả về ngoại hình lẫn tâm lý.
 
Màn trình diễn này đã đem về cho anh một loạt giải thưởng danh giá trong điện ảnh, gồm BAFTA, Quả Cầu Vàng, giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên và tượng vàng Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. 
 
Redmayne hiện là tài tử trẻ thứ tám từng nhận giải Oscar cho hạng mục này.
 
images1135144_b1.jpg
Bộ phim đã lần theo quá trình suy yếu về thể chất của Hawking từ những ngày đầu khi ông đang là nghiên cứu sinh tại Cambridge. 
 
Tâm điểm của bộ phim là căn bệnh đã ảnh hưởng thế nào đến tình yêu và sau đó là cuộc hôn nhân của ông với bà Jane Hawking (Felicity Jones đóng).
 
Trong một cuộc phỏng vấn với báo BuzzFeed, Redmayne vô cùng hào hứng khi giải thích làm thế nào để anh có thể hoàn thành tốt vai diễn Stephen Hawking, người đã gắn liền với chiếc xe lăn trong phần lớn cuộc đời do một căn bệnh suy nhược nơron thần kinh vận động (ALS) và cơ thể gần như bất động. 
 
Trong suốt bộ phim, những cử động cơ thể và khuôn mặt của anh càng lúc càng hạn chế. 
 
Đến nửa sau phim, khi khắc họa giai đoạn nặng nhất của bệnh, anh chỉ còn diễn bằng đôi mắt.
 
Để chuẩn bị cho vai Stephen Hawking, Redmayne đã giảm 7kg bằng cách nhịn ăn tối, tập vũ đạo với một biên đạo múa và luyện cơ mặt cùng một chuyên gia hình thể cũng như đến thọ giáo một giảng viên vật lý để có thể nói về ngành này một cách lưu loát. 
 
Ngoài ra anh còn dành nhiều thời gian đến gặp mặt các bệnh nhân ALS và tìm hiểu cuộc sống của họ. 
 
Tại đây, Redmayne cũng được chỉ dẫn về sự khác nhau giữa việc tổn thương của các nơron “tầng trên," dẫn tới việc co cứng một vùng nào đó với của nơron “tầng dưới” có tác dụng ngược lại, làm phần cơ thể đó quặt quẹo.
 
Để tiết kiệm chi phí, bộ phim không được quay theo trình tự thời gian. Vì vậy Redmayne đã thu thập tất cả thông tin về các giai đoạn phát bệnh của Hawking vào iPad. 
 
Anh lập ra một danh sách chi tiết cho từng cảnh phim, từng giai đoạn phát bệnh cũng như biến chuyển tâm lý nhân vật.
 
Một trong những phần khó nhất là một hiện tượng có tên “dropped foot," xảy ra khi cổ chân của bệnh nhân suy yếu. 
 
Redmayne nhảy lên ghế để minh họa: “Bạn không hề nhận ra điều đó, chỉ đơn giản là đầu gối bạn phải nhấc lên cao hơn một chút. Tất cả đều ổn, cho đến một ngày bạn đang vội, đầu gối không nhấc lên kịp, thế là ngã sấp."
 
Phần lớn khán giả chỉ nhìn thấy Hawking sau khi cuộc đời ông đã gắn chặt với chiếc xe lăn, cơ thể co quắp với phần cổ ngẹo sang vai phải và gương mặt nhăn nhúm. 
 
“Tôi cầm iPad ngồi trước gương, cố cử động những phần cơ mặt chưa bao giờ chạm tới. Nhiều lúc cảm giác như mình bị đần. Tôi phải tự mình trải qua giai đoạn đó và phải toàn tâm toàn ý vào đó vì nó thực sự là rất phức tạp.”
 
Một người ép cơ thể mình vào những tư thế bất thường đến một lúc nào đó thì sẽ không chịu đựng nổi nữa. 
 
Sự tận tâm với vai diễn của Redmayne cũng để lại nhiều hậu quả. “Tôi không phải người ác nghiệt gì," đạo diễn James Marsh nói. 
 
“Tôi cũng không thích như vậy. Dĩ nhiên tôi thấy cậu ấy đang phải chịu đựng như thế nào. 
 
Tôi thường xuyên nghe thấy cậu ấy vuột ra khỏi nhân vật của mình, rên lên đau đớn. 
 
Nhưng chỉ thế thôi, rồi cậu ấy lại chuẩn bị sẵn sàng cho cảnh quay kế tiếp. Cậu ấy không bao giờ than vãn.”
 
Khi được hỏi rằng anh có nhân viên chăm sóc nào không, Redmayne chỉ cười. 
 
“Tôi đã học cách nắn xương mình với những vũ công dày dạn rồi. Đôi khi tôi cần châm cứu hoặc dùng thuốc giảm đau. Nhưng xong cảnh diễn, tôi lại có thể đứng lên khỏi chiếc xe lăn, trong khi nhiều người tôi gặp thì không thể. Điều đó sẽ khiến bạn luôn cảm thấy mình may mắn biết chừng nào.”
 
Vai diễn không chỉ ảnh hưởng lên cơ thể của anh. Redmayne đã vặn vẹo gương mặt mình nhiều đến nỗi nhân viên trang điểm của phim nhận thấy phần mặt bên phải của anh bắt đầu thay đổi, rõ ràng đến mức bạn diễn của anh đến giờ vẫn nhìn ra được. 
 
Jones nói: “Tới tận bây giờ tôi vẫn nhìn ra đường nét của Stephen trên mặt Redmayne. Anh ấy là một diễn viên thực thụ, anh ấy muốn diễn vai này với sự trân trọng và xác thực cao nhất.”
 
Sự cống hiến của Redmayne thể hiện rõ nhất ở sự thể hiện giọng nói thật của Hawking. 
 
Trước cuộc phẫu thuật thanh quản, ông phải nói qua một chiếc máy tính. 
 
“Khi tôi gặp Stephen, ông ấy hỏi tôi có diễn phần đời trước khi ông ấy nói qua máy không, tôi nói có. Thế là ông ấy bảo mình bị tật nói lắp rất nặng. Trong một đoạn phim tư liệu, tôi không thể hiểu được ông ấy nói gì. Sinh viên đến giúp đỡ vợ chồng ông cũng phải mất hai tuần đọc khẩu hình mới hiểu được.”
 
Stephen Hawking, sau khi gặp Redmayne và cảm động trước những gì anh đang cống hiến cho vai diễn, đã tự thu âm những đoạn hội thoại trong phim bằng giọng nói máy tính nổi tiếng của mình và đưa cho đoàn phim. 
 
Đây là một món quà vô giá, bởi các chuyên gia âm thanh của phim đã phải làm việc cật lực để tái hiện giọng nói máy tính đặc trưng của nhà khoa học mà không thành công.
 
Tính thuyết phục trong vai diễn của Redmayne cũng nhờ một phần khá lớn vào sự hỗ trợ của đội ngũ hóa trang, phục trang và thiết kế sản xuất. 
 
Họ đã biến anh từ một người đàn ông trẻ khỏe mạnh thành một người bệnh tật với cơ thể ốm nhom gầy mòn. 
 
Anh được gắn vành tai giả to hơn, tạo ảo giác khuôn mặt đang dần teo tóp. Quần áo may rộng hơn, xe lăn thiết kế cao và lớn hơn để khiến anh trông như đã gầy gò nhỏ thó đi. 
 
Chiếc xe lăn cuối cùng trong phim to hơn chiếc đầu tiên 30-40%.
 
Eddie Redmayne nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ vào vai diễn nhà khoa học Hawking Stephen trong bộ phim The Theory of Everything.
Eddie Redmayne đã khắc họa một Stephen Hawking vô cùng chân thực trên màn ảnh và nhận được những lời ca ngợi từ các nhà phê bình cũng như đồng nghiệp tại Viện Hàn lâm Điện ảnh. 
 
Nhưng sự công nhận ý nghĩa nhất chỉ có thể đến từ chính Stephen Hawking. Ông đã rơi nước mắt khi xem xong bộ phim và công nhận nó rất trung thực. 
 
Hawking đã chia sẻ lời chúc mừng của mình với Redmayne về tượng vàng Oscar đầu tiên này của anh và chia sẻ niềm hãnh diện của mình.
 
Sự công nhận từ chính nhân vật thật, từ những người làm nghề và từ khán giả là sự tưởng thưởng xứng đáng nhất cho lòng tận tâm của Eddie Redmayne.
 
Theo TT&VH