(Baonghean) - Giữa cái nắng chớm gọi hè, những chàng trai trong màu áo xanh tự vệ hăng hái mở đường.
Đây là hoạt động thường xuyên của các chiến sỹ trên quê hương miền Trà Lân lịch sử của huyện Con Cuông, trong chương trình chung tay cùng người dân xây dựng nông thôn mới.
Thông tin thời tiết từ đài báo nói rằng sẽ có một đợt không khí lạnh kèm với mưa giông sẽ tràn xuống miền núi xứ Nghệ. Thượng tá Nguyễn Thao Trường - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Con Cuông nghe tin lo lắng nói: “Mình chỉ sợ không hoàn thành được kế hoạch”. Ấy là cái lo về kế hoạch mở đường vào một thung lũng là vùng sản xuất của bà con người Thái ở xã Chi Khê. Trời mà trút mưa xuống thì kế hoạch phải ngừng, phải dời lại.
Đợt hoạt động giúp dân làm nông thôn mới của Huyện đội Con Cuông đã bước sang đợt thứ 2 với sự tham gia của bộ đội và dân quân tự vệ đến từ 6 xã trong huyện với hơn 300 chiến sỹ tham gia. Trước đó, vào giữa tháng Ba, đã có đợt ra quân giúp dân mở đường. Quân số tham gia trên 300 người.
Nhưng dường như trời đã chiều lòng người. Trong buổi sáng cuối cùng của đợt giúp dân làm đường, trời nắng đẹp. Những chiến sỹ dân quân hồ hởi xách theo cuốc, xẻng đi vào thung lũng Tung Cột Tàu, một vùng sản xuất của bà con bản Liên Đình, xã Chi Khê.
Thung lũng có diện tích trên 100ha là vùng sản xuất của bà con từ khoảng nửa thế kỷ nay. Trước đây là vùng lúa rẫy, sau này thành vùng trồng cây xoan và chăn nuôi. Đường sá khó khăn vẫn là lý do chính khiến cho thung lũng chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 1,5km này vẫn chưa thể phát huy hiệu quả kinh tế. Những vườn xoan bị tư thương ép giá vì khó khăn trong khâu vận chuyển. Thế nên khi có chủ trương mở đường vào thung lũng, ai cũng ủng hộ.
Trong bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi, Chính trị viên Huyện đội Hoàng Quốc Viên như trút được một gánh nặng khi những mét đường cuối cùng đang dần hoàn thành. Anh cho biết: Có được tiến độ nhanh ngoài sự thuận lợi thời tiết còn phải nhờ vào sự ủng hộ của những dân bản có đất dọc theo con đường. Khi có chủ trương làm đường, chỉ sau một hai cuộc tiếp xúc, gần chục hộ dân đã đồng tình hiến đất, hiến cây để mở đường.
Một trong những hộ hiến nhiều đất nhất là gia đình ông Lô Văn Cử, bản Liên Đình (Chi Khê). Ngồi giữa căn chòi nhỏ tuềnh toàng bên con đường dẫn vào thung lũng, ông Cử trải lòng: Tôi là một nông dân, làm ăn cũng mong có đường rộng rãi. Nên khi thấy sắp làm đường, cán bộ đến yêu cầu hiến đất, hiến cây, tôi vui vẻ nhận lời thôi... Người dân phải chung tay với chính quyền, bộ đội!”.
Đã non trưa, trên con đường đất đỏ dẫn vào thung lũng, những chàng trai tráng điền mặt bóng nhẫy mồ hôi. Tiếng cuốc xẻng, tiếng nói cười khiến không gian như bừng lên trong nắng chớm gọi Hè.
Vừa rời quân ngũ đầu năm 2017, Lang Văn Doãn là chiến sỹ của đội dân quân trẻ nhất xã biên giới Môn Sơn. Với anh thì việc giúp dân làm đường sá, mương máng… là một hoạt động thường xuyên khi còn tại ngũ. Thế nhưng đây là lần đầu tiên, trong vai trò một chiến sỹ dân quân. Nhờ thế mà ngoài những giờ huấn luyện, lao động, anh có dịp thâm nhập cuộc sống của những dân bản tại nơi huấn luyện. “Tìm hiểu cuộc sống của người dân sau giờ huấn luyện là một điều hay. Qua đó mình sẽ càng thêm thân thiết với họ” - Lang Văn Doãn chia sẻ. Nom anh có vẻ già dặn hơn trong suy nghĩ so với cái tuổi 21 của mình.
Cũng đến từ một địa bàn biên giới, đi tham gia giúp dân, anh Lê Văn Tỵ, ở bản Khe Bu, xã Châu Khê tỏ ra rất hăng hái. Chàng trai người Đan Lai này từng thuộc quân số của Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An. Từ ngày ra quân vào năm 2012, anh Tỵ luôn cùng đội dân quân của xã Châu Khê giúp dân trong các đợt huấn luyện hàng năm. Khi được hỏi cảm tưởng về những đợt hoạt động cùng người dân xây dựng nông thôn mới, anh cho biết: “Mình còn trẻ, nên được tham gia giúp đỡ người khác là một niềm vui. Hẹn gặp lại anh vào những đợt giúp dân sau nhé”.
Không khí buổi lao động kéo dài tận 11 giờ trưa. Lúc này con đường khấp khểnh đất, đá do máy đào thi công 2 tuần về trước để lại đã được san bằng phẳng. “Tầm hai buổi lao động nữa thì xe ô tô tải có thể vào đến vườn xoan của bà con trong thung lũng” - một cán bộ chỉ huy xã đội hồ hởi tính toán. Trong giờ giải lao ngắn ngủi trước bữa cơm trưa, chiến sỹ trẻ Lang Văn Doãn nói về dự định tương lai của mình: “Em sẽ học một nghề nào đó vừa có thể làm việc ở nhà vừa có thể tham gia đội dân quân xã. Sau đó nữa mới nghĩ đến chuyện lập gia đình”.
Lúc này cái nắng đầu Hè đã trở nên gay gắt. Sau giờ giải lao, các chiến sỹ dân quân trở về với bữa ăn tập thể đã được chuẩn bị sẵn ở một bản nhỏ gần đó. Để có được bữa ăn cho các chiến sỹ dân quân, dân bản đã tự nguyện đóng góp nào gạo, củi, rau củ… Các chiến sỹ như anh Tỵ, anh Doãn đã quen thuộc với những nghĩa cử này của người dân. Họ gọi đó là những bữa cơm tình quân dân. Mọi mệt nhọc sẽ được xua tan khi quây quần bên nhau trong bữa cơm ấm áp ấy./.
Hữu Vi