Với tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều người dân thành thị đang tìm đến thực phẩm dưỡng sinh và thực hiện phương pháp thực dưỡng Ohsawa để bảo vệ sức khỏe.
Không những thu hút người già, thực phẩm dưỡng sinh cũng được nhiều bạn trẻ ở TP.HCM lựa chọn.
Các thực phẩm làm từ gạo lứt đang được bạn trẻ ưa dùng
Ảnh: Ngọc Nga
Ăn phòng bệnh
Giờ cơm trưa tại một cửa hàng thực phẩm dưỡng sinh ở Q.3 có khá nhiều khách hàng là nhân viên văn phòng. Thức ăn chủ yếu được chế biến từ gạo lứt như cơm nắm, cháo, các loại bánh... ăn kèm với muối mè, rong biển. Chọn một nắm cơm gạo lứt và chiếc bánh rong biển, chị Nguyễn Bích Ngân (26 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo) cho biết đã sáu tháng nay bữa trưa của chị đều có cơm gạo lứt. Nghe một người bạn mách nước ăn gạo lứt phòng ngừa nhiều bệnh lại đẹp da, giảm cân nên chị Ngân tìm đến cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn dưỡng sinh gần công ty để dùng thử.
“Tạm biệt những bữa trưa chỉ cơm hộp, nhiều thịt ít rau đầy dầu mỡ và phụ gia, chỉ ăn thanh đạm gạo lứt, muối mè, rong biển tôi thấy nhẹ nhõm và rất thoải mái” - chị Ngân bộc bạch.
Ăn trong tâm thế thoải mái
Phương pháp thực dưỡng Ohsawa là phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống, được phát triển bởi giáo sư người Nhật Bản George Ohsawa từ đầu thế kỷ 20. Đây là một phương pháp ăn sao cho cân bằng âm - dương. Thực phẩm chủ yếu là các loại ngũ cốc và rau cỏ tự nhiên, trong đó gạo lứt và muối mè làm chủ đạo. Khi ăn phải nhai kỹ, uống ít nước và tâm thế thật thoải mái.
Không chỉ dùng thức ăn dưỡng sinh vào buổi trưa như chị Ngân, vợ chồng ông Huỳnh Văn Ba (ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) ăn theo phương pháp Ohsawa cho cả ngày nhiều năm nay. Ngoài việc dùng gạo lứt, muối mè cho bữa chính, vợ chồng ông Ba còn dùng gạo lứt chế biến nhiều món ăn vặt như: bánh căn bột gạo lứt, cốm gạo lứt. Thức uống thì có trà gạo lứt rang. Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Ba, cho biết cách đây mười mấy năm chồng bà bị bệnh tim phải đi bệnh viện suốt.
Sau nhiều năm thuốc thang liên tục, ông Ba đọc một tài liệu về phương pháp thực dưỡng Ohsawa có thể hạn chế được bệnh tật nên áp dụng. Cả nhà cũng ăn theo ông mười mấy năm nay.
Lắng nghe cơ thể
Bàn về phương pháp thực dưỡng Ohsawa, TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết phương pháp thực dưỡng Ohsawa lấy gạo lứt và muối mè làm nguyên liệu chính cho mỗi bữa ăn. Nguyên lý cơ bản nhất là ăn nguyên hạt, ăn tự nhiên, khi đói thì ăn và cân bằng âm dương. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về phương pháp ăn này nhưng xét về thành phần thực phẩm của phương pháp này rất tốt.
Nguyên tắc ăn nguyên hạt là xu hướng của dinh dưỡng hiện đại, ngũ cốc nguyên hạt còn giữ được lớp màng bên ngoài chứa nhiều dưỡng chất và vitamin tốt cho cơ thể. Gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên hạt còn giữ lại được lớp màng chứa nhiều chất xơ, chất đạm, vitamin nhóm B, kẽm, sắt... và một số axit có lợi cho cơ thể.
Bên cạnh đó, mè có hàm lượng đạm và tinh bột cao, cung cấp năng lượng dồi dào. Đặc biệt mè chứa rất nhiều canxi. Mè còn chứa chất béo không no rất tốt cho hệ tim mạch.
Như vậy hai loại thực phẩm này dùng kết hợp đã cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết.
Tuy nhiên theo TS Đức Sơn, nếu ăn liên tục chỉ muối mè và gạo lứt một thời gian dài thì cơ thể chúng ta có nguy cơ thiếu chất. Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày một người nên ăn ít nhất 20 loại thực phẩm khác nhau mới cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Nếu áp dụng ăn lâu dài chỉ gạo lứt - muối mè, bác sĩ Sơn khuyến cáo có thể dẫn đến những tác dụng phụ như: thiếu máu, thiếu một số vitamin nhóm A, mất tập trung, tiểu gắt, sỏi thận do uống ít nước, giãn cơ... Vì vậy việc áp dụng phương pháp thực dưỡng cần cân nhắc. Tốt nhất là nên sử dụng kết hợp các thực phẩm như gạo lứt, muối mè, các loại thực phẩm không dùng hóa chất bảo quản kết hợp với các loại thực phẩm khác, đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là với các bạn trẻ đang cần ăn đủ chất để phát triển toàn diện.
Sau 30 tuổi nếu muốn ăn dưỡng sinh, nên áp dụng từ thấp đến cao, chuyển từ nhiều thịt cá, ít rau trái sang ít thịt cá, nhiều rau trái và sau đó mới dần dần chuyển tới ăn hoàn toàn ngũ cốc và rau trái. Nói chung nên áp dụng linh động, không cứng nhắc. “Hãy lắng nghe cơ thể của chính mình đang cần gì, khi ăn uống tinh thần phải thật thoải mái mới có lợi cho sức khỏe”- bác sĩ Đức Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, việc ăn dưỡng sinh chữa được bệnh nan y thì chưa có công trình nào nghiên cứu. Nhưng áp dụng phương pháp ăn này có thể phòng một số bệnh về gan, thận, béo phì, cao huyết áp...