(Baonghean.vn) - Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng. Một trong những văn kiện lịch sử có ý nghĩa mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam là tác phẩm “Đường Kách mệnh”.

Đúng 90 năm trước đây, vào đầu năm 1927, tác phẩm “Đường Kách mệnh” được Bác Hồ biên soạn và xuất bản lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là cuốn sách tập hợp một số đề cương bài giảng của Người từ đầu năm 1925, được phát triển và cụ thể thêm khi Người giảng giải cho cán bộ trong các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu. Cuốn sách do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á - Đông xuất bản và do chính tay Người viết bản in bằng kiểu chữ quốc ngữ cải tiến.

resize_images1881283_1.jpgTác phẩm "Đường Kách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Trong “Lời nói đầu”, Người nêu lên mục đích của cuốn sách là:1. Vì sao chúng ta muốn sống thì phải làm cách mạng?; 2. Vì sao cách mạng là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người; 3. Đem lịch sử cách mạng các nước làm gương cho chúng ta soi; 4. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ; 5. Ai là bạn ta? Ai là thù ta?; 6. Cách mạng thì phải làm thế nào?

Cuốn sách đã thực sự gây dấu ấn và có tác động tích cực mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ cách mạng nước ta từ trước tới nay. Đọc cuốn sách, chúng ta thấm sâu lời Người nhắc nhở qua lời của bậc tiền nhân: "Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động…" (Lênin).

Nội dung của tác phẩm “Đường Kách mệnh” vô cùng phong phú và hấp dẫn bởi tính thực và cụ thể của nó. Cuốn sách chỉ rõ cho mọi người biết những khái niệm về cách mạng tư sản, cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.

Người xác định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ thực dân xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Lực lượng cách mạng là nhân dân bị áp bức mà trong đó công nhân và nông dân là lực lượng chủ yếu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, tổ chức tại Mátxcơva năm 1960. Ảnh tư liệu

Đồng thời, Người nêu rõ: Muốn làm cách mạng thì phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin để hiểu thêm về tình hình thế giới; để biết so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch; để có chiến lược, sách lược cũng như phương pháp cách mạng đúng đắn; để nắm được thời cơ, biết tập hợp và đoàn kết được quần chúng nhân dân.

Đặc biệt, ngay từ thời điểm đó, một lần nữa, Người lại khẳng định rằng: Làm cách mạng muốn giành được thắng lợi, trước hết, phải có Đảng cách mạng được vũ trang bằng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin. Để xác định con đường đi đúng đắn cho cách mạng nước nhà, Người nêu lên những bài học kinh nghiệm của cách mạng Mỹ, Pháp, Nga... và nhấn mạnh: Chúng ta phải học tập kinh nghiệm các cuộc cách mạng ấy. Trong đó, phải chú ý học tập những kinh nghiệm thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trên cơ sở phân tích, so sánh về lịch sử của Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ ba, Người chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận khắng khít của cách mạng thế giới, được sự chỉ đạo của Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản).

Bác Hồ tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp (1920)

Với kinh nghiệm thực tế và tầm nhìn xa trông rộng của mình, Người giới thiệu rất kỹ về lịch sử phụ nữ quốc tế, công nhân quốc tế, thanh niên quốc tế…; giới thiệu về cách tổ chức công hội, nông hội… và cho rằng: Cách mạng Việt Nam cũng phải tổ chức các đoàn thể quần chúng như công hội, đoàn thể phụ nữ, thanh niên… theo đường lối và phương pháp của Quốc tế Cộng sản…

Người dạy rằng, đã là người cách mạng thì: "Tự mình phải: Cần kiệm, hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó); hay nghiên cứu; xem xét; chí công vô tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng ham muốn về vật chất…". "Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người…". "Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán".

Lời dạy trên của Người cho chúng ta thấy rõ rằng: Nhân cách một con người không chỉ xem xét ở mối quan hệ người - người, mà còn bao hàm cả con người và công việc, và con người với bản thân mình, nghĩa là chú ý đến cả phẩm chất lẫn năng lực và thế giới nội tâm (tâm lý) nữa.

Cũng trên cơ sở những lời dạy của Người, thêm một lần nữa, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, đã là người cách mạng, là những người được xem là công bộc của dân thì trước hết phải là người có tư cách đạo đức tốt: yêu nước, thương nòi, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, cần kiệm, hiếu học, chịu khó, hy sinh, trong sạch, mẫu mực trong đời sống cá nhân, gần gũi với quần chúng...

Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III (1961). Ảnh tư liệu

“Đường Kách mệnh” không những đem đến cho chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XX các vấn đề cốt lõi của học thuyết Mác-Lênin, ánh sáng tư tưởng của thời đại, mà cho đến nay, nội dung cụ thể của “Đường Kách mệnh” vẫn còn nguyên tính thời sự về những vấn đề của dân tộc, của thời đại.

Có thể khẳng định rằng: “Đường Kách mệnh” là một trong những tác phẩm hàm chứa những tư tưởng đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn. Đó chính là điều làm nên sức sống mãnh liệt vượt thời gian, có sức động viên và cỗ vũ hoạt động cách mạng của hàng triệu triệu con người...

Những thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử  trong những năm qua đều bắt nguồn và gây dựng từ những giá trị lý luận cách mạng và khoa học của tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Những tư tưởng cách mạng có tính thuyết phục cao của tác phẩm còn có tác dụng cổ vũ, giáo dục các thế hệ thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN