(Baonghean) - Chuyện phố phường tuyền những mẩu ký ức vụn thế thôi, nhưng có ngồi cùng họ, ở ngay trên phố này, nhấp ngụm chè Gay chát sánh và ngắm ánh hoàng hôn dần trôi xuống phố, thấy thấm thía lắm thứ tình phố mộc mạc, đơn sơ. Họ nói về phố thân tình, giản dị mà vẫn toát lên niềm tự hào phố không giấu nổi. 

Phố chưa khoác vẻ “hợp thời” của đô thị loại 1, cũng chẳng mấy nhộn nhịp như là phố chuyên doanh, nét gì ở phố cũng tầm tầm, vừa phải, thoáng xôn xao lên một chút vào cữ tảng sáng và xẩm tối, còn thì vẻ mới mẻ đổi thay độ chục năm lại nay trong kiến thiết nhà mặt phố vẫn không thể xóa nhòa được ký ức mấy mươi năm về trước trong tâm trí người cũ chốn này. 

Tôi đã ngồi cùng một ông thợ sửa xe đạp, một bà bán xôi, một thiếu phụ bán cháo gà để nhặt nhạnh những ký ức phố của họ…

Trước hết, xin nói qua về những nhân vật của bài viết này. Mong bạn đọc đừng quở trách rằng đề từ dài quá, vì thiết nghĩ, hiểu về người trên phố thì hẳn theo một cách kỳ diệu nào đó, sẽ thấm thía hồn cốt phố phường. 

Tôi nói “người trên phố”, bởi những người tôi sắp kể ra đây, họ có thể chỉ là “chủ nhân” của vài vuông gạch block - nơi ngót nửa đời người, họ dựng xiêu vẹo chiếc bơm xe đạp, hộp đồ nghề lấm lem dầu mỡ để làm kế mưu sinh. Họ không phải là cư dân phố, không có nhà cửa trên phố, nhưng hơn bất kỳ ai, chính họ, với muôn vẻ mưu sinh lầm lũi, tất bật của mình chính là những người “cảm” phố với tất cả những gì chân thực nhất.

Nhân vật đầu tiên chính là ông Nguyễn Văn Sâm, năm nay 72 tuổi. Ông Sâm có dáng vẻ khắc khổ, khuôn mặt nhăn nheo những nếp chân chim, lối nói ngắt quãng vẻ không háu chuyện gì cho lắm, ấy nhưng nếu khéo vân vi thì cũng rổn rảng ra trò. Ông bảo, nhà ông mãi mạn đường Trần Thủ Độ, nhưng tính chi li thì dễ mà gắn với đường Hồ Sỹ Dương này nhiều hơn ở chốn nhà: “Non mấy tháng nữa là 40 năm tròn tui ngồi sửa xe ở đây, tính từ tháng 10/1975. Tui là bộ đội Cụ Hồ, đánh thắng giặc Mỹ, miền Nam độc lập, thống nhất đất nước là về thôi. Rồi dằng dặc thời gian sau đó là bươn bả mưu sinh chốn này!” (chốn giao cắt giữa đường Hồ Sỹ Dương và đường Hồ Tùng Mậu). 

Đường Hồ Sỹ Dương.
Đường Hồ Sỹ Dương.

Ấy là về phần ông Nguyễn Văn Sâm, còn về chuyện phố Hồ Sỹ Dương, thủng thẳng mãi, ông mới chắp nối mạch chuyện thế này: rằng thì phố tên đẹp thế, nhưng mấy mươi năm lại nay, mấy người ở xa nhớ tên phố là gì, họ cứ gọi chung là phố “cháo gà Giao Tế”. Đi ăn, ghé tai nói nhỏ “Đến cháo lòng Giao Tế nhé” ắt đến đúng nơi; đi taxi, bảo “Cho tôi về đường cháo gà Giao Tế” thì hẳn không thể sai. Ông kể chuyện, rồi tay chỉ vào dãy quán hàng lụp xụp tranh tre, bàn ghế gỗ lỏng chỏng và mấy bà bán hàng phe phẩy quạt chờ khách, bảo “đích thị” là dãy cháo này đấy!

Không là cư dân phố Vinh những năm đầu thập niên 1990, thì hẳn, khó có thể hình dung diện mạo đường Hồ Sỹ Dương thời kỳ ấy và những hàng quán ấy, sau này lại có thể trở thành định danh thân thuộc đến thế. Mấy mươi năm trước, đường đã định hình tuyến như bây giờ rồi, nghĩa là một đầu cắt đường Hồ Tùng Mậu, đầu kia cắt đường Nguyễn Tiến Tài và rẽ thành hai ngõ, chạm đường Văn Đức Giai và đường Vĩnh Yên. Là định hình tuyến thế, nhưng đường nhỏ hẹp chỉ tầm 2 - 3m, heo hút và thưa vắng cư dân. Dân phố Vinh thời bấy giờ lại đua “mốt” ở nhà ngõ, ngại ra mặt đường, nhất là khu vực trung tâm Bưu điện tỉnh - Quảng trường Hồ Chí Minh - Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An hiện nay. Ai mà ngờ được, chỉ độ chục năm sau, khu vực này lại “phất” lên thành địa ốc vàng của thành phố. 

Đoạn, ông Nguyễn Văn Sâm giới thiệu tôi với bà bán cháo lòng nổi tiếng ở đường này. Bà Linh, nay đã chạm lục tuần, hồ hởi kể về con đường đã gắn bó với mình cả đoạn đời tuổi trẻ. Quán cháo nhà bà Linh nằm sâu hơn so với dãy quán tạm đầu đường, tận dụng lợi thế sân nhà rộng rãi, bà cải tạo thêm cả gian phòng khách để đặt mấy bộ bàn ăn phòng khi đông khách. Bà bảo, nghề bán hàng ăn này bắt đầu ngồi từ 18h chiều đến mãi tận 3, 4h sáng hôm sau. Ngồi ngóng khách nên tình cờ hóng thêm được cả nhiều chuyện phố phường. Rằng thì là trước khi phố chưa là phố sầm uất như giờ, thì còn lụp xụp mấy dãy nhà tập thể của cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, sâu vào một chút, là mấy căn tập thể của giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Phố dày những sinh hoạt tập thể điển hình của những năm đầu thập niên 1990 như thế. Sau này, theo nhịp phát triển chung của thị thành, các dãy tập thể dần được phân lô, bán hóa giá cho từng hộ. Ký ức tập thể xưa cũ phai dần, nhà trước, nhà sau lên mái bằng, tầng cao. Sau này, chỉ còn dùng dằng mãi khu tập thể giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Chuyện phố phường tuyền những mẩu ký ức vụn thế thôi, nhưng có ngồi cùng họ, ở ngay trên phố này, nhấp ngụm chè Gay chát sánh và ngắm ánh hoàng hôn dần trôi xuống phố, thấy thấm thía lắm thứ tình phố mộc mạc, đơn sơ. Họ nói về phố thân tình, giản dị mà vẫn toát lên niềm tự hào phố không giấu nổi. Như bà hàng xôi đầu đường, người gốc Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), lấy chồng về phố Hồ Sỹ Dương đã mấy chục năm, sinh một lèo 4 đứa con nay đã phương trưởng cả. “Tui thành người Vinh rồi chơ Quỳnh Đôi mô nựa!” - bà cười rổn rảng. Thành người phố Vinh, nhưng chốn cố thổ quê nhà, gắn với tên tuổi danh nhân Hồ Sỹ Dương - người được đặt tên cho phố - thì bà không bao giờ quên được. Không quên nhớ, và cũng không bao giờ nguôi niềm kiêu hãnh vì dẫu xa quê, vẫn may mắn được sống ở con đường gợi nhớ đến quê hương. Vô hình trung, bà trở thành “hướng dẫn viên” cho khách đến ăn xôi hàng sáng, hay cả những người ở phố mà bâng quơ hỏi : “Hồ Sỹ Dương là tên vị nào nhỉ?”

Những lúc ấy, bà sẽ bộc bạch kiến thức của mình, niềm kiêu hãnh của mình, tình yêu phố của mình, rằng: Hồ Sỹ Dương (1621 - 1681) là quan nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Ông là cháu xa của Hồ Tông Thốc đấy. Năm 1643, ông 23 tuổi, thi đậu giải nguyên. Tới khoa Mậu Tý (1648) do thi hộ trường Thanh, đỗ giải nguyên bị phát giác, ông bị cách chức thủ khoa đẩy đi lính. Năm 1651 ông được ân xá, thi đậu giải nguyên (3 lần đậu giải nguyên - đó là hiện tượng hiếm có). Năm 1652, ông đậu tiến sỹ. Năm 1659, triều đình mở khoa Đông các lấy 5 người, 2 người là đông các, 3 người là hiệu thư. Dự thi là những người đã đậu các kỳ thi đình. Ông chỉ đậu thứ 2 tiến sỹ, không được nằm trong danh sách dự thi.

Ông khiếu nại trường hợp của ông: ba lần đậu thủ khoa và kỳ thi tiến sỹ đáng lý bài ông vào hạng nhất. Vua Lê Thần Tông đồng ý cho ông dự thi. Ông cùng ông Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai, người Phù Lưu Trường (nay là xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đậu đông các. Ông dẫn quân đi kinh lược Tuyên Quang, bình định được thủ lĩnh Mã Thúc Lan. Ông được bổ chức Lại khoa đô cấp Sư trung thăng Đông các đại học sỹ, được cử đi giao thiệp tranh cãi biên giới 5 lần đều thắng lợi. Sau đó ông được thăng Binh bộ tả thị lang Thượng tướng quân. Năm 1673, ông được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1676, ông làm Tham tụng, kiêm Thượng thư bộ Công, cùng năm, ông được sai Giám tu quốc sử Thượng thư Bộ hình kiếm Đông các Đại học sĩ. Sau đó, ông được thăng Thượng thư bộ Lễ.

Đấy là trích lược tiểu sử của danh nhân họ Hồ. Còn chuyện này, bà hàng xôi bảo ra vẻ quan trọng, thầm thì, còn có chuyện ông Hồ Sỹ Dương mang con cá gỗ “lai kinh ứng thí”, sau này thành “biểu tượng” cho truyền thống hiếu học của cả vùng đất xứ Nghệ đấy. Chuyện là, năm Ất Dậu 1645, Hồ Sỹ Dương ứng thí kỳ thi Hương. Trong những thứ đồ mang theo, vợ ông là bà Trương Thị Thành bỏ vào túi vải của chồng một con cá gỗ, đoạn thưa rằng: “Chàng mệnh Mộc mang con cá gỗ này theo, Mộc + Mộc thành Lâm, công danh ắt đạt.” Những ngày trọ chờ thi, đến bữa ăn cơm, không có thức ăn, chàng đưa con cá gỗ để lên mâm ngắm nghía. Hồ Sỹ Dương nhớ chuyện xưa, Tào Tháo đem quân đánh giặc, qua sa mạc, tướng sỹ khát nước khô cổ họng... Tào Tháo chỉ về phía trước: “Ở đó có rừng mơ!” Mọi người nghe nói đến mơ tự nhiên nước miếng ứa ra, đỡ cơn khát cháy bỏng. Mấy hôm ăn cơm, trên mâm chỉ độc con cá gỗ, Hồ Sỹ Dương vẫn "chén" ngon lành. Kỳ đó, ông đậu Giải nguyên, được bổ làm quan, và sự tích “cá gỗ lai kinh” theo danh Hồ Sỹ Dương đi khắp bốn phương.

Bà hàng xôi ngừng chuyện. Tôi những muốn hỏi, bà đọc được sự tích cá gỗ gắn với tên tuổi danh nhân Hồ Sỹ Dương này ở đâu? Có đích xác không, vì hiện tại trong dân gian, lưu truyền rất nhiều dị bản khác nhau? Nhưng rồi bà hàng xôi đương nhìn mơ màng ra phía xa kia, nơi những dòng xe, những gương mặt người loang loáng trôi qua. Hẳn, bà đang chìm đắm trong niềm nhớ cố thổ của mình, cũng có thể, bà vân vi tưởng tượng đến cảnh tượng sỹ tử nghèo xứ Nghệ với bữa cơm đạm bạc mà thành tài. Thì thôi, vì niềm tự hào của một người dân thuần phác ấy, hẵng thể tất cho những gì có thể còn chưa minh xác. Mà nếu kỹ càng đi nữa, thì xin mời ghé phố Hồ Sỹ Dương một sáng đẹp trời nào đó, ghé hàng xôi “làm” một đĩa, sau đó, thủng thẳng hỏi chuyện phố, chuyện đường cho rõ ràng hẳn vẫn là chưa muộn…

Phước Anh