Tháng 7/2017, sinh viên 22 tuổi Trịnh Hoàng Triều bắt đầu công việc tại Tập đoàn Google (Mỹ). Triều là sinh viên VN được Google tuyển dụng cho chương trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

images1943519____ng___n_google_c_a_m_t_ch_ng_sinh_vi_n_vi_t__595c3035bdc9f.jpgTrịnh Hoàng Triều (ngồi) trao đổi với các bạn trong một lớp học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan

Triều được Google tuyển dụng khi bạn đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). "Với tôi, cuộc sống đơn giản là có được niềm vui khi làm công việc mình thích, không để mình rơi vào trạng thái buồn chán, thất vọng chỉ vì theo đuổi những giá trị mà người ta thường gọi tên là thành công hay đam mê. Tôi nghĩ người trẻ có thể tìm thấy niềm vui chân thật từ việc tận hưởng quá trình tự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra những sản phẩm có ích". - Trịnh Hoàng Triều

Hạt cát nhỏ giữa đại dương

* Chào Hoàng Triều, tại sao những nhà tuyển dụng ở Google chú ý đến hồ sơ của bạn cho chương trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (Google Brain Residency)?

- Theo tôi, tất cả hồ sơ cho mọi chương trình mang tính chất nghiên cứu khoa học nên có một trong hai thứ: hoặc bài báo khoa học hoặc là thư giới thiệu, nếu có cả hai thì càng tốt.

Hồ sơ của tôi được chọn một phần là nhờ thư giới thiệu từ những giáo sư từng làm việc trực tiếp và hướng dẫn tôi, một phần là thư giới thiệu nội bộ của nhân viên đang làm việc tại Google Brain. Chính thư giới thiệu nội bộ sẽ tăng khả năng vượt qua được “vòng gửi xe” (tức xét duyệt hồ sơ) một cách đáng kể.

* Bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn của các chuyên gia như thế nào?

- Quá trình ấy khá áp lực, sau vòng xét hồ sơ tôi trải qua thêm hai vòng phỏng vấn về kỹ năng nghiên cứu và toán học, một vòng về kỹ năng lập trình. Các kết quả được ghi nhận lại sẽ tiếp tục đi qua hai hội đồng xét tuyển độc lập khác, không bao gồm những người đã từng phỏng vấn tôi.

Vì Mỹ trái múi giờ với Việt Nam nên thời gian họ phỏng vấn thường rơi vào giữa đêm hoặc đầu giờ sáng - khoảng thời gian mà não con người đang trong trạng thái mơ màng nhất.

Trước mỗi lần phỏng vấn tôi thường sử dụng “tuyệt chiêu” đi đá cầu, đi dạo cho rã rời thân thể để về nhà ngủ cho sâu, sáng dậy sớm, uống thêm ly cà phê để đảm bảo rằng thời điểm họ phỏng vấn mình là lúc đầu óc mình nhạy bén nhất.

So với những người khác cùng lĩnh vực trên thế giới, tôi chỉ là một hạt cát nhỏ giữa đại dương. Việc tôi trúng tuyển và đến làm việc tại Google là cơ hội giúp tôi được mở rộng tầm mắt, học hỏi từ những nhà khoa học đầu ngành, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới.

Tự tạo cơ hội cho bản thân

* Được biết bạn có hai lần đi thực tập ở nước ngoài. Bạn đã làm gì để cơ hội ấy đến với mình?

- Tôi từng có thời gian thực tập tại Canada và Nhật. Định hướng chính của tôi vốn là nghiên cứu khoa học. Nhưng trong nước lại rất ít triển khai những dự án mang nhiều rủi ro về thời gian lẫn kinh phí như vậy. Thế nên tôi chọn ra nước ngoài để đáp ứng được nguyện vọng của mình.

Tôi cho rằng việc mình được chọn vào thời điểm ấy là một sự may mắn. Giữa năm nhất tôi tình cờ đăng ký tham gia lớp học của một giáo sư người Mỹ do trường mời về thỉnh giảng cho giảng viên, sinh viên cao học...

Ông đánh giá cao khả năng của tôi và nhắn nhủ sau này nếu muốn đi du học, ông sẽ giúp tôi viết thư giới thiệu. Nên nhân lúc ông còn nhớ đến mình, tôi đã nhờ ông viết thư giới thiệu thực tập tại Canada. Đây là điểm bắt đầu cho những lần thực tập tiếp theo của tôi và hiện tại là Google Brain.

* Thời điểm nào bạn bắt đầu nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và những yếu tố nào đã giúp bạn trong việc nghiên cứu ấy để có được cơ hội như hiện tại?

- Khi tôi đang học năm thứ nhất, có một anh cùng khoa chia sẻ khóa học online từ trang Coursera (dạy mức cơ bản về trí thông minh nhân tạo). Càng tìm hiểu thì càng hứng thú, tôi bắt đầu tải các tài liệu nâng cao về đọc, đăng ký các khóa học online miễn phí của các trường ĐH lớn như: MIT, Stanford... Sau đó, tôi quyết định mình sẽ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này hơn.

Có hai yếu tố chính đã giúp tôi trong quá trình nghiên cứu.

Thứ nhất, tôi có gốc là học sinh chuyên toán nên bắt đầu rất dễ dàng.

Thứ hai, thời điểm nghiên cứu và tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo của tôi sớm hơn những người khác khi đó còn là một lĩnh vực khá mới mẻ.

Đến khi trí tuệ nhân tạo trở thành xu hướng và được các công ty lớn đầu tư, tuyển dụng thì tôi đã có sẵn trong tay nhiều kinh nghiệm.

Người thầy truyền cảm hứng

* Trong suốt quá trình đã qua, ai là người ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho bạn nhiều nhất?

- PGS.TS Trần Minh Triết (phó trưởng bộ môn công nghệ phần mềm Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) là “bàn tay phía sau” của rất nhiều sinh viên. Thầy không chỉ định hướng về mặt chuyên môn mà còn chỉ dẫn hết sức tận tình về đường đi nước bước, cổ vũ tinh thần cho sinh viên...

Ngoài ra, tôi cũng thấy mình rất may mắn vì có một nền tảng gia đình trọng giáo dục. Đặc biệt là sự hỗ trợ ổn định về mặt tinh thần lẫn tài chính nên tôi mới có thể tập trung làm nhiều việc khác nhau, nhất là chú trọng vào thực hiện các nghiên cứu.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN