Lúa thu hoạch xong được thương lái đưa xe tải đến thu mua ngay tại ruộng. Ảnh: T.P

Vụ xuân 2023, gia đình ông Phan Xuân Toàn (thôn 5, xã Nam Giang, Nam Đàn) gieo cấy 3 mẫu ruộng, đến nay đã thu hoạch xong. Năng suất lúa xuân năm nay cao hơn năm trước, theo đó, lúa tươi đạt 3,5-3,7 tạ/sào, 3 mẫu ruộng ông thu về hơn 11 tấn lúa.

“Gặt xong, tôi bán ngay 6 tấn lúa tươi tại ruộng cho thương lái ở Nghi Lộc, số còn lại phơi khô, quạt sạch để cất trữ, ăn và chăn nuôi. Giá lúa tươi 5.400 đồng/kg, cao hơn năm trước 600 đồng/kg, thu về gần 33 triệu đồng”, ông Toàn phấn khởi.

Làm hơn một mẫu ruộng, hiện đã thu hoạch được 70%, do thiếu sân phơi, nhà lại neo người nên bà Nguyễn Thị Hương (xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương) bán lúa tươi cho người dân trong xã với giá 6.000 đồng/kg.

Người dân bán lúa tươi ngay sau khi gặt xong với giá dao động từ 5.400 - 5.700 đồng/kg. Ảnh: T.P

“Gần 3 tấn lúa, bán được 18 triệu đồng cho 3 người dân không làm ruộng mua về ăn. Giống lúa Bắc Thịnh hạt dài, cơm ngon, dẻo nên được người dân ưa chuộng, giá bán cũng cao hơn”, bà Hương cho biết.

Năm nay, lúa xuân được mùa, giá lúa tươi cũng cao hơn các năm trước nên đa số người dân bán lúa ngay tại ruộng cho các thương lái. Tuỳ theo từng giống lúa khác nhau mà mức giá khác nhau, dao động từ 5.400 - 6.000 đồng/kg. Chủ yếu là các thương lái ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương và tỉnh Thanh Hoá thu mua với số lượng lớn để cung ứng ra thị trường miền Bắc.

Giá bán cao, không mất công phơi, bảo quản nên nhiều người dân bán lúa tươi cho thương lái. Ảnh: T.P

Bà Trịnh Thị Hảo, một “đầu nậu” chuyên thu mua lúa gạo lâu năm ở Đô Lương cho biết: “Lúa vụ xuân thường chắc mẩy, đẹp mã hơn, gạo ngon hơn nên rất được thị trường ưa chuộng. Từ đầu vụ đến nay, riêng tôi đã thu mua khoảng 200 tấn lúa của người dân trong huyện và phụ cận. Lúa thu mua xong được bán lại cho các thương lái ở các tỉnh phía Bắc. Hiện, giá thu mua là 5.400 - 5.700 đồng/kg lúa tươi và 7.000 - 7.500 đồng/kg lúa khô, cao hơn năm ngoái từ 500-700 đồng/kg”.

Theo chia sẻ của các thương lái, giá lúa vụ xuân này ở mức tương đối tốt, đồng đều ở các giống. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lúa, gạo trên cả nước đang trong đà sôi động, nhu cầu thu gom hàng của các vựa buôn lớn tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới tăng dự trữ lúa gạo, thị trường xuất khẩu phát triển mạnh cũng đẩy giá lúa tăng so với các năm trước.

Lúa xuân được mùa, hạt mẩy, đẹp mã nên thương lái tập trung thu mua. Ảnh: T.P

Đặc biệt, ở các cánh đồng thực hiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, giá lúa cũng cao hơn mặt bằng thị trường chung. Hiện mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hoá đang được mở rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó, tập trung ở một số huyện như: Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu…

Vụ xuân năm 2023, xã Hoa Thành (Yên Thành) gieo cấy hơn 200 ha lúa, trong đó, có 90 ha sản xuất liên kết, gồm 40 ha lúa giống và 50 ha lúa thương phẩm với các giống như: BR225, HD11, HDT10. Theo đó, doanh nghiệp bao tiêu với giá 6.100 đồng/kg thóc tươi.

Thị trường lúa, gạo trên cả nước đang trong đà sôi động, nhu cầu thu gom hàng của các vựa buôn lớn tăng nên đẩy giá lúa vụ xuân lên cao. Ảnh: T.P

“Thực hiện liên kết trong sản xuất, người dân không phải lo đầu ra cho hạt lúa, giá bán cao, không mất công phơi, bảo quản sau thu hoạch. Năm nay, lúa được mùa, được giá trong khi giá vật tư đầu vào trên đà giảm, nông dân có lãi nên rất phấn khởi”, ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết.

Theo số liệu từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành, vụ xuân năm nay, toàn huyện có hơn 4.000 ha lúa sản xuất liên kết thu mua lúa hàng hóa. Những diện tích lúa liên kết, sau khi thu hoạch xong được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng với giá bán cao hơn thị trường.

Ở những cánh đồng liên kết, giá lúa thương phẩm cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Ảnh: T.P

Đến thời điểm hiện tại, lúa xuân cơ bản đã thu hoạch xong, lúa vừa được mùa, vừa được giá nên bà con rất phấn khởi. Đây chính là động lực để bà con tích cực chuẩn bị các điều kiện về giống, vật tư, máy móc… cho sản xuất vụ hè thu.