(Baonghean) - Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo Nghệ An sẽ phải tự cân đối thu, chi quỹ BHYT. Liệu điều này có đúng với tôn chỉ, mục đích của một chính sách an sinh xã hội?
Tình hình quỹ BHYT Việt Nam và Nghệ An
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam tổ chức chiều 26/10/2016, tại Hà Nội, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, kể từ năm 2010, mỗi năm quỹ BHYT tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.
Tính đến năm 2014, quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết thêm, quỹ BHYT dự phòng đủ để đảm bảo đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này và có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Do đó, từ nay đến hết năm 2017 chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức phí đóng BHYT.
Thế nhưng, mới đây, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2017 quỹ BHYT phải chi khoảng 77.000 tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh BHYT của người dân, thiếu khoảng 8.000 tỷ đồng, nên phải giao kế hoạch chi cho các tỉnh. Trên cơ sở đó, các tỉnh giao kế hoạch cho các bệnh viện.
Nếu do khách quan mà thiếu quỹ thì tỉnh bố trí ngân sách. Nếu tỉnh không có ngân sách sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam xem xét dùng quỹ dự phòng để bù đắp.
BHXH Việt Nam dự báo năm 2017 hầu hết các địa phương sẽ bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, 3 địa phương Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa dự kiến mỗi tỉnh bội chi trên 1.000 tỷ đồng; Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ninh mỗi tỉnh bội chi trên 500 tỷ đồng; An Giang, Thái Bình mỗi tỉnh bội chi trên 400 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/5/2017, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 1895/BHXH-CSYT gửi UBND tỉnh Nghệ An có nội dung: “BHXH Việt Nam sẽ giao kinh phí khám, chữa bệnh BHYT cho từng địa phương theo số thu BHYT của tỉnh được sử dụng trong năm để địa phương chủ động phân bổ, điều tiết sử dụng”.
Tính đến 31/5/2017, số người tham gia BHYT ở Nghệ An là 2.559.175 người, đạt tỷ lệ bao phủ 82,4% dân số tỉnh, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (81%), nhưng chỉ có khoảng 300.000 người phải đóng ở mức cao nhất (4,5% mức lương hàng tháng), còn lại là các đối tượng được đóng mức phí thấp, đối tượng chính sách (người nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi...). |
Với Luật BHYT số 46/2014/QH13, quyền lợi của người có thẻ BHYT được tăng lên, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Ở Nghệ An, tần suất khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT năm 2016 là 1,1 lần/năm, tăng 38% so với năm 2015.
Tổng chi phí thanh toán theo chế độ BHYT là 2.513 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2015 (tăng 1.008 tỷ đồng). 5 tháng đầu năm 2017, số lượt khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016 là 20% (tăng 306.975 lượt), tổng chi phí thanh toán theo chế độ BHYT là 1.281 tỷ đồng, tăng so với năm 2016 là 46% (tăng 401 tỷ đồng).
Các năm trước, Nghệ An kết dư quỹ BHYT và phần kết dư được nộp về BHXH Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, năm 2010 quỹ BHYT Nghệ An dư trên 58 tỷ đồng; năm 2011 dư trên 43 tỷ đồng; năm 2012 dư trên 38 tỷ đồng, năm 2014 dư trên 81 tỷ đồng (tổng dư 4 năm trên 220 tỷ đồng).
Đến nay, khi có sự thay đổi về chính sách, Nghệ An với đặc thù người tham BHYT như đã nói ở trên, lại phải tự cân đối thu chi quỹ, liệu quyền lợi của người tham gia BHYT Nghệ An có được đảm bảo?
Cần nhìn nhận lại vai trò và hoạt động của ngành BHXH
Tại cuộc họp mới đây giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, lãnh đạo Sở Y tế, BHXH tỉnh, đại diện một số cơ sở khám, chữa bệnh nêu ý kiến: Quỹ bảo hiểm y tế kết dư từ những năm trước được sử dụng để làm gì?
Tại sao chi phí khám, chữa bệnh BHYT của người dân trong tỉnh vượt mức thu quỹ của tỉnh, BHXH không dùng quỹ dự phòng (có phần đóng góp của địa phương từ quỹ kết dư các năm trước) để cân đối mà lại đẩy trách nhiệm cho tỉnh? Rồi tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì BHXH mới xem xét dùng quỹ dự phòng?
Ở đây, BHXH đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa?
Với quan điểm xây dựng, cùng nhau góp phần kiểm soát, sử dụng hợp lý quỹ BHYT, nhiều bác sỹ, lãnh đạo các cơ sở y tế đã có các góp ý, phương án để quản lý quỹ BHYT hợp lý, như: Ứng dụng số hóa, công nghệ để lưu trữ và kết nối dữ liệu hồ sơ của bệnh nhân; Liên thông kết quả khám cận lâm sàng; Xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản để các đơn vị chủ động trong quy trình khám, chữa bệnh; xây dựng các gói dịch vụ để người tham gia bảo hiểm cùng chi trả; Xây dựng phác đồ điều trị theo hướng mở, hạn chế lạm dụng chỉ định của bác sỹ; Xây dựng bảng tương tác các loại thuốc; Có cơ quan giám định BHYT độc lập... |
Các ý kiến từ các cơ sở y tế cũng cho rằng, ngành BHXH không nên nhìn nhận hiện tượng bội chi quỹ BHYT một cách quá tiêu cực, bởi đó là kết quả đã được dự đoán trước khi đưa vào áp dụng chính sách thông tuyến.
Hơn nữa, BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, nên chú trọng vào hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ và quyền lợi mà người dân được thụ hưởng chứ không nên đặt nặng vấn đề lời lỗ.
Trên thực tế, ở nước ngoài, nhiều nước cũng có hiện tượng chi vượt thu quỹ BHYT. Để đảm bảo quyền lợi người tham gia, để thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của một chính sách an sinh xã hội, quỹ BHYT cần có sự chia sẻ ở các vùng miền, các đối tượng chứ không nên áp đặt bài toán thu - chi xuống địa phương hay các cơ sở y tế.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, để giảm bớt gánh nặng chi cho các quỹ, các chính sách an sinh xã hội, trong đó có quỹ BHYT, có thể nghĩ đến những giải pháp mang tầm vĩ mô như đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, có lối sống lành mạnh để cải thiện môi trường sống và sức khoẻ. Hay nói cách khác là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hoặc, tính đến phương án xã hội hoá một phần dịch vụ BHYT.
Nhóm PV