(Baonghean.vn) -  Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, ngành Y tế đã có một cuộc vận động thiết thực: "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam".

Có thể nói rằng, "cuộc chiến" để giành được thị phần với thuốc ngoại là khá chật vật khi việc sính thuốc ngoại đã khá nặng trong tâm lý người dân và thuốc ngoại mang lại lợi nhuận lớn hơn cho những thầy thuốc kê đơn. Mặc dù đã chiếm được 50% thị phần, song đối với nhiều loại bệnh nan y, thuốc nội đã không đáp ứng được yêu cầu, và có một bất cập là thuốc chưa thịnh hành tại các bệnh viện lớn với hàng loạt các lý do.

Tại Nghệ An, ngành Y tế địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm tăng cường sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam nói chung và sản xuất tại Nghệ An nói riêng trong các cơ sở khám, chữa bệnh và đã đạt được những kết quả đáng mừng. Từ khi thực hiện cuộc vận động, việc sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh luôn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%). Năm 2011, giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện đạt 273,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61,7% so với tổng giá trị tiền thuốc.

772144_small_70331.jpg

Để người dân sử dụng thuốc nội, người kinh doanh dược cũng cần
tuyên truyền


Đây là con số ấn tượng nếu so sánh với tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng trong khối bệnh viện trên toàn quốc (chỉ trên 30%). Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh (gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, chi nhánh các doanh nghiệp ngoại tỉnh) là 45, trong đó số doanh nghiệp đạt GDP (nghĩa là thực hành tốt phân phối thuốc) là 41 (chiếm 91,1%); số nhà thuốc (của bệnh viện, tư nhân) trên địa bàn là 149 nhà thuốc, trong đó số đạt GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc) là 126 (chiếm 84,5%).

Công ty Cổ phần dược - Vật tư y tế Nghệ An là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh có hoạt động sản xuất dược phẩm, công ty này đã đạt tiêu chuẩn GMP- WHO (thực hành tốt sản xuất). Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất thuốc của công ty này đã được cải thiện và ngày càng phát triển ổn định, mức doanh thu tăng đều qua các năm. Năm 2009, doanh thu đạt 39,53 tỷ đồng, năm 2010 đạt 52,74 tỷ đồng và năm 2011 đạt 70, 68 tỷ đồng với hơn 50 sản phẩm được sản xuất, trong đó doanh thu tại các bệnh viện lần lượt qua 3 năm là 13,59 tỷ đồng, 19,44 tỷ đồng và 23,20 tỷ đồng.

Công ty Dược - Thiết bị y tế Đồng Tâm, Công ty TNHH Dược phẩm Nam Vinh... là những công ty hoạt động kinh doanh dược phẩm lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó doanh số hàng năm các mặt hàng trong nước luôn chiếm tỷ lệ cao. Ở Công ty CP Dược - Thiết bị Y tế Đồng Tâm, doanh số từ thuốc nội luôn chiếm tỷ lệ trên 60%, ở Công ty Dược Nam Vinh là trên 50% (năm 2011, tăng hơn rất nhiều so với doanh số của năm 2009, thuốc nội chỉ chiếm 25,64%).

Rõ ràng, việc triển khai cuộc vận động "Người Việt dùng thuốc Việt" đã không chỉ làm gia tăng đáng kể tỷ lệ thuốc nội tại các đơn vị khám, chữa bệnh mà còn góp phần tăng trưởng doanh thu các thuốc sản xuất trên địa bàn tỉnh. Và như vậy đã góp phần giảm chi phí tiền thuốc bảo hiểm, thúc đẩy phát triển công nghiệp dược trong nước.


Tuy nhiên, để cuộc vận động thực sự có tính bền vững chứ không phải chỉ đơn thuần ở những con số tăng trưởng doanh thu, thì theo dược sỹ Hoàng Đăng Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế: Bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu cho thuốc nội bởi chính những nhà sản xuất, kinh doanh thì yếu tố người thầy thuốc kê đơn là rất quan trọng.

Phần đông các thầy thuốc đều "sính" thuốc ngoại vì tin ở chất lượng, cũng như các hướng dẫn của thuốc ngoại rất cụ thể trong từng sản phẩm. Cần có cơ chế khuyến khích các thầy thuốc kê đơn thuốc trong nước. Việc này các hãng dược ngoại làm rất tốt (hoa hồng chi cho bác sỹ kê đơn cao). Bên cạnh đó, cũng rất cần những người bán hàng dược phẩm, những dược sỹ có quầy thuốc đồng thời là những người tuyên truyền cho thuốc nội để người dân dần quen, dần tin các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước.


Thùy Vinh