(Baonghean) - Ngày 19/4/2014, Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Sầm Văn Hiền (47 tuổi, trú tại bản Hoa Tiến 1, Châu Tiến, Quỳ Châu), tố cáo UBND huyện Quỳ Châu tổ chức cưỡng chế trái phép nhà ở, tài sản công dân. Qua nghiên cứu hồ sơ, điều tra, xác minh thì việc làm của UBND huyện Quỳ Châu đảm bảo đúng quy định của pháp luật... 
 
images983959_4b.jpgKhu đất phế tích bản Hoa Tiến 1 đang được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.
 
Theo đơn tố cáo của ông Sầm Văn Hiền thì “ngày 8/8/2010, ông Hiền dựng nhà tạm (tranh tre) cho con là Sầm Văn Hòa trong lòng khuôn viên đất, ngôi nhà cổ của cụ cố Sầm Văn Phòng (ở bản Hoa Tiến 1) để lại cho con cháu mà ông Hiền là người được ông Sầm Văn Thạch (ông nội của ông Hiền) giao sử dụng. Ngày 12/8/2010, UBND xã Châu Tiến tuyên bố, ông Hiền có hành vi vi phạm pháp luật, tự ý lấn chiếm đất công, làm nhà trong khuôn viên đất nhà phế tích của địa chủ mà chính quyền cách mạng đã tịch thu, UBND huyện đã giao UBND xã quản lý.
 
Ông Hiền đã trình bày rõ với UBND xã Châu Tiến về nguồn gốc thửa đất cũng như ngôi nhà cổ; từ năm 1989 đến nay, khu đất được ông sử dụng làm vườn không hề có tranh chấp; trải qua hàng chục năm không hề có quyết định thu hồi đất của cấp thẩm quyền... Tuy nhiên, liên tục sau đó chính quyền xã Châu Tiến và huyện Quỳ Châu đã ban hành nhiều văn bản, thông báo yêu cầu ông phải tháo dỡ nhà, trả lại đất cho xã để làm nhà văn hóa cộng đồng. Bên cạnh đó, còn tổ chức họp dân, xuyên tạc về nguồn gốc ngôi nhà cổ và dòng họ Lo Kăm (họ Sầm), khơi lại quá khứ, phân biệt giai cấp, quy kết ngôi nhà được dựng nên là từ kết quả bóc lột nhân dân... 
 
Ngày 18/4/2014, UBND huyện Quỳ Châu tổ chức lực lượng cưỡng chế thu giữ tài sản, vật dụng, quần áo của gia đình con ông Hiền trong khi toàn bộ gia đình ông vắng nhà, sau đó dựng cột bê tông, dây thép gai rào toàn bộ khuôn viên khu đất. Cũng trong ngày 18/4, chính quyền xã Châu Tiến còn ra Thông báo số 13/TB-UBND buộc gia đình ông phải chấp hành thu hoạch cây cối, hoa màu trong khuôn viên phế tích trước ngày 23/4/2014. Ông Hiền viết: "Việc tước đoạt  tài sản khiến gia đình con tôi lâm vào tình cảnh cơ cực trong cuộc sống, tinh thần hoảng loạn, mất niềm tin vào chính quyền...".
 
Khoản 1, Điều 4, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993 trong các trường hợp sau: Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc; chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam”.

Theo hồ sơ của UBND huyện Quỳ Châu, ngày 9/9/2009, huyện Quỳ Châu nhận được đơn của một số người dòng họ Sầm đề nghị được xây dựng nhà thờ trên ngôi nhà phế tích. Vì ngôi nhà này đã được Nhà nước thu hồi, xã Châu Tiến đã đưa vào sử dụng làm trường đào tạo cán bộ, làm kho HTX, sau đó do xuống cấp không có kinh phí tu sửa nên không sử dụng được; khu đất đã được quy hoạch xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, vậy nên huyện Quỳ Châu đã có Công văn số 558/UBND ngày 24/11/2009 trả lời không đồng ý; và nếu chi họ Lo Kăm muốn xây dựng nhà thờ thì phải tìm địa điểm khác phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, phải làm đầy đủ thủ tục giấy tờ về đất đai, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

 
Ngày 8/8/2010, ông Sầm Văn Hiền cùng một số người trong dòng họ tự ý dựng một ngôi nhà 2 gian bằng tre, mét lợp pro xi măng trên khuôn viên nhà phế tích. UBND xã Châu Tiến đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với mức phạt 1.500.000 đồng, buộc ông Hiền phải tháo dỡ ngôi nhà. Không đồng tình với việc xử lý, ông Hiền làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện. Huyện Quỳ Châu đã lập đoàn xác minh giải quyết và đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 về việc giải quyết khiếu nại của ông Hiền.
 
Không đồng tình với giải quyết khiếu nại của huyện Quỳ Châu, ông Hiền tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 25/7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 938/UBND.KT giao Thanh tra tỉnh lập tổ công tác cùng đại diện các Sở TN&MT, Tư pháp kiểm tra xác minh. Sau khi xác minh, tổ kiểm tra kết luận nguồn gốc thửa đất thuộc quyền quản lý của UBND xã Châu Tiến, bên cạnh đó, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Quỳ Châu hướng dẫn Chủ tịch UBND xã Châu Tiến giải quyết đơn khiếu nại của ông Hiền đúng theo thẩm quyền. Ngày 23/9/2011, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến ban hành Quyết định số 135/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Sầm Văn Hiền; sau 30 ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, ông Hiền không có đơn khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên, không khởi kiện vụ việc ra tòa.
 
Sau nhiều lần UBND huyện Quỳ Châu, UBND xã Châu Tiến ra thông báo, cũng như tổ chức vận động ông Sầm Văn Hiền tự giác tháo dỡ nhà trái phép nhưng không có kết quả, ngày 18/4/2014, UBND huyện Quỳ Châu đã tổ chức đoàn cưỡng chế, tháo dỡ nhà dựng trái phép trên đất nhà phế tích ở bản Hòa Tiến 1 theo đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm tháo dỡ, gia đình ông Sầm Văn Hiền vắng mặt, đoàn cưỡng chế đã lập biên bản về việc cố tình vắng mặt của ông Hiền. Các vật liệu được tháo dỡ và các tài sản liên quan được lập biên bản và chuyển giao UBND xã Châu Tiến bảo quản tạm giữ... 
 
Ở huyện Quỳ Châu, còn có khá nhiều nhân chứng biết rõ nguồn gốc, lịch sử của phế tích ở bản Hoa Tiến. Đó là các cụ Lương Xuân Điềm (trú tại bản Hồng Tiến 1, xã Châu Tiến), Vang Văn Thích (trú tại bản Xẹt, xã Châu Thắng), Lang Sơn Hán (trú tại bản Na Ka, xã Châu Hạnh), ông Lang Thanh Tùng (trú tại bản Hoa Tiến 1).... Cụ Lương Xuân Điềm (SN 1933) kể lại, năm 1960 khi cụ làm Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (gồm xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Thuận ngày nay) được tham gia Ban cải cách dân chủ miền núi của huyện do ông Lê Kinh - Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban miền Tây trực tiếp chỉ đạo cùng một số cán bộ huyện như Phạm Công, Đinh Văn Hiển..
 
Thực hiện công tác cải cách ở xã Tân Tiến, Ban cải cách đã đưa một số người dòng họ Sầm ra xét thành phần. Thời kỳ ấy ông Sầm Văn Thạch (ông nội ông Hiền) đã hiến toàn bộ tài sản, đất đai (trong đó có khuôn viên và ngôi nhà phế tích ở bản Hoa Tiến 1) để tránh bị đưa vào thành phần địa chủ gian ác. Sau này ông Thạch được chính quyền sử dụng làm cán bộ văn hóa xã Tân Tiến. Còn với cụ Lang Thanh Tùng, thời kỳ làm Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cụ đã lập đoàn đi thu toàn bộ gỗ của ngôi nhà phế tích; xin UBND huyện cho sử dụng ngôi nhà làm trường học cho con cháu trong bản nhưng huyện không cho phép mà chỉ giao quản lý...
 
Để có thêm thông tin, chúng tôi đã tiếp cận hồ sơ của Tổ công tác được thành lập theo Công văn số 938/UBND.KT của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 31/8/2011, Tổ công tác có Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại của ông Sầm Văn Hiền. Trong đó, khẳng định thửa đất (có ngôi nhà phế tích) là của cụ Lo Kăm Phòng, sau Cách mạng tháng 8/1945 và sau cải cách ruộng đất đã được Nhà nước quản lý, sử dụng làm trường học, nhà kho, và làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư cho nhân dân bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến. Từ đó đến nay, Nhà nước chưa giao cho bất kỳ ai quản lý, sử dụng. Do đó, hiện nay thuộc quyền quản lý của UBND xã Châu Tiến; Ông Sầm Văn Hiền cũng như tất cả công dân trong chi họ Lo Kăm không có giấy tờ chứng minh cho việc mình được hưởng thừa kế theo di chúc và cũng không đủ điều kiện để được hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Bộ Luật Dân sự; tại sổ sách quản lý đất đai của xã Châu Tiến qua các thời kỳ không thể hiện việc gia đình ông Hiền được quyền quản lý, sử dụng thửa đất nêu trên...
 
Từ những thông tin nêu trên, có thể thấy ông Sầm Văn Hiền hoàn toàn sai khi viết đơn tố cáo UBND huyện Quỳ Châu. Hiện nay, nhà phế tích đã được phá bỏ, thay vào đó, chính quyền huyện xã đang xây dựng nhà văn hóa cộng đồng theo ý nguyện của nhân dân bản Hoa Tiến 1. Vì vậy, ông Sầm Văn Hiền nên nhận thức đúng với những việc đã làm, chấm dứt đơn thư khiếu nại tố cáo, và thay vào đó làm hồ sơ trình cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết cấp đất ở, đất vườn ở vị trí khác cho con trai ông.
 
Nhóm PV