(Baonghean) - Những năm gần đây, các cơ quan quản lý, ban, ngành chức năng, dù rất cố gắng với nhiều giải pháp, nhưng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tăng cao về cả số lượng và mức độ. Hàng loạt vụ việc gây bất bình trong dư luận, từ việc bún tươi chứa Tinopal và Acid Oxalic, nước tương chứa 3-MCPD, mỡ thối được dùng làm bánh trung thu, hạt dưa dùng phẩm chứa Arhodamin B - một chất có thể gây ung thư để nhuộm màu...

Và gần đây nhất, dư luận xôn xao trước thông tin sữa ngô được sản xuất bằng “công nghệ” chế biến vừa nhanh, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí. Với chỉ với 90.000 đồng cho 2 chai tinh dầu sữa và tinh dầu ngô là có thể dùng chế biến cho khoảng 100 lít sữa ngô, trong khi để làm 100 lít sữa ngô nguyên chất, tính riêng tiền sữa tươi khoảng 30 lít đã tiêu tốn đến 900.000 đồng. Chính vì “siêu lợi nhuận” như vậy, nên quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không được đảm bảo khi một số người kinh doanh chạy theo đồng tiền mà quên đi nghĩa vụ phải đảm bảo chất lượng VSATTP.

Để đảm bảo VSATTP, hàng loạt biện pháp được các nhà quản lý, các ngành chức năng đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, một khía cạnh cực kỳ quan trọng gần như không được nhắc đến đó là đạo đức trong kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể biết chắc chắn thực phẩm mình mua có đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hay không? Bởi người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết bằng cảm tính, quan sát bằng mắt thường để chọn mua sản phẩm, chứ không thể phân tích được mức độ an toàn của sản phẩm đó. Bất cứ doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào khi đã tổ chức sản xuất và kinh doanh đều cố gắng thu lợi nhuận cao, nhưng có rất nhiều cách thức để vừa bảo đảm uy tín, chất lượng, vừa hạ giá thành sản phẩm.

Còn lối làm ăn chụp giật, không quan tâm tới vệ sinh, chất lượng sản phẩm thì không chỉ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất có uy tín. Nguy hại hơn, còn góp phần làm băng hoại đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, khi nhà sản xuất thực phẩm đánh đổi đạo đức cho lợi nhuận, sản xuất, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm độc hại, không an toàn thì vi phạm pháp luật là điều hiển nhiên. Và nếu như ai cũng vì lợi nhuận thì đến lượt chính họ cũng sẽ trở thành nạn nhân của những sản phẩm không an toàn khác.

Trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vấn đề đạo đức kinh doanh là mắt xích đầu tiên vô cùng quan trọng, quyết định thực phẩm sạch hay không là ở người chế biến. Bên cạnh những chế tài để ngăn chặn của cơ quan chức năng, nếu như những nhà sản xuất, kinh doanh nêu cao đạo đức, có trách nhiệm với xã hội chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều sự lưu hành các sản phẩm “bẩn” trên thị trường.

N.A