(Baonghean.vn) - Đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức hạn chế, tiếng phổ thông không thạo, để truyền thông được cho bà con, người cán bộ dân số nhiều khi phải sử dụng cả 'ngôn ngữ cơ thể'.

1513482031793.jpgCán bộ hướng dẫn công tác dân số KHHGĐ cho chị em phụ nữ dân tộc. Ảnh: Công kiên

Mấy ngày nay, trời chuyển rét đậm, chị Vi Thị My - cán bộ dân số xã Lượng Minh (Tương Dương) vẫn sắp xếp công việc đến bản Côi để dự buổi tuyên truyền định kỳ.

Chặng đường từ trung tâm xã đến bản Côi ngót 10 km với những đoạn cua gấp khúc và vô số “ổ gà”, thậm chí là “ổ voi”, chiếc xe máy hết chồm lên rồi lao xuống. Trong buổi truyền thông hôm ấy, nhiều chị em bản Côi đã hỏi về vấn đề sinh con thứ 3 và sức khỏe sinh sản.

Cán bộ dân số xã Xá Lượng (Tương Dương) vào bản tuyên truyền về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: May Huyền

 Với người dân miền núi, việc "nói suông" để truyền thông dân số và sức khỏe sinh sản sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa. Bà con không hiểu vì trình độ dân trí còn hạn chế. Bởi vậy chị My phối hợp với cộng tác viên dân số của bản giải thích bằng hình ảnh trực quan. Tức là đưa ra các loại tranh ảnh, giải thích bằng lời nói và trực quan cả bằng "ngôn ngữ cơ thể" mới mong chị em nắm bắt được. Chẳng hạn, khi nói về vấn đề triệt sản, cán bộ dân số phải dùng sợi dây thắt ngang một chiếc vòi nhựa để chị em dễ hình dung. Thậm chí, cán bộ dân số còn phải dùng chân, tay để tạo hình ảnh khi tuyên truyền cho trực quan, sinh động.

Chị Vy Thị My cho biết: “Xã Lượng Minh có địa hình phức tạp, dân cư sống rải rác thành 3 cụm, trong đó 2 bản thuộc vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ, dân tộc Khơ mú chiếm phần đa. Chỉ có 4 bản ở vùng ngoài có sóng điện thoại, còn 6 bản vùng trong chưa được phủ sóng nên việc liên lạc và nắm bắt thông tin hết sức khó khăn.

Trong khi đó, tiền phụ cấp hàng tháng rất thấp, trước đây được hưởng chương trình mục tiêu của tỉnh được nhận 215.000 đồng/tháng, nhưng từ  năm 2016 đến nay  cắt giảm còn 121.000 đồng/tháng. Với mức phụ cấp này không thể đủ tiền điện thoại, chưa nói tiền xăng và tiền đi thuyền máy vào bản Cà Moong, Xốp Cháo”.

So với xã Lượng Minh, địa bàn xã Xá Lượng có phần thuận tiện hơn, toàn xã có 7 bản, chủ yếu bám dọc Quốc lộ 7A. Thế nhưng, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ phải lập lán trại ở xa bản, có lúc không về bản tham gia các hoạt động, sinh hoạt ở địa phương nên không biết, không nắm được các chủ trương, chính sách.

Trình độ nhận thức còn hạn chế, bà con nơi đây vẫn còn nếp nghĩ “có thì đẻ”, gia đình phải “có con nối dõi” nên công việc của những người làm dân số vốn đã vất vả lại càng gian nan hơn. Để tổ chức trọn vẹn một buổi tuyên truyền về chính sách dân số, hay tổ chức khám sức khỏe thực sự rất khó, có lúc cán bộ dân số phải vượt đường rừng núi vào rẫy, gặp từng hộ để tuyên truyền, hoặc vận động chị em trong độ tuổi tham gia khám định kỳ.

Chị Mùa Y Mai (dân tộc Mông) ở bản Hợp Thành cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên ở rẫy, lâu lâu mới về nhà nên ít có thông tin về các cuộc họp ở bản. Trước đây ít biết về pháp luật nên có con thì đẻ thôi, nhà nào chưa có con trai thì đẻ cho được. Bây giờ cán bộ đến tận nhà nói cho ta biết đẻ quá quy định là vi phạm nên dân bản ta cũng biết và biết chăm sóc cho mình nữa”.

Phụ nữ dân tộc Mông ở Tương Dương thường xuyên ở trên rẫy, ít khi về nhà, lại không sõi tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền gặp không ít khó khăn, vất vả. Ảnh: May Huyền

Có những năm, tình trạng sinh con thứ ba tăng vọt nên huyện, xã có chủ trương vận động vợ hoặc chồng đi triệt sản. Để vận động được phải mất cả tháng trời, nhưng đến ngày đoàn về làm công tác triệt sản thì cả 2 vợ chồng lên rẫy. Thế là cả cộng tác viên, cán bộ dân số huyện, xã lại phải lặn lội lên rẫy để tiếp tục vận động.

Huyện Tương Dương hiện có 179 cộng tác viên dân số cơ sở ở 154 bản làng và 16 cán bộ công chức dân số xã, thị trấn. Nếu xét về số lượng có thể xem là tương đối đủ, nhưng với một huyện miền núi địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi, chủ yếu là dân tộc thiểu số thì vẫn còn những khó khăn và bất cập.

Những khó khăn và thiệt thòi không thể kể hết, nhưng không vì thế mà những cán bộ và cộng tác viên dân số mất đi niềm nhiệt huyết với công việc. Phần lớn họ chẳng còn nhớ mình đã từng vượt bao nhiêu quãng đường đèo, lội bao nhiêu con suối để đến các bản làng và hộ dân. Như ông Lương Khăm Tuyền – cộng tác viên dân số bản Minh Thành (Lượng Minh), ông Vi Văn Hoãn ở bản Phảy (Xiêng My) đã hơn chục năm gắn bó với công việc  này.

Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, cán vộ dân số cơ sở ở Tương Dương thường lồng ghép nội dung tuyên truyền với các cuộc họp của các ban ngành, đoàn thể khác. Ảnh: Công Khang

Bà Lô Thị Chiên – Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện cho biết: “Công tác tuyên truyền ở địa bàn Tương Dương còn gặp một số khó khăn, trong đó phải kể đến bất đồng ngôn ngữ. Có những bản vùng sâu, vùng xa, khi tổ chức tuyên truyền phải có người phiên dịch nên nội dung tuyên truyền ít nhiều bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, với bà con người Mông, đặc biệt là phụ nữ phần lớn chưa sõi tiếng phổ thông nên khi tổ chức tuyên truyền đa số chị em khó năm bắt được nội dung thông tin. Vì thế, phải mời cả cặp vợ chồng tham gia và mời các ban ngành, đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ và MTTQ tiến hành lồng ghép các nội dung trong cuộc họp”.

Có thể nói những cán bộ làm công tá dân số ở cơ sở là những người “vác tù và”, bởi những vất vả, gian nan và thiệt thòi trong công việc hàng ngày. Với họ, niềm vui là được giúp đỡ bà con hiểu về chính sách bớt đi cái khổ, đỡ đi cái nghèo vì đẻ nhiều và đẻ dày.

May Huyền - Công Khang

TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN