(Baonghean) - Ngày xưa, khi các phương tiện truyền thông chưa phát triển như bây giờ, người ta đã lường được sự nguy hại của những lời nói bịa đặt, dối trá nhằm đạt một mục đích nào đó mà bất chấp hậu quả nên đã nhắc nhở nhau rằng “lời nói, đọi máu”. Lời cảnh báo đó nay vẫn nguyên tính thời sự.

images1807775_ba_o_la__ca_i.jpg

Và tiếc rằng, lời nói của người xưa, đến nay vẫn còn không ít người chưa thẩm thấu hết được. Để đến nỗi, dân gian đã có câu tổng kết nghe khá vui và khá đau cho những người làm nghề viết lách “Nhà văn nói láo, nhà báo nói ngoa”. Dĩ nhiên, không phải ai hành hai cái nghề đó cũng đều như vậy. Nhưng cũng có những người như vậy.

Thế nên, tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mới phải lên tiếng nhắc nhở là năm 2016 đã xảy ra một số vụ việc các nhà báo tha hoá về đạo đức, lợi dụng nghề báo để trục lợi, đưa các thông tin sai sự thật, tiêu cực ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự những người làm báo chân chính… 

Đúng là chưa năm nào có nhiều nhà báo và cơ quan báo chí bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều như vậy. Và cũng chưa năm nào mà báo chí lại gây ra những chuyện đau lòng cho xã hội và cho những người làm nghề báo đến mức như vậy. Có thể nói, vụ vu oan, giá họa cho nước mắm truyền thống nhiễm asen là một vết nhơ khó gột rửa của làng báo. Đến nỗi, khi nói đến vụ việc này, người ta đã phải dùng đến cụm từ “truyền thông bất lương”.

Và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mà cũng có thể nói là tình trạng đó vì khá phổ biến  là không gì ngoài chữ lợi. Lợi từ cách nói “vống, nói điêu” để câu người đọc lấy tiền. Lợi từ việc giúp ai đó hưởng lợi nên được lại quả. Vì lợi mà một số người đã quên đi danh dự của người làm báo. Bán danh dự của cá nhân của nghề để lấy tiền. Đây là thử thách to lớn và rất gay go, phức tạp  mà nền  báo chí cách mạng Việt Nam đang phải đương đầu.

Mà như lời của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là sự tác động rất sâu của doanh nghiệp và lợi ích nhóm vào báo chí đang làm biến dạng nền báo chí cách mạng. Vụ nước mắm vừa qua được nói đến như điển hình nhưng là vụ việc rất nhỏ trong việc xâm nhập các lợi ích nhóm vào báo chí. Nhiều chuyện ghê gớm hơn nhiều nhưng chưa đủ bằng chứng để xử lý. Điều này đặt ra cho mỗi cơ quan chủ quản, các tờ báo phải rà soát đội ngũ của mình. 

Và không chỉ mỗi tòa soạn, mỗi cơ quan báo chí phải rà soát lại đội ngũ mà mỗi nhà báo cũng phải tự rà soát lại mình. Để từ đó, tự xác định cho mình đã là người cầm bút trong nền báo chí cách mạng thì phải lấy sự trung thực làm đầu. Sau đó mới nghĩ đến những khía cạnh khác của nghề. Phải tuân thủ đúng phương châm của nghề báo là “đúng, trúng, hay, hấp dẫn”.

Viết gì thì viết, nói gì thì nói, nhưng trước hết là phải viết đúng, nói đúng đã, sau đó mới tính đến các yếu tố hay hấp dẫn. Nhất thiết không được làm ngược lại là lấy sự hấp dẫn làm đầu mà bỏ qua yếu tố đúng sự thật. Nhân dịp cuối năm, cùng những người làm nghề cầm bút tự bàn, tự luận với nhau như vậy và cùng tự quyết với nhau là sang năm mới hành nghề, xử thế theo phương châm: Đúng là trên hết!

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN