BS Ben Boursi khuyến cáo mọi người nên thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh và trong ăn uống vì hiện tượng kháng sinh trong thực phẩm rất nhiều.

images1147949_khang_sinh_hzxe.jpg

Theo một nghiên cứu mới của ĐH Pennsylvania (Mỹ) công bố trên tạp chí y khoa European Journal of Endocrinology, người dùng kháng sinh càng nhiều thì rủi ro bị tiểu đường của họ càng cao.

Nghiên cứu được thực hiện với dữ liệu của khoảng 200.000 bệnh nhân tiểu đường ở Anh. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu lịch sử dùng kháng sinh của số bệnh nhân này trước thời điểm được chẩn đoán bị tiểu đường ít nhất một năm, sau đó so sánh với thực tế dùng kháng sinh của khoảng 800.000 người không bị tiểu đường.

Kết quả, so với người không dùng hoặc chỉ dùng một đợt penicillin, rủi ro bị tiểu đường type 2 của người dùng 2-5 đợt penicillin cao hơn 8% và cao hơn 23% nếu dùng từ năm đợt trở lên. Với kháng sinh quinolones, so với người không dùng hoặc dùng chỉ một lần, rủi ro bị tiểu đường của người dùng 2-5 lần cao hơn 15%, nếu dùng từ năm lần trở lên rủi ro bị tiểu đường type 2 sẽ cao hơn 37%. Tỉ lệ rủi ro bị tiểu đường type 2 của người không dùng và dùng chỉ một đợt kháng sinh là ngang nhau.

BS Ben Boursi - trưởng nhóm nghiên cứu nghi ngờ tiểu đường có liên quan đến việc kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột. Cũng theo ông, một số nghiên cứu trước đây cho thấy mất cân bằng vi khuẩn trong ruột có liên quan đến béo phì, kháng insulin và tiểu đường ở động vật và người.

Ông cũng khuyến cáo bên cạnh thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh, mọi người cũng nên cẩn trọng trong ăn uống vì hiện lượng kháng sinh trong thực phẩm rất nhiều, chẳng hạn từ thịt gia cầm, gia súc. Số lượng người bị tiểu đường type 2 tăng lên trong những năm gần đây có thể có liên quan đến vấn đề kháng sinh trong thực phẩm./.

Theo vov.vn